Thành Phong ·
45 tuần trước
 7866

Nhiều địa phương xử lý rác thải theo hướng bền vững

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng dân số đã tạo áp lực lớn đến môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt, công nghiệp thải ra ngày càng nhiều. Trong khi đó, việc kiểm soát, xử lý các loại rác thải còn nhiều hạn chế, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe của con người.

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang đối mặt với số lượng rác thải hằng ngày quá lớn, trong khi công nghệ xử lý rác chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tế cho thấy, công nghệ xử lý các loại rác thải nhìn chung còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý các loại rác thải khiến chính quyền các địa phương, doanh nghiệp lúng túng.

Ở một số địa phương, các nhà máy xử lý rác thải cũng dừng hoạt động vì thu không đủ chi; máy móc, thiết bị hư hỏng không có kinh phí sửa chữa, mua mới để thay thế... Mặc dù, tỷ lệ thu gom rác thải ở các đô thị hằng năm vẫn tăng, nhưng do lượng rác thải phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải chưa đạt theo yêu cầu.

Theo kết quả đánh giá của cơ quan chức năng, tại khu vực miền trung và Tây Nguyên hiện có khoảng 173 cơ sở xử lý/bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng trong đó, các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh chiếm 51%, chủ yếu là bãi rác hở, đổ lộ thiên (rác đổ đống, để khô đốt và khi đầy thì lấp đất) hoặc bán lộ thiên (đào hố rãnh sâu, đổ rác, để khô đốt và khi đầy thì lấp đất), do đó không bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh môi trường.

Nhiều bãi chôn lấp rác thải chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải, nước rỉ của rác. Phương pháp xử lý rác thải tại các bãi chủ yếu là phun chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi và côn trùng cùng với rắc vôi bột khử khuẩn…

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, (Bắc Ninh).

Trước vấn đề xử lý rác thải sao cho hiệu quả, thì một số địa phương đang “bắt tay” với doanh nghiệp, quyết tâm xử lý rác thải theo hướng bền vững.

Mới đây, TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đưa ra phương án hợp tác với một doanh nghiệp ở tỉnh Hòa Bình để xử lý toàn bộ rác thải cho thành phố theo hướng bền vững để không còn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn sự cố gây ô nhiễm môi trường.

Hiện thực hóa hợp tác và mục tiêu trên, hai bên sẽ phối hợp triển khai phân loại thành rác vô cơ, rác hữu cơ tại địa phương, sau đó rác được đóng vào các container đưa đi xử lý bằng phương pháp đốt đối với rác vô cơ, hoặc làm phân bón đối với rác hữu cơ tại tỉnh Hòa Bình.

Dự kiến, doanh nghiệp này có thể xử lý được 600 tấn rác/ngày cho thành phố Hạ Long, trong đó 350 tấn rác được thải ra hàng ngày và 250 tấn rác tồn đang được tập trung ở bãi rác Hòa Bình. Với kế hoạch trên, dự kiến chỉ trong 2 - 3 năm là toàn bộ rác đang tập kết chưa được xử lý ở bãi rác xã Hòa Bình sẽ được xử lý dứt điểm.

Cùng với đó, thành phố đang tích cực tìm nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện tại xã Sơn Dương đã được quy hoạch.

Rác thải sinh hoạt trở thành bài toán đau đầu đối với chính quyền thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên kể từ tháng 8/2021 khi mà sự bất đồng về tài chính giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp đầu tư dự án xử lý rác thải rắn là Công ty Indevco. Với phản ứng tiêu cực của Công ty Indevco khi không cho phép một doanh nghiệp thu gom, xử lý rác thải mượn đường vào đổ rác, thành phố du lịch Hạ Long lâm vào cảnh ngập ngụa rác thải kéo dài nhiều ngày.

Còn tại Bắc Giang, UBND TP Bắc Giang cũng vừa phê duyệt kết quả đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác bằng công nghệ châu Âu tại phường Đa Mai. Đơn vị trúng đấu giá là liên danh Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh SERAPHIN và Công ty cổ phần Điện gió Khe Sanh.

Hiện nhà đầu tư đang chuẩn bị các điều kiện, thủ tục để xây dựng nhà máy xử lý rác và phát điện trên tổng diện tích gần 66 nghìn m2 với công nghệ đồng bộ, tiên tiến, khép kín (đốt rác không qua phân loại để phát điện).

Nhà máy sẽ xử lý rác thải sinh hoạt cho TP Bắc Giang và một một số địa phương trong và ngoài tỉnh, với khối lượng 160 tấn/ngày. Việc xây dựng nhà máy xử lý rác có phát điện nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, hướng tới xây dựng đô thị xanh, thông minh.

Dự kiến, nhà máy hoàn thành vào cuối năm 2024, có công suất xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt không phân loại/ngày đêm. Công suất phát điện lên lưới điện quốc gia khoảng 12 MW.

Tỉnh Bình Ðịnh sẽ áp dụng công nghệ hiện đại, bền vững để xử lý chất thải rắn sinh hoạt để nhanh chóng đạt mục tiêu giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp, định hướng trong giai đoạn 2025 – 2030 của tỉnh.

Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho biết, quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ được phân thành 3 vùng: Khu vực phía Bắc tỉnh sẽ đầu tư khu xử lý CTRSH tại thị xã Hoài Nhơn, tiếp nhận lượng rác thải của thị xã Hoài Nhơn và các huyện Hoài Ân, An Lão, Phù Mỹ với công suất xử lý 350 tấn/ngày. Phía Tây tỉnh đầu tư khu xử lý CTRSH tại huyện Tây Sơn, xử lý rác thải huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh với công suất 100 tấn/ngày. Phía Nam tỉnh đầu tư công nghệ xử lý CTRSH tại bãi rác Long Mỹ (thành phố Quy Nhơn) để xử lý rác thải của thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện Vân Canh, Tuy Phước, Phù Cát với công suất 800 tấn/ngày.

Với mục tiêu vừa xử lý triệt để chất thải rắn vừa bổ sung nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Ninh triển khai 4 dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại các huyện: Quế Võ, Thuận Thành và Lương Tài với tổng công suất khoảng 1.800 tấn/ngày, đêm.

Các Nhà máy đốt rác phát điện được đánh giá là dự án quan trọng, được tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm, bởi khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết triệt để vấn đề rác thải trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bổ sung nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh.

Năm 2013, Vĩnh Phúc được chọn là tỉnh đầu tiên xây dựng và vận hành nhà máy xử lý CTR bằng phương pháp đốt rác phát điện trên nền công nghệ của Von Roll Inova Với tình trạng quỹ đất thu hẹp do chôn lấp quá tải, Vĩnh Phúc đã áp dụng mô hình công nghệ mới này với mảng hoạt động cơ bản của dây chuyền đốt rác phát điện. Nhà máy xử lý CTR bằng phương pháp đốt rác phát điện trên nền công nghệ của Von Roll Inova là một ví dụ điển hình thành công trong việc áp dụng công nghệ mới nhằm giải quyết bài toán về môi trường trong bối cảnh kinh tế xã hội ngày một phát triển, tài nguyên và quỹ đất đang dần cạn kiệt.

Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc về vốn đầu tư, cơ sở pháp lý, các cơ chế chính sách, hỗ trợ khuyến khích đối với nhà đầu tư trong việc thu gom, xử lý rác thải, thì tại một số cơ quan, đơn vị và cá nhân ở các địa phương chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm, vai trò của mình, còn lơ là, chưa thật tâm quyết trong công tác xử lý rác thải, dẫn đến lượng rác khổng lồ cần giải quyết như hiện nay.

Tạ Nhị