Bích Ngọc ·
1 năm trước
 7950

Nguyên nhân Việt Nam không áp dụng Luật Phá sản đối với ngân hàng thương mại là gì?

Vào cuối tháng 3, việc 3 ngân hàng lớn tại Mỹ tuyên bố phá sản đã khiến dư luận quan tâm. Có nhiều câu hỏi đã được đặt ra là tại sao ở Việt Nam mặc dù đã có nhiều ngân hàng thương mại yếu kém nhưng lại chưa từng bị phá sản, trong khi đã có Luật quy định việc phá sản các tổ chức tín dụng ra đời từ năm 2014.

Trước đó, vào ngày 8/4/2023 Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng SCB theo trình tự, thủ tục của Luật Các tổ chức tín dụng. Được biết, các phương án cơ cấu lại một ngân hàng thương mại bao gồm: Phục hồi; Sáp nhập - hợp nhất - chuyển nhượng toàn bộ cổ phần; Giải thể; Chuyển giao bắt buộc và Phá sản. Dù Ngân hàng Nhà nước chưa công bố phương án nào, tuy nhiên khả năng cao sẽ không áp dụng phương án phá sản.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống tài chính toàn quốc

Mặc dù năm 2014 Luật Phá sản các tổ chức tín dụng ra đời và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, nhưng có vẻ như đây là biện pháp nhằm hạn chế việc phá sản cũng như tránh những hậu quả của nó. Trên thực tế,  kể từ khi có Luật Phá sản tới nay cũng đã có nhiều ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém gây ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa từng “cho phép” bất cứ một ngân hàng thương mại nào phá sản.

Nguyên nhân là hiện nay hệ thống ngân hàng tại Việt Nam là tổ chức kinh tế có quy mô lớn, nắm giữ khối lượng tài sản lớn, thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất, nhập khẩu, đóng góp tích cực cho việc duy trì sự tăng trưởng kinh tế. Hệ thống ngân hàng vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô lại vừa cung cấp vốn cho nền kinh tế. Chính vì thế, sự chi phối và khả năng tác động của ngân hàng thương mại vào nền kinh tế là rất lớn.

Ngân hàng thương mại có vai trò là trung gian tài chính vì vậy phải tạo được sự tín nhiệm cao của đối tượng gửi tiền. Với một đất nước có nền kinh tế đang phát triển, mức thu nhập bình quân đầu người mới chỉ ở mức trung bình khá, vì vậy đối với một tổ chức hay cá nhân việc có trong tay một khối lượng tiền bạc dù ít hay nhiều đều được xem là tài sản có giá trị, thì số tiền gửi vào các ngân hàng là rất lớn lao.

Chính vì thế, sẽ gây nên hiệu ứng domino nếu xảy ra việc ngân hàng thương mại phá sản khiến cho không những toàn bộ nền tài chính toàn quốc bị ảnh hưởng hết sức tiêu cực mà còn tạo ra các bất ổn về mặt xã hội. Khách hàng gửi tiền ở ngân hàng thương mại bị phá sản sẽ mất hết toàn bộ số tiền đã gửi, từ đó gây nên tâm lý hoang mang, sợ hãi về một kịch bản tương tự cho những người gửi tiền ở những ngân hàng thương mại khác. Sau đó sẽ dẫn đến việc lòng dân dao động và đồng loạt rút tiền trước thời hạn ở tất cả các ngân hàng thương mại trong cả nước, khiến hệ thống ngân hàng thương mại bị quá tải và tê liệt.

Tuy việc ngân hàng thương mại yếu kém bị phá sản chưa từng xảy ra thế nhưng việc được Ngân hàng Nhà nước mua lại thì đã có nhiều trường hợp. Ví dụ trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua lại CBBank và GPBank vào năm 2015, hay OceanBank vào năm 2017 để cải tổ hoạt động và tái cơ cấu, giúp ổn định an ninh tài chính, qua đó bảo vệ quyền lợi cho người gửi và tạo động lực chung cho toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại.

