Tạ Nhị ·
2 năm trước
 3674

Những quy định về tham vấn đánh giá tác động môi trường

Ngoài việc tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp của dự án, tham vấn các tổ chức chính trị - xã hội tại nơi dự án hoạt động, tùy từng loại dự án, chủ đầu tư phải tham vấn thêm địa phương liền kề, các chuyên gia hoặc tổ chức chuyên môn.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: ITN)

Dự án liên tỉnh, phải tham vấn tỉnh liền kề

Theo Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án có tính liên tỉnh, ngoài các đối tác tham vấn theo quy định, chủ đầu tư dự án phải tham vấn thêm UBND cấp tỉnh liền kề.

Cụ thể, đối với các dự án đầu tư có hoạt động nhận chìm vật, chất ở biển; dự án đầu tư có tổng lưu lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên, xả trực tiếp nước thải vào sông liên tỉnh, sông giáp ranh giữa các tỉnh hoặc xả trực tiếp nước thải ra biển ven bờ, chủ dự án thực hiện tham vấn thêm ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liền kề có sông liên tỉnh, sông giáp ranh hoặc biển ven bờ để phối hợp giải quyết những vấn đề môi trường trong khu vực.

Ngoài ra, đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông và tuyến đường dây tải điện liên tỉnh, liên huyện, chủ dự án chỉ thực hiện tham vấn trên trang thông tin điện tử và tham vấn bằng văn bản đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu dự án nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu dự án nằm trên địa bàn từ hai huyện trở lên.

Đối với các dự án đầu tư nằm trên vùng biển, thềm lục địa chưa xác định được trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ dự án chỉ thực hiện tham vấn trên trang thông tin điện tử và tham vấn bằng văn bản đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tiếp nhận chất thải vào bờ của dự án.

Dự án phải tham vấn thêm chuyên gia

Nghị định 08/NĐ-CP quy định, đối với các dự án quy định tại Phụ lục II của Nghị định này có lưu lượng nước thải xả trực tiếp ra môi trường từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên hoặc lưu lượng khí thải từ 200.000 m3/giờ trở lên, chủ dự án thực hiện tham vấn ít nhất 05 chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực hoạt động của dự án và chuyên gia môi trường.

Đối với các dự án còn lại quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, chủ dự án thực hiện tham vấn ít nhất 03 chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực hoạt động của dự án và chuyên gia môi trường.

Theo Phụ lục II của Nghị định 08/NĐ-CP, có 3 mức cho loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Mức 1 gồm các cơ sở làm giàu, chế biến khoáng sản độc hại, khoáng sản kim loại, chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại; sản xuất thủy tinh (trừ loại hình sử dụng nhiên liệu khí, dầu DO); sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu); sản xuất bột giấy, sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế hoặc sinh khổi; sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản (trừ khí công nghiệp), phân bón hóa học; hóa chất bảo vệ thực vật; sản xuất vải sợi, dệt may (có công đoạn nhuộm,  giặt mài hoặc nấu sợi); sản xuất da (có thuộc da); khai thác dầu khí, khí đốt tự nhiên; lọc hóa dầu, nhiệt điện than…

Mức 2 gồm các cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường; chất thải rắn nguy hại; phá dỡ tàu biển cũ; sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuát; mạ (có công đoạn mài sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất); sản xuất pin, ắc quy, xi măng.

Mức 3 gồm các cơ sở chế biến mủ cao su; sản xuất tinh bột sắn, bột ngọt; bia, nước giải khát có gas; cồn công nghiệp; sản xuất đường mía; chế biến thủy hải sản; giết mổ gia súc quy mô công nghiệp; chăn nuôi giá súc, gia cầm quy mô công nghiệp; sản xuất kinh kiện, thiết bị điện tử.

Dự án phải tham vấn thêm tổ chức chuyên môn

Đối với các dự án có nguy cơ bồi lắng, xói lở hoặc xâm nhập mặn do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; dự án có hoạt động nhận chìm vật, chất nạo vét xuống biển có tổng khối lượng từ 5.000.000 m3 trở lên; các dự án có lưu lượng nước thải công nghiệp từ 10.000 m3/ngày (24 giờ) trở lên (trừ các trường hợp đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước làm mát và nước thải của dự án nuôi trồng thủy sản) hoặc lưu lượng khí thải từ 200.000 m3/giờ trở lên, chủ dự án phải lấy ý kiến của tổ chức chuyên môn về kết quả tính toán của mô hình được áp dụng.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên hoặc vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển từ 01 ha trở lên, chủ dự án phải lấy ý kiến của tổ chức chuyên môn về tác động của việc thực hiện dự án tới đa dạng sinh học.

Đối với các dự án nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, chủ dự án chỉ thực hiện tham vấn theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và tham vấn thêm Ban quản lý, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó.