Quỳnh Châm ·
3 năm trước
 3250

Nhiều doanh nghiệp nóng lòng muốn mở cửa hoạt động, có nên nới lỏng một số dịch vụ tại Hà Nội?

Hiện tại, sau đợt dịch thứ tư, doanh nghiệp tại Hà Nội rơi vào tình trạng đuối sức và khó khăn chồng chất. Nhiều doanh nghiệp nóng lòng muốn mở cửa trở lại để phục hồi kinh doanh, thế nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc nới lỏng một số dịch vụ có phải là cách tốt?

Lúc này, doanh nghiệp đều nóng lòng được mở cửa trở lại để kinh doanh, phục hồi, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường.

"Mở cửa trở lại, lượng khách sẽ giảm mạnh, nhưng điều đó còn may mắn hơn là phải tiếp tục đóng cửa, trong khi tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác vẫn phải trả", bà Kim Hoàn - đại diện chuỗi khách sạn A25 - nói.

Với góc nhìn chuyên gia, PGS TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng nếu tình hình dịch bệnh tương đối ổn định có thể xem xét mở lại một số dịch vụ thiết yếu như ăn uống, nhà hàng, cắt tóc... Với một số dịch vụ, ngành nghề khác phải phụ thuộc vào sự quyết định của ngành y tế.

"Dưới góc độ kinh tế, doanh nghiệp, người kinh doanh mong muốn mở cửa càng nhanh càng tốt để phục hồi sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn phải kết hợp hài hòa với kiểm soát dịch bệnh, không nên cứng nhắc một chiều", vị chuyên gia phân tích.

kiểm soát dịch

Các ngành dịch vụ được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh

TS BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho rằng phải căn cứ vào quy định hiện hành của Bộ Y tế đánh giá tổng thể nguy cơ của từng khu vực trong thành phố. Từ đó mới cho phép vừa mở cửa vừa thực hiện biện pháp 5K.

Chuyên gia trong ngành dịch tễ nhấn mạnh Hà Nội vẫn đang siết chặt các điểm nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo, dễ bùng phát Covid-19 như cơ sở y tế, khu công nghiệp, các cơ sở dịch vụ tập trung đông người trong không gian kín như massage, karaoke, gym, bar, pub…

Ngày 10/6, tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng cho biết TP đang cân nhắc nới lỏng một số hoạt động thiết yếu.

Đối với ngành F&B, ông Hoàng Tùng, CEO chuỗi Pizza Home, cho rằng cần sớm cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại, với điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

"Đặc biệt khi được mở cửa trở lại, chủ quán ăn, nhà hàng, nhân viên và khách hàng phải tuân thủ nguyên tắc, sống chung an toàn với dịch bệnh, trong đó chú trọng thông điệp 5K: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế", ông nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Tùng, F&B là ngành chịu nhiều thiệt hại trong các đợt giãn cách, đặc biệt là các nhà hàng chỉ phục vụ ăn tại quán. Với việc mở cửa trở lại các dịch vụ thiết yếu, nhu cầu ăn uống tại các nhà hàng sẽ tăng lên. Do đó, các nhà hàng, quán ăn cần chuẩn bị sẵn sàng, đưa ra các chương trình khuyến mãi để giữ chân khách hàng.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này các nhà hàng cũng cần phải chuẩn bị dịch chuyển lên môi trường trực tuyến vì hành vi mua đồ ăn này đã trở thành thói quen mới trong thời kỳ bình thường mới.

"Nếu dịch bệnh quay trở lại, kênh bán hàng online sẽ là giúp các doanh nghiệp F&B có thể tồn tại", ông nói.

Về việc nới lỏng, cho phép hoạt động trở lại một số loại hình kinh doanh không thiết yếu, theo quan điểm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho rằng việc nới lỏng không phải là cho mở cửa tất cả các loại hình.

“Có thể các loại hình kinh doanh ăn uống sẽ được ưu tiên, còn một số loại hình như karaoke, vũ trường, quán bar... có lẽ sẽ vẫn phải tạm dừng hoạt động. Các hoạt động thể dục thể thao buổi sáng, buổi chiều có thể được”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn phân tích thêm: “Ví dụ, các quán cà phê, ăn uống, cắt tóc… nếu đảm bảo đủ yếu tố giãn cách và phòng dịch, đặc biệt là diễn ra trong nhà thì sẽ được hoạt động. Các loại hình kinh doanh ở vỉa hè có thể sẽ vẫn bị cấm… đặc biệt là trà đá. Các hoạt động khác và các loại hình khác cần có thời gian đánh giá cụ thể”.

Tư liệu từ zingnews.vn