Gia Bảo ·
39 tuần trước
 5452

Vì sao nhiều kiến nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường?

Việc mở rộng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, nước dinh dưỡng và một số sản phẩm khác, trừ sữa đang gây nhiều tranh luận.

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Trong đó, việc mở rộng đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, nước dinh dưỡng và một số sản phẩm khác, trừ sữa đang gây nhiều tranh luận.

Theo giải trình của Bộ Tài chính, việc bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh; giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, cụ thể là tình trạng thừa cân béo phì.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát giải Việt Nam (VBA) cho rằng, thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao mà cụ thể là việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu calories trong khi thiếu các vận động thể chất.

Hiện nay, có khoảng 45 quốc gia (chưa đến 1/4 số nước trên thế giới) áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, nhưng nghiên cứu ở nhiều quốc gia đã áp dụng cho thấy chính sách thuế này không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì hay điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng do hiệu ứng hàng hóa thay thế, trong khi lại mang đến các tác động tiêu cực tới nền kinh tế và việc làm.

Tại các quốc gia có thu nhập trung bình, theo Báo cáo đánh giá hệ thống năm 2016 liên quan đến tính hiệu quả của việc đánh thuế nước giải khát có đường tại các nước này, không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc đánh thuế nước giải khát có đường làm giảm tình trạng thừa cân của người dân một cách bền vững. Một số nước đã bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường vì không đem lại sự cải thiện rõ rệt nào về sức khỏe cộng đồng, trong khi lại có tác động tiêu cực lên kinh tế và việc làm của địa phương.

Việc đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, nước dinh dưỡng và một số sản phẩm khác, trừ sữa đang gây nhiều tranh luận.

Điển hình, Đan Mạch là nước tiên phong áp thuế đồ uống có đường tại châu Âu từ thập niên 1930. Sau một thời gian dài áp dụng không nhận thấy tính hiệu quả, Chính phủ Đan Mạch đã phải loại bỏ dần theo hai giai đoạn với mức giảm 50% kể từ ngày 1/7/2013 và loại bỏ hoàn toàn kể từ ngày 1/1/2014. Việc loại bỏ chính sách thuế theo Chính phủ Đan Mạch là nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm tại Đan Mạch.

Tại Mexico, sau 2 năm áp thuế, lượng tiêu thụ đồ uống có đường ở Mexico có xu hướng tăng trở lại, đồng thời tỷ lệ thừa cân béo phì ở cả người lớn và trẻ em nước này vẫn gia tăng liên tục trong giai đoạn 2012-2021, tăng từ 69% lên 70% đối với nam giới; nữ tăng từ 73% lên 75%; trẻ em tăng nhanh nhất từ 35% lên 43%.

Tại Latvia, trước khi đánh thuế, tỷ lệ béo phì ở nam giới độ tuổi trưởng thành là 11,5%, còn nữ giới là 19%, nhưng sau 15 năm áp thuế thì tỷ lệ béo phì ở cả nam giới và nữ giới vẫn tiếp tục tăng lần lượt là 19,6% và 25,7%.

Đầu năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cập nhật danh sách các can thiệp hiệu quả nhất về mặt chi phí để giải quyết các bệnh không lây nhiễm (Best Buys), tuy nhiên biện pháp áp thuế lên đồ uống có đường vẫn không nằm trong danh sách các biện pháp can thiệp hiệu quả nhất này. 

Theo Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cần xem xét các tác động của chính sách thuế này đối với không chỉ ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì và hậu cần.

Ngoài ra, nếu bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% và nâng thuế giá trị gia tăng thêm 2% với mặt hàng này, sẽ khiến doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát thiệt hại khoảng 3.791,4 tỷ đồng. Trong khi đó mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước chỉ đạt 2.722,3 tỷ đồng.

Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065 - 0,085%. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ điều chỉnh chiến lược (ở cấp khu vực) để nhập khẩu thay vì sản xuất do chi phí trong nước cao. Đồng thời, với việc chênh lệch giá giữa giá chính thống và giá buôn lậu là 6% có thể khiến hoạt động buôn lậu gia tăng.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2014, 2016 và 2022 để phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn. Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật và cả người tiêu dùng.

Trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có bổ sung một số đối tượng chịu thuế: Nước giải khát có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.