Trần Quỳnh ·
3 năm trước
 2979

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2021 người lao động cần biết

Dưới đây là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2021 mà người lao động cần biết để theo dõi một số quyền lợi của mình.

Nhiều thông tư, chính sách mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11/2021; trong đó có Quyết định 28/2021/QĐ-TTg quy định quy định trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách điều chỉnh, tức là vào khoảng 30/11/2021, cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp.

người lao động

Người lao động đăng kí làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Ngày 30/11, cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp

Theo Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thât nghiệp, sau khi nhận được danh sách người lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ do cơ quan bảo hiểm xã hội gửi, mà thấy cần phải điều chỉnh thông tin, thì muộn nhất đến hết ngày 10/11/2021, các doanh nghiệp phải hoàn thành việc điều chỉnh thông tin để gửi lại danh sách cho cơ quan bảo hiểm xã hội, kèm theo hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh theo quy định.  

Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách điều chỉnh, tức là vào khoảng 30/11/2021, cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp.  

Về phía người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, chậm nhất ngày 30/11/2021 mà chưa nhận được tiền hỗ trợ, thì người lao động phải tự làm thủ tục thông qua ứng dụng VssID, qua Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội, như đối với trường hợp người đã nghỉ việc.

Như vậy, cả doanh nghiệp và người lao động đều cần phải lưu ý các mốc thời gian trên để đảm bảo quyền lợi.

Giảm thuế GTGT cho nhiều hàng hóa, dịch vụ

Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã ban hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 về giảm nhiều loại thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng.  

Theo đó, kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ sau:

- Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác).

- Dịch vụ lưu trú.

- Dịch vụ ăn uống.

- Dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch.

- Sản phẩm và dịch vụ xuất bản.

- Dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí.

- Dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí.

Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế GTGT được áp dụng như sau:

- Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT.

- Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT.  

Bảo vệ việc làm cho người lao động là người tố cáo

Thông tư 09/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2021.

Theo Thông tư này, trường hợp doanh nghiệp không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao động, thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải có ý kiến bằng văn bản với doanh nghiệp, đồng thời báo ngay sự việc với cơ quan liên quan để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người lao đông. Thông tư mới này đã không còn quy định Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải báo cáo với công đoàn cấp trên trực tiếp. 

Mức lương bác sĩ chuyên khoa mắt hạng III cao nhất là 7,42 triệu đồng/tháng

Thông tư 14/2021/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành, quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức khúc xạ nhãn khoa, thường gọi là bác sĩ chuyên khoa mắt có hiệu lực từ ngày 1/11/2021.

Nội dung của Thông tư này cho thấy, bác sĩ chuyên khoa mắt hạng III trong các bệnh viện công lập được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước theo Nghị quyết 204 năm 2004, hệ số lương từ 2,34 đến 4, 98.

Như vậy, căn cứ vào mức lương cơ sở đang áp dụng hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng, mức lương của bác sĩ chuyên khoa mắt hạng III được quy định thấp nhất là 3,48 triệu đồng và cao nhất là 7,42 triệu đồng/tháng.  

Quy định mới về tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo

Đây là nội dung được nêu trong Thông tư 04 của Thanh tra Chính phủ về quy trình tiếp công dân được áp dụng từ ngày 15/11/2021.

Cũng từ ngày này, Thông tư 05 cũng của Thanh tra Chính phủ có hiệu lực với những quy định mới về tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo.  

Thông tư 04 chỉ rõ, sẽ từ chối tiếp công dân và giải thích lý do từ chối, đồng thời báo cáo với người phụ trách nếu đó là: Người say rượu, bia; Người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi; Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có các hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.

Nguồn