Ô nhiễm biển là một trong những vấn nạn toàn cầu nghiêm trọng nhất. Nó ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế, an ninh, sức khỏe và văn hóa. Nhựa không dễ bị phân hủy, vì vậy chúng có khả năng tồn tại trong biển hàng trăm năm. Các nghiên cứu dự báo sản lượng nhựa sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2050. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF, tỉ lệ nhựa trên cá vào năm 2014 là 1/5, và đến năm 2050 có thể có nhiều rác thải nhựa dưới biển nhiều ngang bằng với cá.
Những mảng rác khổng lồ trôi nổi trên các đại dương trên thế giới chỉ là bề nổi của tảng băng, số lượng rác còn nhiều hơn đang nằm dưới đáy biển. Có khoảng 86 triệu tấn nhựa đã trôi xuống các đại dương mỗi năm, với những hậu quả tàn khốc đối với sinh vật biển, thiên nhiên và cuối cùng là đối với con người chúng ta. Khoảng 90% lượng rác này nằm dưới đáy biển.
Đồng hành với biển
Vừa qua, nhóm du khách đến từ Nhật Bản đã cùng nhân viên Công ty Du lịch Red River Tours thực hiện chuyến lặn nhặt rác dưới đáy biển tại vùng phía Nam đảo Phú Quốc. Chuyến khám phá thiên nhiên kết hợp cùng làm sạch môi trường nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn trẻ quốc tế.
Một thành viên trong nhóm lặn, anh Kaneko cho biết: Việt Nam được thiên nhiên ưu ái cho rất nhiều cảnh đẹp, trong đó có “đảo ngọc” Phú Quốc, với những bãi biển hoang sơ, đẹp mê hồn. Thế nhưng, đáng tiếc là một bộ phận người dân và du khách chưa có ý thức bảo vệ tài nguyên quý giá đó. Họ vẫn còn những hành động xả rác bừa bãi xuống biển. Nguy hiểm hơn, có những rác thải sẽ cần hàng nghìn năm để phân hủy như vỏ chai nhựa hay bao nilon. Chính chúng là những tác nhân gây ô nhiễm biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ động - thực vật sinh sống dưới biển, cũng chính là ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người…
Trước thực trạng đó, những du khách yêu thiên nhiên mong muốn thông qua những hành động nhỏ này sẽ thay đổi suy nghĩ thói quen chưa tốt của mọi người, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường biển, bảo vệ ngôi nhà chung.
Du khách nhặt rác, làm sạch môi trường biển Phú Quốc.
Anh Kaneko nói rằng rất yêu Phú Quốc vì thiên nhiên tươi đẹp, đại dương và không khí trong lành, cũng như yêu người dân Phú Quốc thân thiện. Vì vậy, anh muốn giới thiệu Phú Quốc đến với nhiều người Nhật Bản cũng như du khách khắp nơi trên thế giới thông qua những hình ảnh đẹp và ý nghĩa nhất.
Nhóm của anh Kaneko muốn truyền tải thông điệp “Chung tay gìn giữ môi trường sống xanh - sạch - đẹp”.
Tại Nha Trang, anh Nguyễn Văn Đức - huấn luyện viên lặn biển của Công ty Rainbow Divers cũng là người khởi xướng hoạt động nhặt rác dưới đáy biển từ năm 2006, khi anh chứng kiến khu rạn san hô và nhiều loài sinh vật biển bị rác thải vướng vào rồi chết. Không chỉ vậy, anh còn đưa hoạt động này vào các khóa dạy lặn biển cho học viên.
Anh Đức chia sẻ: “Trong mỗi khóa học, sau khi hoàn tất kỹ năng cho học viên, chúng tôi đều tổ chức hoạt động nhặt rác dưới biển để mọi người nhìn thấy thực tế và nhận thức để cùng hành động, đưa ra các thông điệp bảo vệ môi trường biển. Khác với trên bờ - rác nằm yên một chỗ, còn rác ở dưới biển trôi theo nước nên rất khó để nhặt. Do đó, đòi hỏi các thợ lặn phải có kỹ năng, sức khỏe và chịu được áp lực của nước. Rác được thu gom lên sẽ được đưa về cảng và chuyển về các địa điểm xử lý rác trên đất liền”. Đến nay, học viên của anh Đức đã có hơn 500 người và phần lớn đều thường xuyên tham gia hoạt động nhặt rác dưới biển.
