Thanh Tâm ·
1 năm trước
 5582

Người lao động ngóng điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân

Nhiều quy định của thuế thu nhập cá nhân đã quá "lỗi thời" trước bối cảnh "bão giá" đã gây bất lợi, khó khăn cho người lao động nộp thuế thu nhập cá nhân.

Thu nhập giảm, chi phí tăng

Từ 7/2020 tới nay, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giá hàng hóa liên tục tăng cao, cùng với việc suy giảm thu nhập sau hai năm dịch bệnh liên tục khiến người dân rất khó co kéo cho đủ chi tiêu ở mức tối thiểu.

Thuế TNCN cơ bản dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10 đến 18 triệu đồng mức 15%; từ trên 18 đến 32 triệu đồng mức 20%; từ trên 32 đến 52 triệu đồng mức 25%; trên 52 đến 80 triệu đồng mức 30%; trên 80 triệu đồng mức 35%.

Giá hàng hóa đã tăng cao so với đầu năm khiến nhiều người lao động khó khăn nhưng vẫn nộp thuế TNCN.

Chị Mai Lan (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng tiêu dùng nhìn chung đều tăng trong khi thu nhập của gia đình vẫn không thay đổi cho nên mọi chi phí đều phải tiết giảm.

Chị Lan kể, hai vợ chồng mỗi người giảm trừ gia cảnh cho một con nhỏ. Sau khi giảm trừ gia cảnh, thu nhập của vợ chồng chị đóng thuế TNCN ở bậc 2, khoảng 10%. Tuy nhiên, giá hàng hóa từ lương thực, thực phẩm đến sản phẩm phục vụ cuộc sống liên tục tăng, khiến gia đình chị luôn phải co kéo, cố gắng sống tằn tiện.

Theo chị Lan, hàng hóa phục vụ sinh hoạt ăn uống hằng ngày từ gạo, nước mắm, dầu ăn đến thực phẩm tươi sống (như thịt, trứng, cá, gà…) những tháng qua tăng nhanh theo giá xăng, từ 10 - 20% kéo theo chi phí sinh hoạt tăng lên. Mỗi kg thịt, cá, gà tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Bó rau muống trước đây chỉ 5.000 - 7.000 đồng nay tăng lên 10.000 - 12.000 đồng.

Tương tự, anh Nguyễn Tiến Dũng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, khoản giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc sau nhiều năm đến nay đã không còn phù hợp. Lương của anh Dũng ở mức 30 triệu đồng/tháng, sau khi giảm trừ gia cảnh cho 2 con nhỏ, anh Dũng vẫn phải đóng thuế TNCN.

Vợ anh Dũng thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng nên chưa phải đóng thuế TNCN. Anh Dũng nhẩm tính, mỗi tháng tiền ăn cho con khoảng 2 triệu đồng, tiền học phí khoảng 1,5 triệu đồng, tiền sữa khoảng 1 triệu đồng, chưa kể tiền học thêm một số môn như tiếng Anh, năng khiếu hay chi phí thuốc thang mỗi khi đau ốm. Ngoài ra, mỗi tháng, gia đình anh còn phải trả góp ngân hàng 10 triệu đồng tiền mua nhà.

Chi phí cuộc sống liên tục thay đổi nên cần đưa ra căn cứ tính giảm trừ cho phù hợp, tránh tạo thêm gánh nặng cho người lao động.

Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt 4,2 triệu đồng, giảm 1,1% so với năm 2020.

Theo Tổng cục Thống kê, trước năm 2019, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng nhưng do dịch Covid-19 nên thu nhập có xu hướng giảm dần. Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2020 chi cho đời sống bình quân một người/tháng chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình. Trong cơ cấu chi cho giáo dục, khoản học phí (35,1%), học thêm (17,5%) và chi giáo dục khác (khoảng 26,6%).

Thuế TNCN nhằm đánh vào nhóm có thu nhập cao nhưng khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhóm 20% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân 9,1 triệu đồng/tháng. Chi bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm này ở mức trên 4,6 triệu đồng, cao hơn mức giảm trừ gia cảnh.

Cần sớm điều chỉnh Luật Thuế TNCN

Anh Nguyễn Văn Thành, kế toán trưởng của một doanh nghiệp trên địa bàn Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh tăng không tương xứng khiến nhiều trường hợp người lao động phải chịu đóng thuế oan khi lương tăng thêm chút ít nhưng lại bị chuyển bậc thuế, đóng nhiều hơn.

Đặc biệt, trong thời buổi giá cả hàng hóa tăng quá mạnh hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh quá thấp không thể bù đắp mà vẫn phải đóng thuế. Cụ thể, mức 4,4 triệu đồng/tháng được trừ cho người phụ thuộc trước khi tính thu nhập chịu thuế chưa thể đủ nuôi con đang học trường công, học thêm, tiền ăn, quần áo… Đáng nói, cùng thu nhập nhưng người lao động có tỷ lệ đóng thuế trên tổng thu nhập cao hơn cả doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu, xem xét sửa Luật Thuế TNCN càng sớm càng tốt, chứ không thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh như vừa qua để giảm bớt gánh nặng cho người lao động.

Bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Dũng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng cần nghiên cứu, xem xét sửa Luật Thuế TNCN càng sớm càng tốt, chứ không thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh như vừa qua.

Thực tế, chi phí cuộc sống liên tục thay đổi nên cần đưa ra căn cứ tính giảm trừ cho phù hợp, đảm bảo tính công nhận của pháp luật. Hằng năm, Chính phủ ban hành mức lương tối thiểu, do đó mức giảm trừ gia cảnh cần quy định từ 4 - 5 lần lương tối thiểu (tương ứng 18 - 23 triệu đồng hiện nay) nhằm đảm bảo công bằng cho người nộp thuế.

Quy định này cũng phù hợp thực tế và mang tính ổn định cao. Đối với người phụ thuộc, mức giảm trừ hiện 4,4 triệu đồng, tương đương 40% mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế, cần tăng lên 70%. Đồng thời, điều chỉnh điều kiện xem xét người phụ thuộc có mức thu nhập tương ứng mức này thay vì dưới 1 triệu đồng/tháng như hiện nay.

Điều căn bản nhất khi sửa đổi Luật Thuế TNCN, theo luật sư Nguyễn Văn Dũng là cho khấu trừ những chi phí quan trọng của người nộp thuế như trả tiền góp vay mua căn nhà đầu tiên, chi phí học hành, chữa bệnh…

Đây là những chi phí thiết yếu, cơ bản nhất của con người, đồng thời cũng cần được đầu tư tái tạo sức lao động, khuyến khích cá nhân lấy hóa đơn khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Nguồn: laodongthudo.vn