Minh Anh ·
18 tuần trước
 8005

Nhìn lại các siêu dự án giao thông năm 2023

Với sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, nhiều dự án giao thông trọng điểm với số vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng đã "cán đích" trong năm 2023.

Nhiều công trình giao thông trọng điểm cán 

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Cầu Mỹ Thuận 2, Nhà ga T2 cảng Phú Bài... là những công trình giao thông trọng điểm hoàn thành trong năm. Điều này có giúp mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Một trong những dự án giao thông lớn bậc nhất phải kể đến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Dự án có tổng chiều dài 2.063km, với điểm đầu là cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và điểm cuối là đường vành đai của thành phố Cà Mau.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 8 dự án thành phần được hoàn thành, đưa vào khai thác. Trong đó, việc hoàn thành 2 Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu dài 251km, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về Nghệ An còn khoảng 3,5 tiếng so với 5 tiếng như trước đây.

Còn Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ khánh thành vào ngày 24/12 là khớp nối quan trọng cuối cùng của tuyến cao tốc hơn 120km từ TPHCM đi Cần Thơ. Công trình khi được khai thác sẽ rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 2 giờ, thay vì gần 4 giờ như trước. Ngoài ra, các dự án mở rộng sân bay Điện Biên, Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ cũng sẽ được khánh thành vào ngày này.

Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị nỗ lực triển khai trong năm 2023 để hoàn thành 2 Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 128km. Mục tiêu là đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Ngoài ra, ở phía Bắc có Tỉnh lộ 155 nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với thị xã Sa Pa, đi qua cầu cạn Móng Sến, bắt đầu được vận hành sau 5 năm xây dựng.

Tỉnh lộ 155 dài 13,8 km, điểm đầu tại nút giao với cao tốc nằm ở TP Lào Cai, điểm cuối tại cầu Móng Sến, xã Tung Chải, thị xã Sa Pa, kinh phí đầu tư 1.500 tỷ đồng. Toàn tuyến có 6 cầu, trong đó Móng Sến dài 612 m với 5 nhịp liên tục, bề mặt rộng 14 m, 4 làn xe. Với chiều cao 83 m, đây là cầu cạn cao nhất Việt Nam. Tuyến đường mới sẽ rút ngắn hành trình từ TP Lào Cai đi Sa Pa khoảng 7 km, thời gian 20 phút, tránh được nhiều khúc cua nguy hiểm, nhất là đoạn qua dốc ba tầng.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40 km, vận tốc 80 km/h, trong đó khoảng 11 km đi qua tỉnh Tuyên Quang, còn lại thuộc tỉnh Phú Thọ. Điểm đầu dự án ở xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang; điểm cuối tại nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc thị xã Phú Thọ.

Dự án chia thành hai giai đoạn, các năm 2021-2023 giải phóng mặt bằng với quy mô 4 làn xe; giai đoạn hai thực hiện sau năm 2025. Tổng mức đầu tư dự án 3.112 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một 2.653 tỷ đồng, giai đoạn hai 460 tỷ đồng, từ ngân sách trung ương và địa phương.

Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 có tổng mức đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng, khởi công ngày 30/9/2020, thông xe dịp 30/4. Toàn tuyến dài hơn 63 km, điểm đầu ở xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình và điểm cuối giao quốc lộ 45 tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, Thanh Hóa.

Cao tốc được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 80 km/h, tối thiểu 60 km/h, hiện chưa có trạm dừng nghỉ và làn dừng khẩn cấp. Phương tiện nếu gặp sự cố sẽ có các vịnh để khắc phục hư hỏng, mỗi vịnh cách nhau 4-5 km. Tuyến đường sau khi thông xe giúp rút ngắn thời gian từ Hà Nội về Thanh Hòa còn hai giờ thay vì ba giờ như trước đây.

Điểm nhấn toàn tuyến là hai hầm xuyên núi Tam Điệp (TP Tam Điệp, Ninh Bình) và Thung Thi (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) cùng cây cầu Núi Đọ vượt sông Chu dài 1,9 km. Đây là cầu dài nhất trên cao tốc, tổng đầu tư khoảng 550 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Nhiều siêu dự án "chuyển động"

Ngoài các công trình giao thông trọng điểm được khánh thành, thì năm 2023 cũng ghi dấu mốc bắt đầu khởi công nhiều dự án quan trọng. Đối với hàng không, một trong những công trình đáng chú ý nhất là sân bay Long Thành. Nằm trong quy hoạch phát triển và lập dự án đầu tư từ năm 1997, thế nhưng, đến 31/8/2023, dự án nhà ga và đường cất hạ cánh sân bay Long Thành (trái tim của dự án) có tổng mức đầu tư hơn 42.000 tỉ đồng mới chính thức được khởi công.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành, thuộc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), nhằm bảo đảm tiến độ đề ra, đơn vị đang tranh thủ thời điểm mùa khô, thời tiết thuận lợi để thi công hạng mục thuộc Dự án sân bay Long Thành. Dự kiến, việc thi công xây dựng công trình nhà ga hành khách sẽ được hoàn thành vào ngày 30/11/2026.

Một trong những dự án nhận được quan tâm đó là đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Từng được Bộ GTVT đề xuất từ năm 2005, sau 18 năm với rất nhiều thay đổi về phương án tốc độ, tổng vốn đầu tư, dự án đang có khả năng được hiện thực hóa.

Thông tin về tiến độ dự án này, Bộ GTVT cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, phấn đấu khởi công xây dựng 2 đoạn ưu tiên (Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM) trước năm 2030. Dự án được kỳ vọng là khâu đột phá trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, làm thay đổi cơ cấu thị phần của các chuyên ngành vận tải, đặc biệt là ngành đường sắt.

Ngoài ra, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cũng được Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác từ 30/4/2024 sau nhiều lần điều chỉnh tiến độ.

Hiện Bộ GTVT và các địa phương đang gấp rút chỉ đạo, thực hiện nhiều dự án giao thông trọng điểm khác như Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội... để tiếp tục mở thêm những cơ hội phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7212367518822942