Khởi động từ năm 2013, nhóm lặn biển của Câu lạc bộ (CLB) Viet Divers ở TP.HCM thu hút rất đông bạn trẻ tham gia hoạt động nhặt rác dưới biển ở nhiều nơi trên các vùng biển Việt Nam như: Nha Trang, Cù Lao Chàm, Côn Đảo... Bạn Tô Thị Diệu Thúy - thành viên CLB Viet Divers cho biết, trong các chuyến lặn, các bạn đã thu được rất nhiều bao rác đủ loại từ túi đựng thức ăn, chai, hộp, can nhựa, mảnh lưới, dây cước, ống hút...
Hiện nay, đối tượng đi lặn trải rộng ở nhiều lứa tuổi nhưng tập trung nhiều ở các bạn trẻ. Để tham gia hoạt động này, các bạn phải tự bỏ tiền túi cho các khoản chi phí cá nhân như: Tàu xe đi lại, di chuyển, ăn ở... Tuy nhiên, vì yêu biển, yêu bộ môn lặn, muốn truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường biển đến nhiều người, nhiều nơi, các bạn không quản ngại khó khăn mà nhiệt tình hưởng ứng.
Lan truyền cảm hứng hành động để thay đổi
Được biết, để tuyên truyền lan tỏa hoạt động lặn biển nhặt rác, trong các chuyến lặn biển, các thành viên của CLB Viet Divers và Công ty Rainbow Divers đều chụp hình, quay phim về thực trạng rác thải ở đại dương rồi đưa lên mạng xã hội. Các bức ảnh, thước phim nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bạn bè trên khắp cả nước về hành động đẹp này.
Rác ở dưới biển rất nhiều, đa phần là vỏ lon bia, vỏ lon sữa, vỏ chai nhựa.
Chia sẻ về chuỗi hoạt động ý nghĩa này, ông Nguyễn Đức Mạnh, Giám đốc Công ty Du lịch Red River Tours cho biết, công ty hoạt động lâu năm trong lĩnh vực du lịch biển, tận mắt chứng kiến các sinh vật biển đang phải sống trong môi trường ô nhiễm bởi các loại rác thải, khu rạn san hô và nhiều loài sinh vật biển bị phá hủy bởi rác không phân hủy… Để bảo vể mội trường biển, Công ty Du lịch Red River Tours luôn duy trì hoạt động “Nhặt rác làm sạch đáy biển”
PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học chia sẻ: “Tôi có biết phong trào lặn biển nhặt rác của các bạn trẻ, các CLB lặn biển. Đây là hành động rất đáng hoan nghênh, khuyến khích. Việc làm của các bạn có tác động lớn đến việc tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao nhận thức về tác hại rác thải và ngừng xả rác xuống biển”.
Còn bà Lê Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho cho rằng, hiện nay, các chất ô nhiễm có nguồn gốc đất liền thải ra biển được đánh giá là khoảng 60 - 70% tổng tải lượng chất ô nhiễm. Còn lại là các nguồn gốc từ biển do các hoạt động trực tiếp trên biển như tàu, thuyền vận tải, khai thác hải sản, du lịch và các hoạt động của ngư dân, khách du lịch tham quan trên biển. Do đó, bảo vệ môi trường biển và phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi cơ quan, doanh nghiệp và người dân.
Có những bức ảnh khiến bất cứ ai cũng ngỡ ngàng về vẻ dẹp của biển. Nhưng cũng có những bức ảnh khiến bất cứ ai cũng phải xót xa bởi biển đang bị hủy hoại. Hai thái cực đằng sau những bức ảnh đang được nhiều người chia sẻ. Cứ thế, thông điệp trả lại sự trong lành cho biển đang được lan tỏa rộng hơn.
Theo Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili: “Đại dịch Covid-19 và tác động của nó đối với ngành Du lịch đã đưa ra lời nhắc nhở chưa từng có về sự cần thiết phải cân bằng lại mối quan hệ của chúng ta với con người, hành tinh và sự thịnh vượng. Sự chuyển đổi xanh của ngành là cần thiết, không chỉ cho hành tinh, mà còn cho chính ngành Du lịch, thúc đẩy khả năng cạnhtranh và tăng khả năng phục hồi”. |