Bích Ngọc ·
2 tuần trước
 9858

Nguyên nhân nào khiến lãi suất huy động tăng?

Trong tháng 9, lãi suất huy động vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Một số nhà băng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,1- 0,7 điểm phần trăm (%) so với cuối tháng 8, chủ yếu tăng mạnh ở các kỳ hạn 1 - 3 tháng.

11 nhà băng tăng lãi suất huy động

Tại ngày 17/9, theo biểu lãi suất tiết kiệm của 28 ngân hàng thương mại, một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,1- 0,7 điểm phần trăm (%) so với cuối tháng 8, chủ yếu tăng mạnh ở các kỳ hạn 1 - 3 tháng.

Từ đầu tháng 9 đến nay, thị trường có 11 ngân hàng tăng lãi suất huy động, bao gồm:

Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đông Á (Dong A Bank), Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lãi suất huy động tăng chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn. Tại các nhà băng, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến (online) thường nhận được lãi suất cao hơn so với gửi tại quầy từ 0,2 - 0,3 điểm %.

Đáng lưu ý, bên cạnh mức lãi suất thông thường được niêm yết, một số nhà băng có những chính sách lãi suất đặc biệt trong khoảng 7 - 9,5%/năm, dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, tùy thuộc vào giá trị tiền gửi.

Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất đặc biệt 9,5%/năm ở kỳ hạn 12 tháng khi có số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên.

Cùng với PVcomBank, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng áp dụng mức lãi suất khá cao - 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất 6% đối với kỳ hạn 18 tháng.

Hay tại Dong A Bank cũng đang niêm yết mức lãi suất đặc biệt 7,5%/năm với khách hàng gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên.

Có thể thấy, trong tháng 9 lãi suất huy động tiếp tục xu hướng của tháng 8. Trước đó, trong tháng 8, thị trường ghi nhận có 17 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Làn sóng tăng lãi suất huy động bắt đầu từ tháng 4 năm 2024. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh mức 5%/năm, trong khi con số này ở hiện tại là 6,2%/năm. Số ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên hiện cũng nhiều hơn, từ 12 lên 29 đơn vị.

Nguyên nhân nào khiến lãi suất huy động tăng?

Theo nhận định của Công ty quản lý quỹ VinaCapital, động thái tăng lãi suất tiết kiệm gần đây cho thấy đợt giảm lãi suất tiền gửi ngân hàng Việt Nam kéo dài từ tháng 3/2023 hiện đã kết thúc. Mức lãi cao hơn sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại nắm giữ tiền đồng, hạn chế giao dịch chênh lệch lãi suất.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động đến từ hai nguyên nhân.

Theo đó, từ nay cho đến cuối năm, các nhà băng sẽ cho vay mạnh hơn. Nhìn vào số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng chậm hơn nhiều so với dự báo và còn khá xa mục tiêu cả năm (mức tăng trưởng 15%). Gần 9 tháng đã qua nhưng tăng trưởng tín dụng mới đạt hơn 7%.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cả năm mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ cuối năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển cũng như tất cả mọi chuyện ổn định. Thế nhưng, năm nay, thế giới có rất nhiều biến động.

Trận bão Yagi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, sự phức tạp của địa chính trị thế giới là những biến số không lường trước được. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cả năm lại đang bị tác động bởi rất nhiều yếu tố, đặc biệt là trận bão Yagi.

Do vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dưới áp lực lợi nhuận, từ nay đến cuối năm, các nhà băng sẽ đẩy mạnh cho vay và từ đó, nhu cầu huy động vốn sẽ tăng lên. Các ngân hàng thường tăng lãi suất huy động để huy động vốn, để có thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng, đó là một nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ hai được TS. Nguyễn Trí Hiếu nhắc đến là vấn đề nợ xấu. Trước trận bão Yagi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng vào khoảng hơn 6%. Sau cơn bão này, rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp tại miền Bắc bị phá hủy, dẫn đến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ.

Vì thế, tại thời điểm này, ông Hiếu cho rằng nợ xấu tăng mạnh. Nợ xấu làm tắc nghẽn dòng tiền của ngân hàng. Đáng lẽ ra, các ngân hàng huy động vốn, cho vay ra và sau một thời gian, vốn đó trở về ngân hàng. Thế nhưng, nợ xấu làm tắc nghẽn dòng vốn đó và để trả tiền cho khách hàng khi đến hạn, các ngân hàng lại phải huy động vốn nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt dòng tiền tín dụng trở về ngân hàng nhưng bây giờ, dòng tiền ấy lại bị tắc nghẽn.Do đó, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/8554274477965566