Một báo cáo gần đây của Savills cho biết hoạt động khách sạn ở Đông Nam Á đang trên đà phục hồi khi các nước đã mở cửa hoàn toàn cho hoạt động du lịch quốc tế, bao gồm việc khôi phục các tuyến bay đến Trung Quốc cũng như tăng tần suất quay trở lại của các hãng hàng không. Tuy nhiên, các yếu tố như thiếu nhân viên, chi phí năng lượng tăng cao, xung đột địa chính trị, chi phí bay cao và sự không chắc chắn trong hoạt động kinh tế tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường du lịch ở khu vực này.
Tại nước ta, Quá trình phục hồi trong hoạt động khách sạn diễn ra không đồng đều. Công suất và giá phòng khách sạn trung bình tại TP.HCM đang dần phục hồi về mức trước đại dịch. Trong khi đó, các thị trường nghỉ dưỡng như Nha Trang – Cam Ranh, Đà Nẵng, Phú Quốc vẫn gặp nhiều thách thức trong việc nâng cao công suất phòng.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Trong 9 tháng đầu năm nay, thị trường khách châu Á vẫn thấp hơn mức trước đại dịch 33%. Hiện nay, Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam với 2.6 triệu lượt, tuy vậy tổng lượt khách vẫn thấp hơn mức năm 2019 khoảng 18%. Thị trường Trung Quốc đang từng bước khôi phục, tuy vậy cũng chỉ tương đương 28% so với cùng kỳ 2019. Thị trường khách châu Mỹ và châu Úc thấp hơn so với cùng kỳ 2019 khoảng 7% (đạt tổng 1.1 triệu lượt khách).
Dư cung tại một số điểm đến trong bối cảnh các nguồn thị trường khách quốc tế chính (như Trung Quốc và Nga) khôi phục chậm càng gia tăng áp lực cho quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh của ngành nghỉ dưỡng.
Trong 10 năm qua (kể từ năm 2013-2023), phần lớn nguồn cung phòng chủ yếu tập trung tại các thành phố Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long và Hội An – Quảng Nam (tương đương khoảng 54% tổng nguồn cung mới trên cả nước). Theo đó, nguồn cung tại các điểm đến ven biển tăng trung bình 16%/ năm trong thập kỷ qua, cao hơn nhiều so với TP.HCM và Hà Nội khi nguồn cung mới chỉ tăng trung bình 6%/ năm.
Một số điểm đến như Mũi Né, Nha Trang và Hạ Long tập trung phát triển vào cùng một phân khúc. Theo đó, hơn 80% nguồn cung tại các địa phương này thuộc phân khúc tầm trung (Midscale – Upper Midscale). Phân khúc này có sự cạnh tranh cao về mặt bằng giá, không chỉ từ nguồn cung khách sạn mà còn gặp sự cạnh tranh từ những dự án căn hộ nghỉ dưỡng do chủ sở hữu tự kinh doanh, cho thuê với chính sách giá bán linh động để thu hút nguồn cầu.
Theo ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels và người chủ trì sự kiện Meet the Experts, vấn đề không chỉ nằm ở sự phát triển quá mức tại một số điểm đến. Điều này bắt nguồn từ việc tạo ra những sản phẩm chưa phù hợp với điều kiện thị trường. Sự tăng trưởng của ngành du lịch, đặc biệt là nguồn cầu quốc tế trước đại dịch đã thúc đẩy hoạt động phát triển bất động sản nghỉ dưỡng nói chung, khách sạn nói riêng. Tuy vậy, một số chủ đầu tư vội vàng tham gia thị trường khi chưa có sự nghiên cứu thấu đáo trong quá trình hoạch định, khiến tình trạng chênh lệch cung cầu tại một số điểm đến. Ngoài ra, có tình trạng chú trọng số lượng hơn chất lượng tại một vài dự án. Việc thiếu cân nhắc đến các yếu tố đặc điểm thị trường, xu hướng trong ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các dự án được phát triển nhưng không đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, đặc biệt là hiện nay, ngoài các điểm đến trong nước, du khách Việt Nam đã có thể du lịch nước ngoài thuận tiện và dễ dàng hơn.
Về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, Phó giám đốc R&D DKRA Group Võ Hồng Thắng đánh giá, đây là phân khúc cần ít nhất 3 năm nữa mới tìm lại thế cân bằng. Chính vì thế, nhiều khả năng thanh khoản của các tài sản ven biển vẫn tiếp đà suy giảm trong ngắn hạn. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, ở phân khúc này sự khó khăn của các chủ đầu tư thể hiện rõ khi sản phẩm tồn kho tăng. Khi thị trường nói chung trầm lắng, bất động sản nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, trong lúc chờ đợi thị trường hồi sinh từ thị trường chung thì các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cần đưa ra chính sách bán hàng với giá cả phù hợp để hỗ trợ người mua nhằm tăng kích cầu cho thị trường ở phân khúc này. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7039856336074062/?