Ngọc Lan ·
30 tuần trước
 9825

Thế giới sẽ thiệt hại 38.000 tỷ USD mỗi năm do biến đổi khí hậu

Tổn thất cho canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản lượng kinh tế và y tế do biến đổi khí hậu ước tính lên tới 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050.

Cụ thể, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam (PIK) do Chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản lượng kinh tế và y tế do biến đổi khí hậu được ước tính vào khoảng 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050 và con số này gần như chắc chắn sẽ tăng lên khi hoạt động của con người thải ra nhiều khí nhà kính hơn.

Trên thực tế, tác động kinh tế của biến đổi khí hậu chưa được hiểu đầy đủ và các nhà kinh tế thường không đồng ý về mức độ của nó.

Nghiên cứu hôm 17/4 của Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam được Chính phủ Đức hỗ trợ nổi bật về mức độ nghiêm trọng về tác động kinh tế của biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu có thể làm giảm tới 17% GDP của nền kinh tế toàn cầu vào giữa thế kỷ này. Ảnh: Sky News

Theo ước tính đến năm 2050 của Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam, biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại 17% GDP kinh tế toàn cầu vào giữa thế kỷ này. Trong khi đó, chi phí cho bảo vệ khí hậu thấp hơn nhiều so với thiệt hại này. Theo báo cáo, chi phí dành cho các biện pháp nhằm giới hạn mức độ ấm lên toàn cầu ở 2 độ C vào năm 2050 - so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp - sẽ là khoảng 6.000 tỷ USD, tức là chưa tới 1/6 tổn thất kinh tế nếu nhiệt độ ấm lên vượt mức 2 độ C.

Trong khi các nghiên cứu trước đây kết luận biến đổi khí hậu có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế của một số nước, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam cho thấy hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng, trong đó các quốc gia nghèo, đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bên cạnh việc chi tiêu quá ít cho các biện pháp giới hạn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các chính phủ cũng chi chưa đủ mức cần thiết cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, báo cáo ước tính thiệt hại dựa trên xu hướng nhiệt độ và lượng mưa đã được tính toán, nhưng không tính đến thời tiết khắc nghiệt hoặc các thảm họa khác liên quan đến khí hậu như cháy rừng hoặc mực nước biển dâng cao. Nó cũng chỉ dựa trên lượng khí thải đã phát ra, mặc dù lượng khí thải toàn cầu tiếp tục tăng ở mức kỷ lục.

Các phát hiện cho thấy nếu lượng khí thải tiếp tục ở mức hiện nay và nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vượt quá 4 độ C, thiệt hại kinh tế ước tính sau năm 2050 sẽ khiến thu nhập bị mất 60% vào năm 2100. Việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 2 độ C sẽ hạn chế những tổn thất đó ở mức trung bình 20%.