Minh Anh ·
1 năm trước
 3468

Nỗ lực hồi sinh và khôi phục các vùng đất ngập nước tại Việt Nam

Vùng đất ngập nước là tài sản lớn nhất của du lịch thế giới, thu hút hàng triệu khách du lịch hằng năm và Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn trong phát triển lĩnh vực này.

Hồi sinh và khôi phục các vùng đất ngập nước

Vùng đất ngập nước có vai trò rất lớn đối với con người và thiên nhiên bởi nó có thể lọc các chất độc hại; lưu trữ carbon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu; giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan; lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi mưa bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ cấp nước khi hạn hán; đảm bảo đa dạng sinh học.

Đồng thời, đây là môi trường sống của hơn 100.000 loài sinh vật; đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho người dân. Hiện nay vùng đất ngập nước cung cấp gạo cho 3,5 tỷ người trên thế giới; hơn 1 tỷ người hiện đang sinh sống dựa vào các vùng đất ngập nước; có tới 40% các loài sinh vật sống hoặc dựa vào những vùng đất ngập nước.

Mới đây, Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động khẩn cấp để hồi sinh và khôi phục các vùng đất ngập nước, những hệ sinh thái đang biến mất nhanh hơn ba lần so với rừng.

Các vùng đất ngập nước bao phủ khoảng 6% bề mặt đất của Trái đất và rất quan trọng đối với sức khỏe con người, nguồn cung cấp thực phẩm, du lịch và việc làm. Hơn một tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào chúng để kiếm sống, trong khi vùng nước nông và đời sống thực vật phong phú của chúng hỗ trợ mọi thứ.

Các vùng đất ngập nước cũng đóng vai trò quan trọng trong cả việc đạt được sự phát triển bền vững và trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu như điều tiết nước, giảm tác động của lũ lụt.

Tại Hội nghị đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc vào tháng 12/2022, các quốc gia đã thông qua một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm bảo vệ 1/3 vùng đất, ven biển và vùng nước nội địa của hành tinh vào năm 2030.

Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động khẩn cấp để hồi sinh và khôi phục các vùng đất ngập nước, những hệ sinh thái đang biến mất nhanh hơn ba lần so với rừng.

Hành động khôi phục vùng đất ngập nước đang được quan tâm trên khắp thế giới. Chẳng hạn, Trung Quốc đang mở rộng kế hoạch cho “các thành phố bọt biển” trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và các hiểm họa khí hậu gia tăng, bao gồm cả lũ lụt. "Thành phố bọt biển" dựng vườn trên mái nhà, vỉa hè thấm nước và bể chứa ngầm để kiểm soát nguy cơ lũ từ các con sông.

Chủ đề Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2023 là “Hãy phục hồi đất ngập nước ngay từ hôm nay - Hơn 35% diện tích đất ngập nước tự nhiên đã bị mất trong 50 năm qua. Lựa chọn, tiếng nói và hành động của bạn thúc đẩy xu hướng phục hồi đất ngập nước” nhằm nêu bật nhu cầu cấp thiết phải ưu tiên phục hồi các vùng đất ngập nước và kêu gọi tất cả mọi người thực hiện các hành động để phục hồi đất ngập nước bị suy thoái.

Đẩy mạnh phát triển bền vững

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN và thứ 50 trên thế giới chính thức tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước (Công ước Ramsar). 

Sau khi trở thành thành viên của Công ước Ramsar, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm thực hiện các nghĩa vụ mà Công ước quy định. Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành hơn 10 văn bản có những quy định trực tiếp về đất ngập nước. Điển hình là Nghị định số 109/2003/NĐ-CP của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước.

Có thể nói, đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định trực tiếp về quản lý đất ngập nước để thực thi Công ước Ramsar (năm 2019, Nghị định này được thay thế bằng Nghị định số 66/2019/NĐ-CP); Quyết định 04/2004 của Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt Kế hoạch hành động về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2004 - 2010.

Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện bộ khung pháp lý, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng khôn khéo đất ngập nước thông qua lồng ghép các hoạt động bảo tồn vào quá trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quản lý và kiểm soát việc sử dụng đất, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đệm của các khu bảo tồn thiên nhiên nói chung, trong đó có các khu Ramsar.

Đến nay, Việt Nam đã quy hoạch và khoanh vi để thành lập 47 khu bảo tồn đất ngập nước; đề cử thành công 9 khu Ramsar với tổng diện tích 120.549 ha. Định hướng xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sẽ tăng số lượng khu đất ngập nước được quốc tế công nhận lên 14 khu.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ngoài giá trị trực tiếp về các tài sản lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy hải sản thì tiềm năng du lịch vùng đất ngập nước ở nước ta rất lớn. Hiện nay, cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều có đất ngập nước với sinh cảnh khá phong phú. Vai trò của đất ngập nước trong phát triển du lịch cực kỳ quan trọng

Nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, phát triển du lịch có thể góp phần bảo tồn, tăng trưởng kinh tế, giảm đói nghèo và hỗ trợ văn hóa ở các vùng đất ngập nước một cách bền vững. UNWTO nhận định, các vùng đất ngập nước là tài sản lớn nhất của du lịch thế giới, thu hút hàng triệu khách du lịch hằng năm và Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn trong phát triển lĩnh vực này.