Đầu tiên là tác động do phát sinh khí thải. Quá trình sản xuất điện từ đốt than sẽ sinh ra nhiều khí độc như SO2, NO, CO2… Như vậy, với hàng triệu tấn than đốt mỗi ngày, một nhà máy nhiệt điện sẽ phát thải một lượng khí độc khổng lồ ra môi trường nếu không được xử lý. Các thành phần ô nhiễm này đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây tổn hại đến môi trường sinh thái trong khu vực.
Tác động do phát sinh nước thải (nước thải sinh hoạt, sản xuất và nước làm mát) cũng được cảnh báo lớn. Nước thải từ nhà máy nhiệt điện than bao gồm nước mưa chảy tràn, nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất thường được xử lý qua các trạm xử lý nước thải trước khi thải ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, nếu không xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường sẽ làm ảnh hưởng đến phần sinh thái thuỷ sinh dưới nước.
Ảnh minh hoạ.
Tác động do phát sinh chất thải rắn (chất thải rắn sinh hoạt, tro xỉ từ nhà máy) chủ yếu là tro bay, xỉ đáy lò, thạch cao sinh ra bụi gây nhiều tác hại nguy hiểm. Đây là loại bụi rất nhỏ, lơ lửng trong không khí và được gọi là PM 2.5. Kích thước bụi PM 2.5 nhỏ hơn 30 lần so với sợi tóc, mắt người không thể nhìn thấy.
Bên cạnh đó, lượng tro bay xỉ thải phát sinh từ hoạt động đốt than trong quá trình vận hành của nhà máy cũng mang đến nhiều lo ngại. Ở nhiều bãi chứa, lượng tro xỉ này có hiện tượng phát tán ra xung quanh lên đến gần 13 triệu tấn/năm, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Ngoài ra, một số nhà máy nhiệt điện tái sử dụng tro sỉ làm nguyên liệu sản xuất xi măng, bê tông, vật liệu xây dựng và những phần tro sỉ tro sỉ còn lại thường được tập kết trên những bãi đất trống. Đây là những vấn đề lớn cần xử lý nhằm bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe người dân.