Tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã
Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Trong đó có tới 310 loài thú, chiếm khoảng 7,7% tổng số động vật có vú trên thế giới; 916 loài chim chiếm khoảng 10% các loài chim trên toàn thế giới. Đặc biệt, Việt Nam có ít nhất 467 loài động vật đặc hữu, cao hơn nhiều so với các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan. Điển hình trong số đó, có thể kể đến Sao La, Chà Vá chân xám, Voọc Cát Bà, Voọc quần đùi trắng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng săn bắt, giết, mổ, vận chuyển kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã (ĐVHD) còn nhiều diễn biến phức tạp. Điều này đã làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín đất nước trên trường quốc tế.
Lực lượng chức năng bắt giữ lô hàng ĐVHD bị buôn bán, vận chuyển trái phép.
TS Văn Ngọc Thịnh – Giám đốc Quốc gia Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam nhận định: “Trong 50 năm trở lại đây, chúng ta đã mất đi gần 70% quần thể các loài ĐVHD có xương sống và đang đối mặt với thời kỳ kỷ nguyên tuyệt chủng lần thứ 6 do con người tạo ra”.
"Nếu như vẫn còn tiếp diễn thì 50 năm sau, nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học sẽ ở bên bờ vực thẳm", ông Thịnh chia sẻ thêm.
Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong năm 2020 ghi nhận 2.907 vụ việc vi phạm về ĐVHD với tổng số vi phạm đơn lẻ lên tới hơn 7.651. Trong đó, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép ĐVHD chiếm phần lớn với 1.956 vụ việc; Tiếp theo là 863 vụ việc nuôi nhốt ĐVHD trái phép và 98 vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép. Bà Nguyễn Phương Dung - Phó Giám đốc ENV cho hay: “Số lượng vi phạm báo cáo tới ENV mỗi ngày trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2019”. |
Không chỉ vậy, sự suy thoái sinh cảnh sống, khó khăn trong công tác thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, và sự giới hạn về nhận thức của người dân đã gia tăng áp lực và thách thức trong công tác bảo tồn. Để giải quyết vấn đề bức thiết này, bảo tồn ĐVHD ở Việt Nam cần xét tính chiến lược toàn diện và lâu dài.
Đẩy mạnh công tác bảo tồn
Mới đây nhất, Chỉ thị số 29/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó đã quy định việc dừng nhập khẩu động vật hoang dã, xử lý nghiêm đối với mọi trường hợp nhập khẩu động vật hoang dã trái phép; Kiên quyết loại bỏ các khu vực, chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái phép. Chỉ thị này là một hành động thiết thực thúc đẩy các cấp chính quyền, các cơ quan của Chính phủ trong công cuộc bảo tồn và quản lý săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.
Cũng theo ông Thịnh thông tin, hiện nay, tầm nhìn của lãnh đạo, của nguyên thủ quốc gia về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên rất rõ ràng. Bất cứ ở đâu, từ cấp Chính phủ, Thủ tướng đến tất cả Bộ, ngành đều nói đến vấn đề phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, quan điểm thuận thiên. Đó là một trong những yếu tố đảm bảo thành công đến 50% trong hành trình cứu lấy đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Không những vậy, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tổ chức hoạt động về lĩnh vực môi trường và bảo tồn chứng tỏ cộng đồng ngày càng quan tâm tới vấn đề bảo vệ ĐVHD, đặc biệt, các tổ chức này do chính những người Việt Nam đứng ra thành lập.
Tiêu biểu có thể kể đến Trung tâm Con người và Thiên nhiên Việt Nam (PanNature), Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV); Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã ở Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife); Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt xanh (GreenViet); Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã Việt Nam (WildAct Vietnam); Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (Change)...
Trong số các tổ chức trên, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã ở Việt Nam (SVW) là một đơn vị hoạt động bảo tồn hiệu quả. Được thành lập từ năm 2014, đến nay SVW đã phối hợp với Ban quản lý các Vườn quốc gia như: Cúc Phương, Pù Mát, Nam Cát Tiên… cùng các lực lượng chức năng, cơ quan Công an trên cả nước giải cứu được hơn 2.000 loài động vật khác nhau. Trong đó, riêng số lượng Tê tê là 1.540 cá thể, thuộc vào hàng nhiều nhất thế giới.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã ở Việt Nam cho biết: “SVW xác định việc xây dựng các chương trình bảo tồn mang tính chất dài hạn, như vậy mới giải quyết triệt để mọi vấn đề liên quan. Với những chương trình và hành động SVW đang làm, chúng tôi tin rằng, Việt Nam có thể bảo vệ những loài động vật nguy cấp và thiên nhiên hoang dã của Việt Nam ngày càng an toàn hơn”.
“Sức khỏe của con người và của cả hệ sinh thái có sự kết nối ngày càng rõ rệt. Khi con người xâm lấn tự nhiên và làm suy kiệt môi trường sống quan trọng, những rủi ro liên quan tới bệnh tật cũng ngày càng tăng. Đánh mất đa dạng sinh học sẽ tạo ra mối đe dọa đến tất cả mọi mặt của sự sống, bao gồm cả sức khỏe của nhân loại. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành dữ dội, mỗi chúng ta hãy góp sức bảo vệ đa dạng sinh học để ngăn chặn những đại dịch trong tương lai”. Ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. |
Theo thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam