Tiếp sức trẻ em vùng cao đến trường
Con đường sâu hun hút, chiều rộng chỉ vừa đủ một xe máy di chuyển, có đoạn chênh chao giữa vực, có đoạn lên cao nhìn xuống lớp đá tai mèo nhọn hoắt, đoạn đá dăm cắm vào bánh xe nghe răng rắc, chưa kể nhiều khúc cua dựng ngược thách thức cả những tay lái bản địa.
Không thể di chuyển bằng ô tô, Nhóm thiện nguyện VAECO Hà Nội đã phải bốc gỡ, vận chuyển toàn bộ đồ đạc quyên góp bằng xe máy băng qua con đường độc đạo dài 5km ấy để đến với điểm trường Phục Quốc, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.
Không chỉ mang theo hàng trăm cặp lồng đựng cơm, quần áo ấm, sách truyện, Nhóm còn ấp ủ một món quà đặc biệt dành tặng cho các trẻ em vùng sâu vùng xa nơi đây. Đó là công trình vệ sinh khép kín bao gồm 1 nhà tắm, 2 phòng vệ sinh riêng, 1 phòng vệ sinh chung sạch sẽ.
Được thành lập từ năm 2002, điểm trường Phục Quốc là một trong 7 điểm trường thuộc trường Tiểu học Lương Thông. Năm 2015, điểm trường được nhà nước đầu tư xây dựng bê tông kiên cố với tổng số 5 lớp học. Tuy nhiên, trường không có công trình vệ sinh khép kín bởi theo chương trình kiên cố hóa, nhà nước chỉ xây dựng lớp học còn nhà vệ sinh thì các điểm trường buộc phải tự túc về kinh phí.
Việc không có nhà vệ sinh khép kín dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp… Đặc biệt là trẻ em thường bị trướng bụng, còi cọc, trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đển tử vong.
Nhóm thiện nguyên VAECO Hà Nội trên mỗi hành trình lan tỏa yêu thương. (Ảnh: NTN VAECO HAN).
“Đi thật xa – Nơi thật khó – Đến tận nơi – Trao tận tay”, những khẩu hiệu được khắc ghi trong trái tim mỗi thành viên nhóm thiện nguyện VAECO Hà Nội càng thôi thúc khát khao tiếp nối thành công tại điểm trường Phục Quốc (công trình số 1). Xác định mục tiêu mỗi năm hỗ trợ xây một đến hai công trình thiện nguyện nhà vệ sinh cho trẻ em vùng cao, đến hiện tại, nhóm đã lần lượt chinh phục trái tim của các bạn nhỏ điểm trường Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (công trình số 2); điểm trường Sa Lai, điểm trường Nà Sàng, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La (công trình số 3,4); điểm trường Bản Mã Tẻn, điểm trường Bản Pắng, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh hà Giang (công trình số 5,6); điểm trường Bản Rào, điểm trường Bản Na Pô, xã Na Khê, huyện Yên Minh, tỉnh hà Giang (công trình số 7,8).
“Đi thật xa – Nơi thật khó – Đến tận nơi – Trao tận tay”, những khẩu hiệu được khắc ghi trong trái tim mỗi thành viên nhóm thiện nguyện VAECO Hà Nội. (Ảnh: NTN VAECO HAN).
Những nỗ lực “thắp lửa” trái tim
Được thành lập từ 26/11/2018 trong sự ủng hộ, chung tay của thành viên thuộc Công ty VAECO, Nhóm thiện nguyện VAECO Hà Nội ra đời mang theo những câu chuyện về tấm lòng, tình thương và những chuyến đi từ thiện.
Từ khi thành lập, nhóm đã trực tiếp trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa tại các địa phương như Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội; Trường Tiểu học Võ Thị Sáu xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Bỏng Quốc gia….Tất cả mọi sự đóng góp, ủng hộ của mọi người đều được Nhóm sao kê và công khai minh bạch.
Đặc biệt tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, nhóm thường xuyên hoạt động định kỳ vào thứ Bảy hàng tháng với số lượng 100 suất cơm gửi tới bệnh nhân nghèo và hiện nay là 120 suất cơm tại bệnh viện E Hà Nội.
Thay vì kêu gọi và chờ đợi sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm, Nhóm đã sáng tạo một giải pháp là mở gian hàng đồ ăn sáng để xung quỹ tình thương. Vào thứ 2 và thứ 5 hàng tuần, một chiếc bàn được kê gọn tại góc cổng ra vào của Công ty. Những món quà sáng đủ dinh dưỡng, đồ uống bổ mát bày biện gọn gàng trong các túi giấy bảo vệ môi trường luôn được “thực khách” là cán bộ, nhân viên trong Công ty ủng hộ nhiệt tình.
Với những thành viên trong nhóm thiện nguyện VAECO Hà Nội, càng dấn thân vào hoạt đông tình nguyện, họ càng yêu những hành trình “thắp lửa” trái tim. Vậy nên, có lẽ chẳng có lý do nào có thể làm chùn chân những con người ấy tiếp tục cất bước trên những hành trình lan tỏa nguồn năng lượng tích cực.
Tiếp bước hành trình yêu thương, ngày 19/5/2023 vừa qua, Nhóm Thiện Nguyện VAECO HAN đã đến trao quà và bàn giao trực tiếp 02 nhà vệ sinh tại điểm trường Bản Na Pô, Bản Rào xã Na Khê, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Đây là những vùng giáp biên thực sự khó khăn, thiếu thốn.
Điểm trường Na Pô (cách trung tâm xã Na Khê 22km) có 48 cháu và 2 cô giáo nhưng chỉ có 3 phòng học (mỗi phòng 35m2), không có nhà vệ sinh, các cô giáo người dưới xuôi không thể đi về trong ngày được nên phải đi ở nhờ. Điểm trường Bản Rào (cách trung tâm xã Na Khê 27km) có 28 cháu, có 1 nhà vệ sinh tạm quây bằng bạt.
Nhóm Thiện Nguyện VAECO HAN quyết định đầu tư xây dựng ủng hộ 2 nhà vệ sinh tại trường mầm non xã Na Khê. (Ảnh: NTN VAECO HAN).
Sau khi trao đổi, thống nhất và được sự nhất trí của chính quyền địa phương, đồn biên phòng Bạch Đích, trường mầm non xã Na Khê, Nhóm Thiện Nguyện VAECO HAN quyết định đầu tư xây dựng ủng hộ 2 nhà vệ sinh (mỗi nhà vệ sinh gồm 3 phòng, 1 phòng nam, 1 phòng nữ, 1 phòng vệ sinh/ nhà tắm cho các cô giáo với đầy đủ téc nước, vòi rửa, chậu rửa, điện đèn) tại điểm trường Na Pô và Bản Rào với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 70 triệu VNĐ. Đây chính là các nhà vệ sinh thứ 7 và 8 mà Nhóm xây dựng. Công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng nhằm giúp các thầy cô và các em học sinh có môi trường sinh hoạt thuận tiện và sạch sẽ.
Kỳ vọng lớn nhất của nhóm trong thời điểm hiện tại là mỗi năm xây dựng được một đến hai nhà vệ sinh cho các điểm trường còn khó khăn. Để làm được điều này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực về cả vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên với những gì mà nhóm thiện nguyện VAECO đã và đang làm được, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng cũng như ủng hộ nhóm thật nhiều, để những điều tuyệt vời ấy sẽ sớm trở thành hiện thực.
Với những thành viên trong nhóm thiện nguyện VAECO Hà Nội, càng dấn thân vào hoạt đông tình nguyện, họ càng yêu những hành trình “thắp lửa” trái tim. (Ảnh: NTN VAECO HAN).
Mong muốn lớn nhất của Nhóm là sự lan tỏa để có nhiều Nhóm, nhiều nhà hảo tâm hơn biết được sự thiếu thốn nhà vệ sinh ở các điểm trường vùng cao. Bởi qua khảo sát của Nhóm thì hầu như điểm trường nào cũng không có nhà vệ sinh đúng nghĩa.