Gia Bảo ·
1 năm trước
 8854

Ninh Bình: Phát triển kinh tế xanh, bền vững từ giá trị di sản

Ninh Bình đang hướng đến phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh, chất lượng cao, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên.

Khi tái lập tỉnh năm 1992, Ninh Bình là một tỉnh nghèo, kinh tế dựa chủ yếu là nông nghiệp; ngành công nghiệp chủ yếu khai thác nguồn lực tài nguyên sẵn có như đá vôi để sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình đã có những điều chỉnh chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực sẵn có. 

Phát triển du lịch là hướng đi bền vững.

Ngay từ đầu những năm 2000, tỉnh đã thực hiện chuyển hướng chiến lược từ "Nâu" sang "Xanh", chuyển từ công nghiệp sản xuất vật liệu sang phát triển du lịch, chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, khoanh vùng cấm và tạm cấm khai thác các dãy núi đá vôi, rừng đặc dụng. Đến nay, Ninh Bình đã dừng thu hút các dự án chiếm nhiều diện tích đất, sử dụng công nghệ lạc hậu và đóng góp giá trị kinh tế thấp. 

Như vậy, không phải đến thời điểm này Ninh Bình mới thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mà đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội, đã sớm được định hình và có những bước đi bài bản. Trên cơ sở xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển, Ninh Bình đang hướng đến phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh, chất lượng cao, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên và chăm lo đời sống nhân dân. 

Ninh Bình luôn kiên định với mục tiêu, quan điểm phát triển vừa có tính kế thừa, vừa có tính đột phá dựa trên 3 trụ cột chính; phát triển, đổi mới nền kinh tế một cách toàn diện, theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, mang tính điều hướng, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của Quốc gia và khu vực. .

Không gian xanh là thế mạnh của Ninh Bình

Từ việc sớm nhận diện được tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, Ninh Bình đã từng bước xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển. Đặc biệt là từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014 đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư đến bạn bè trong nước và thế giới. Di sản Quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình được Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững. 

Về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, trong đó xác định sứ mệnh, tầm nhìn và bước chuyển chiến lược phát triển từ "chiều rộng" sang "chiều sâu", tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao, từng bước xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch "An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn". Đến năm 2045, Ninh Bình phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á. 

Xác định du lịch là ngành kinh tế điều hướng, Ninh Bình đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiên tiến, phát huy các sản phẩm đặc trưng, mỗi xã (vùng) một sản phẩm (OCOP) theo chuỗi giá trị gắn với vùng sản xuất, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác, sản phẩm nông nghiệp để phục vụ du lịch theo hình thức xuất khẩu tại chỗ; xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị văn minh, hiện đại. 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 101 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 33 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao trở lên, thu hút 69 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia. Sản phẩm OCOP của tỉnh là tích hợp các giá trị văn hóa, bề dày lịch sử của mỗi vùng đất, mỗi sản phẩm đều có những điểm nhấn, bản sắc, đặc sắc riêng, tạo nên đặc trưng, thương hiệu riêng cho từng vùng, miền của tỉnh. 

Ninh Bình là vùng đất "địa linh nhân kiệt", có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Được ví như "cửa ngõ" ra Bắc vào Nam, Ninh Bình nơi hội tụ của cả 3 không gian: Không gian kinh tế văn hóa núi cao, không gian kinh tế văn hóa châu thổ và không gian kinh tế văn hóa biển, tạo nên đặc trưng phong phú của một tỉnh có nhiều thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên vị thế. 

Tuy nhiên, với mục tiêu, định hướng và khát vọng phát triển trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần một tầm nhìn mới, vị thế mới, một hình ảnh mới cho giai đoạn chuyển mình để giải phóng, phát huy được hết các giá trị bản sắc địa phương, trở thành nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển kinh tế-xã hội và tận dụng được những yếu tố mang tính thời cơ của bối cảnh mới mang lại. 

Bên cạnh đó, Ninh Bình cần có cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, vượt trội để đảm đương được sứ mệnh to lớn trong gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, di sản nhân loại; đồng thời tạo động lực để tỉnh có thêm cơ hội phát huy nội lực và huy động nguồn lực phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là đô thị đặc thù về giá trị di sản.