Vừa qua, góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.
Theo VCCI, mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
VCCI cho rằng, xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị Quý Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Nhiều bộ ngành đề nghị bỏ xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cùng góp ý về sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tư pháp cho rằng đối tượng chịu thuế tại dự thảo cơ bản kế thừa luật hiện hành. Do đó, cơ quan soạn thảo cần đánh giá toàn diện hơn để có cơ sở đề xuất loại bỏ một số mặt hàng đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ra khỏi đối tượng chịu thuế.
Bộ Tư pháp lấy ví dụ về mặt hàng xăng E5 - E10 là loại nhiên liệu có hàm lượng 5-10% cồn sinh học. Đây là đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên việc đánh thuế có thể không còn hợp lý.
“Mục đích của loại thuế này là định hướng tiêu dùng nhưng chưa có mặt hàng thay thế xăng cho ngành sản xuất nên không có lựa chọn”, Bộ Tư pháp nêu quan điểm.
Tương tự, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng khoáng nhưng có thể xem xét điều chỉnh tăng thuế suất bảo vệ môi trường để phù hợp với mục tiêu đánh thuế.
Hiện thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với xăng là 10%, xăng E5 8% và xăng E10 là 7%; dầu không phải chịu loại thuế này. Xăng RON 95-III hiện ở mức 22.880 đồng, dầu diesel là 20.320 đồng. Như vậy, trong mỗi lít xăng hiện có hơn 2.000 đồng là thuế tiêu thụ đặc biệt (giá tính trước thuế VAT).
Đồng thời, mỗi lít xăng bán ra cũng đang phải chịu thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng, E5 là 1.900 đồng và dầu diesel 1.000 đồng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, gồm cả xăng sinh học, là phù hợp. Điều này góp phần làm giảm phát thải và định hướng tiêu dùng tiết kiệm và tuân theo thông lệ quốc tế.
Theo Bộ Tài chính, xăng E5, E10 được pha chế theo tỷ lệ tương ứng 95%, 90% xăng RON 92 và 5%, 10% cồn sinh học. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần sử dụng tiết kiệm nên hầu hết quốc gia đều thu thuế này.
Để khuyến khích xăng sinh học, thuế suất với loại này thấp hơn xăng khoáng giống như hầu hết quốc gia như Pháp, Đức, Italy, Anh, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Campuchia, Lào. Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định thuế suất ưu đãi đối với mặt hàng xăng E5 là 8%, E10 là 7% trong khi xăng khoáng là 10%.
Cơ quan soạn thảo cho biết xăng thuộc đối tượng chịu thuế thiêu thụ đặc biệt từ năm 1995. Năm 2021, nguồn thu từ sắc thuế này với xăng các loại khoảng 9.777 tỷ đồng, gồm cả nhập khẩu và nội địa, chiếm 6,88% tổng thu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 22-23 triệu m3, tấn xăng dầu các loại. Theo số liệu của Bộ Công Thương, nửa đầu năm nay, cả nước tiêu thụ khoảng 13,2 triệu m3/tấn xăng dầu, giảm khoảng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.