Bích Ngọc ·
38 tuần trước
 8740

Nhiều doanh nghiệp lúa gạo làm ăn thất bát, đua nhau báo lỗ hoặc sụt giảm mạnh lợi nhuận

Hoạt động xuất khẩu gạo đạt kỷ lục chưa từng có trong hơn 10 năm trở lại đây khi nhu cầu lương thực tăng mạnh. Tuy vậy, chi phí lãi vay tăng mạnh đã khiến nhiều doanh nghiệp phải báo lỗ hoặc sụt giảm mạnh lợi nhuận.

Nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa được Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (gọi tắt Công ty Trung An) công bố cho thấy, trong quý doanh thu thuần của công ty đạt hơn 1.600 tỷ đồng (gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước). Tuy vậy, công ty lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế bị âm 7,9 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm ngoái lên tới 23,5 tỷ đồng). Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của công ty giảm gần 84 lần so với nửa đầu năm ngoái khi chỉ đạt hơn 600 triệu đồng.

Công ty Trung An cho hay, nguyên nhân khiến công ty lỗ là do chi phí lãi vay tăng mạnh. Chi phí lãi vay của công ty trong nửa đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (đạt gần 64 tỷ đồng). Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh (từ hơn 9 tỷ lên hơn 15 tỷ đồng). Bên cạnh đó, công ty cũng phải bù đắp một khoản dự phòng tài chính khi không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách nước ngoài.

Nửa đầu năm nay, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 11.300 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 58%.

Đáng chú ý, Vinafood có nợ phải trả tăng khá mạnh. Trong nửa năm nay, con số này tăng hơn 400 tỷ đồng (lên 6.400 tỷ đồng). Chi phí lãi vay của công ty tăng gấp đôi (lên gần 95 tỷ đồng). Chi phí bán hàng tăng từ 367 tỷ đồng (lên 565 tỷ đồng) khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt khoảng 9,9 tỷ đồng (tăng 5 tỷ đồng so với nửa năm ngoái).

 Đạt được doanh thu khủng nhưng chi phí tài chính tăng mạnh đã khiến lợi nhuận của Vinafood 2 ở mức không đáng kể. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Được biết, dòng tiền của Vinafood 2 âm nặng. Trong đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm đến 2.470 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động tài chính âm hơn 814 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm ngoái dương khoảng 674 tỷ đồng).

Khả năng sinh lời của Vinafood 2 hiện ở mức rất thấp (ở nhóm cuối bảng trong số các doanh nghiệp ngành gạo niêm yết trên thị trường chứng khoán).

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang là doanh nghiệp có tiếng hoạt động gần 50 năm trong ngành xuất khẩu gạo. Tuy vậy, doanh thu thuần hợp nhất của công ty trong nửa đầu năm chỉ đạt 321 tỷ đồng (giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái). Chi phí lãi vay tăng mạnh và chi phí bán hàng tăng gấp 4,6 lần đã khiến công ty lỗ 56,4 tỷ đồng (gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái).

Tập đoàn Lộc Trời cho hay, trong nửa đầu năm nay doanh thu thuần của công ty đạt hơn 6.130 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ). Trong đó, mảng lương thực - lúa, gạo mang về 4.220 tỷ đồng doanh thu (tăng 25%). Khoản lợi nhuận 327 tỷ đồng của đơn vị liên kết - Công ty Cổ phần Lương thực Lộc Nhân - đã giúp cho công ty đạt lợi nhuận 345 tỷ đồng (gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước).

Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cũng thông báo có sự tăng trưởng tốt trong hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm với doanh thu đạt gần 8.370 tỷ đồng (bằng 53,8% kế hoạch). Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 145 tỷ đồng (bằng 51,2% kế hoạch).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), năm 2023, sản lượng lúa cả nước dự kiến đạt trên 43 triệu tấn. Trong bối cảnh nhu cầu lương thực tăng cao thì dự báo xuất khẩu gạo sẽ vượt kỷ lục năm ngoái (đạt hơn 7,2 triệu tấn với trị giá hơn 4 tỷ USD).

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6692468840812815/?