Kênh sinh lời ổn định

Có nhiều ý kiến cho rằng, không nên gửi tiền vào ngân hàng thương mại mà đầu tư vàng hoặc bất động sản sẽ tránh được rủi ro và thu được nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên chưa hẳn là như thế vì nền kinh tế nếu như được ví như cơ thể con người thì tiền sẽ như dòng máu vận hành nuôi sống cơ thể đó. Cơ thể sẽ càng khỏe mạnh nếu dòng máu càng khỏe, càng thông suốt. Khi tiền gửi vào ngân hàng, ngân hàng lại cho doanh nghiệp vay để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Để cùng phát triển bền vững, tất cả đều có tác động lẫn nhau.

Chính vì thế, mua vàng tích trữ chỉ là lợi ích ngắn hạn. Chính phủ ban hành Nghị định số 24/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2012. Nước ta đã phải hơn 10 năm để chống vàng hóa và hình thành nên thị trường vàng độc quyền giá luôn cao hơn thế giới. Cùng với đó thanh khoản lại thấp, có nghĩa là mua vào cao - bán ra thấp, tất cả cũng chỉ vì mục đích hạn chế đầu cơ vàng.

Mặc dù không phủ nhận việc đầu tư vào vàng, USD hay bất động sản đều có khả năng sinh lời cao hơn gửi ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, điều này lại đi đôi với không ổn định và rủi ro cao. Như hiện nay thị trường bất động sản đang rất cam go khi mà để duy trì hoạt động nhiều doanh nghiệp không vay được vốn đã chạy vạy vay mượn khắp nơi. Đến khi thị trường không có thanh khoản, trong khi vốn vay và trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được thì tập thể hay cá nhân ôm bất động sản nguy cơ sẽ bị đổ vỡ cùng với số bất động sản quý giá ấy.

Trong khi đó, mặc dù gửi tiền ngân hàng có tốc độ sinh lời chậm hơn  nhưng lại an toàn. Người gửi luôn có một khoản tiền cố định và sinh lời liên tục. Khi những kênh đầu tư từng mang lại mức sinh lời cao như bất động sản, vàng hay chứng khoán hiện nay đang trở nên im ắng, việc gửi ngân hàng vẫn là kênh sinh lời cao và có tác dụng đóng góp vào sự phát triển bền vững. Đây cũng là mục tiêu mà hệ thống ngân hàng Việt Nam đang hướng tới.

Thực hiện nghiêm túc Điều 20, Luật Các tổ chức tín dụng 2010

Việt Nam hiện tại chưa nên áp dụng Luật Phá sản các tổ chức tín dụng để đào thải những ngân hàng thương mại yếu kém ra khỏi hệ thống, mà cần có sự giám sát từ Ngân hàng Nhà nước. Phát hiện sớm và xử lý ngay từ khi một ngân hàng thương mại bắt đầu rơi vào tình trạng mất kiểm soát.

Phải thực hiện thực sự nghiêm túc những quy định tại Điều 20, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 về điều kiện cấp Giấy phép ngân hàng thương mại cổ phần, đặc biệt là việc “có đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng”.

Ngoài việc phát triển quy mô và doanh số, việc nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro sẽ tạo nên sự vững mạnh của một ngân hàng thương mại, từ đó, tạo nên giá trị thương hiệu lớn mạnh và niềm tin vững chắc cho các đối tượng khách hàng.

Sự ảnh hưởng lớn của các ngân hàng thương mại đến kinh tế - xã hội đất nước là rất lớn. Ngân hàng thương mại dù lâm vào tình trạng phá sản vẫn bắt buộc phải qua thủ tục kiểm soát đặc biệt, mà Tòa án chưa thể ngay lập tức thụ lý. Với thủ tục kiểm soát đặc biệt này và chính sách hiện hành của Nhà nước thì việc các ngân hàng thương mại phục hồi là điều hoàn toàn có thể.

Theo Facebook Tạ Ngọc/ DIỄN ĐÀN SỰ THẬT GROUP