TP Hồ Chí Minh cho biết tổng nhu cầu vật liệu làm Vành đai 3 ước tính gần 15 triệu m3, gồm: cát, đất đắp nền và cát, đá xây dựng. Trong đó, riêng cát đắp cần 7,2 triệu m2 và loại vật liệu này đang găp khó khăn về nguồn cung.
TP đã thành lập Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án. Các đơn vị cũng phối hợp tổ chức khảo sát thực tế tại các địa phương.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Kết quả khảo sát cho thấy đất đắp nền đường, cát xây dựng, đá xây dựng các loại cơ bản đảm bảo nguồn cung ứng cho dự án. Riêng nguồn cát đắp nền đường (khoảng 7,2 triệu m3) còn thiếu và đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đủ nguồn cung cấp.
Các nguyên nhân do mỏ Đồng Phú thuộc tỉnh Vĩnh Long, mỏ Vòm Cái Thia, Hòa Khánh 1, Nam Cồn Đa thuộc tỉnh Tiền Giang, mỏ Bình Thạnh trên sông Tiền thuộc tỉnh Đồng Tháp đã hết hạn khai thác.
Mỏ cát trên sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh chưa được cấp phép, mỏ cát trên sông Tiền đoạn từ Hồng Ngự đến Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp mới được gia hạn khai thác đến ngày 31-12-2023 nhưng chỉ sử dụng cho các công trình trong nội bộ tỉnh. Các mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu thuộc tỉnh An Giang đang đóng mỏ để thanh tra.
Để bảo đảm tiến độ thi công dự án như kế hoạch, UBND thành phố đề nghị Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước cho khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng, đồng thời chỉ đạo các đơn vị cung cấp thông tin về các mỏ ở khu vực này cũng như hỗ trợ việc khảo sát, kiểm tra chất lượng.
Trước đó, chính quyền thành phố cũng kiến nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang hỗ trợ, chia sẻ nguồn vật liệu cho Vành đai 3.
Tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu
Dự án tiến hành khởi công từ 18/6/2023, tuy nhiên đến nay công tác triển khai thi công còn chưa đáp ứng yêu cầu, theo đánh giá của Chính phủ.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 quyết định chủ trương đầu tư dự án này với tổng chiều dài 76,34 km theo quy mô đường cao tốc cấp 100, phân kỳ 4 làn xe.
Về tiến độ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Dự án được chia thành 8 dự án thành phần bao gồm 4 dự án thành phần xây dựng và 4 dự án thành phần giải phóng mặt bằng, giao UBND TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản, triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Theo báo cáo, đến tháng 9/2023 đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 9/26 gói thầu.
Tổng mức đầu tư của 8 dự án thành phần khoảng 68.728 tỷ đồng . Các dự án thành phần đều không tăng tổng mức đầu tư so với sơ bộ tổng mức đầu tư được duyệt, trong đó dự án thành phần 2 giảm 6.635 tỷ, dự án thành phần 4 giảm 15 tỷ.
Tổng số vốn đã bố trí năm 2023 khoảng 32.047 tỷ đồng gồm ngân sách Trung ương 16.159 tỷ đồng, ngân sách địa phương 15.888 tỷ đồng .Tổng số vốn Dự án đã giải ngân đạt 16.380/32.047 tỷ đồng đạt 51%. Dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn được bố trí.
Theo đánh giá của Chính phủ, Dự án tiến hành khởi công từ 18/6/2023, tuy nhiên đến nay công tác triển khai thi công còn chưa đáp ứng yêu cầu, hầu hết các gói thầu đang tập kết máy móc thiết bị, nhân lực, lán trại, đường công vụ và thi công thử một số hạng mục cọc khoan nhồi, đào bóc hữu cơ, xử lý đất yếu... còn lại dự án thành phần 3 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản mới động thổ gói thầu rà phá bom mìn, chưa khởi công các gói thầu xây lắp.
Tỷ lệ giải ngân còn thấp, chủ yếu tập trung vào chi phí tư vấn, tạm ứng hợp đồng, giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong đó giải ngân xây lắp là 1.969 / 9.137 tỷ (đạt 22%), giải ngân giải phóng mặt bằng là 14.412 / 22.910 tỷ đồng (đạt 63%).
Chính phủ cũng nêu khó khăn trong thời gian tới các dự án cao tốc đồng loạt triển khai thì nguồn cung về vật liệu cát sẽ có nguy cơ thiếu hụt.
Để triển khai thi công hoàn thành Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn về nguồn cát, bảo đảm đáp ứng nhu cầu Dự án.
Đường Vành đai 3 TP.HCM là tuyến đường liên tỉnh, nối thành phố Hồ Chí Minh với một số địa phương trọng yếu thuộc khu vực phía Nam. Tổng chiều dài đường Vành đai 3 TP.HCM là 92 km (nếu trừ đi 15,3km trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn đã hình thành thì chiều dài toàn tuyến là 76,34km). Dự án đi qua các địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Đường Vành đai 3 TP.HCM là đường vành đai cao tốc đô thị, lòng đường bao gồm 4 làn xe cơ giới cùng với hai làn hỗn hợp hai bên, với vận tốc tối đa cho phép là 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Về tiến độ, dự án sẽ được khởi công trong tháng 6 năm 2023, tiến tới thông xe vào năm 2025 và hoàn thiện toàn bộ vào năm 2026.
|
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6916766551716375/