Bài viết của TS. Phùng Quốc Huy - Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng châu Á - Thái Bình Dương (APERC) viết riêng cho Tạp chí Năng lượng Việt Nam dưới đây sẽ xác định 6 nút thắt chính đã cản trở quá trình triển khai các dự án CCS tại các nước khu vực APEC Đông Nam Á. Hy vọng rằng, các “nút thắt” sẽ dần được tháo gỡ trong những năm tới, góp phần đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án CCS trong khu vực.
Trong khu vực APEC, các hệ thống CCS đang hoạt động chủ yếu được triển khai ở các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Canada và Úc. Tuy nhiên, tại các nền kinh tế APEC Đông Nam Á cho đến nay vẫn chưa có dự án CCS dạng trình diễn, hoặc thương mại nào được triển khai mặc dù đây là khu vực có mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch và mức phát thải CO2 tăng nhanh trong trong thập kỷ gần đây.
1.Giới thiệu:
Công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2 hay CCS (Carbon Capture and Storage) là một trong những giải pháp tiềm năng có thể góp phần vào mục tiêu trung hòa các bon. Trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ CCS có thể được áp dụng cho một số nguồn phát thải CO2 khác nhau. Bao gồm: Các nhà máy công nghiệp, hoặc nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các nhà máy sản xuất hydro từ nhiên liệu hóa thạch và các nhà máy điện sinh khối, hoặc các thiết bị thu CO2 trực tiếp từ khí quyển. Khí CO2 thu được từ các nguồn phát thải sẽ được bơm và lưu trữ lâu dài dưới lòng đất.
Công nghệ CCS đã được triển khai thương mại ở một số khu vực trên thế giới. Tính đến tháng 9/2022, có 30 dự án CCS đang hoạt động trên toàn cầu với tổng công suất 42,5 triệu tấn CO2/năm (Mtpa). 164 dự án khác với công suất 199 Mtpa đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau (xem hình 1).
Hình 1: Các hệ thống CCS thương mại trên thế giới (tính đến tháng 9/2022). Nguồn: Tổng hợp của tác giả dựa trên số liệu từ Global CCS Institute (2022).
Trong khu vực APEC (diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), hầu hết các hệ thống CCS đang hoạt động được triển khai ở Hoa Kỳ, Canada và Úc, đóng vai trò là những quốc gia tiên phong trong việc triển khai công nghệ CCS. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dự án CCS dạng trình diễn, hoặc thương mại nào được triển khai tại các nền kinh tế APEC Đông Nam Á (APEC Đông Nam Á bao gồm: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).
Indonesia là quốc gia đi đầu trong số các nền kinh tế APEC Đông Nam Á trong việc triển khai các hợp tác nghiên cứu và thử nghiệm thí điểm để đánh giá tiềm năng của công nghệ CCS (kể từ năm 2012). Tính đến tháng 8/2022, 15 dự án liên quan đến CCS đang được tiến hành ở nhiều giai đoạn khác nhau với mục đích đưa vào hoạt động thương mại trước năm 2030 (MEMR, 2022).
Gần đây, Malaysia đã công bố các dự án Kasawari CCS và Lang Lebah CCS nằm ngoài khơi Sarawak với kỳ vọng sẽ hỗ trợ quốc gia này đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vào tháng 6/2022, Thái Lan đã công bố dự án CCS đầu tiên, nằm ở mỏ khí đốt ngoài khơi Arthit, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026 (Global CCS Institute, 2022). Cho đến nay, chưa có thông báo chính thức nào về các dự án phát triển CCS tại Singapore, Philippines, Brunei và Việt Nam.
Các nền kinh tế APEC Đông Nam Á chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch, chiếm 83% tổng nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp vào năm 2018. Kết quả là lượng khí thải CO2 đã tăng hơn gấp đôi từ 0,66 tỷ tấn (Gt) năm 2000 lên 1,49 Gt vào năm 2018, hay tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 4,6% (APERC, 2022).
Trong ngành điện, sản lượng điện được sản suất từ các nhà máy nhiệt điện than và khí chiếm đa số trong tổng sản lượng điện ở tất cả các nền kinh tế APEC Đông Nam Á, dao động từ 65,1% đến 99,3% tổng cơ cấu nguồn điện vào năm 2020 (xem hình 2). Vì lý do đó, các nền kinh tế APEC Đông Nam Á đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các dự án CCS nhằm giảm phát thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện than và khí hiện có và các nhà máy đang và sẽ xây dựng trong những năm tới.
Hình 2: Tỷ trọng nhiệt điện than và khí trong tổng sản lượng điện tại các quốc gia APEC Đông Nam Á năm 2020. Nguồn: Tổng hợp của tác giả dựa trên số liệu từ EGEDA.
Mối quan tâm đến công nghệ CCS càng trở nên mạnh mẽ hơn sau khi một số nhà lãnh đạo các quốc gia APEC Đông Nam Á cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ này tại COP26. Hầu hết các nền kinh tế APEC Đông Nam Á gần đây đã đề cập đến công nghệ CCS trong các chính sách năng lượng cấp quốc gia. Một số nền kinh tế đang tiến hành đưa công nghệ CCS vào các văn bản pháp quy và quy chuẩn, nhằm thúc đẩy đầu tư các dự án CCS dựa trên các nguồn lực trong nước và quốc tế.
Cho dù nhận thức rằng, công nghệ CCS rất quan trọng đối với việc đạt mục tiêu phát thải CO2 ròng bằng “0”, hầu hết các nền kinh tế APEC Đông Nam Á đều hạn chế về kinh nghiệm và sự chuẩn bị cho việc phát triển các dự án CCS. Vì lý do đó, chưa có dự án CCS trình diễn, hoặc thương mại nào được triển khai trong khu vực này.
Có một vài yếu tố dẫn đến sự chậm triển khai công nghệ CCS trong khu vực APEC Đông Nam Á, nhưng chi phí đầu tư cao là một trong những trở ngại lớn nhất. Bài viết này xác định 6 nút thắt chính, cản trở quá trình triển khai các dự án CCS tại các nước khu vực APEC Đông Nam Á.
2. Các nút thắt khi triển khai CCS:
2.1. Chi phí triển khai cao:
Các dự án CCS thường cần vốn đầu tư tương đối cao. Tổng mức đầu tư sẽ từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đô la Mỹ để phát triển và vận hành dự án CCS (bao gồm chi phí đầu tư cho các công đoạn thu giữ, vận chuyển và lưu trữ CO2).
Tùy thuộc vào quy mô dự án, khoảng cách vận chuyển giữa điểm thu giữ và điểm lưu trữ, hàm lượng CO2 và điều kiện địa chất nơi lưu trữ, chi phí phát triển CCS có thể khác nhau rất nhiều tùy từng trường hợp cụ thể.
Ví dụ: Dự án Boundary Dam CCS ở Canada, hệ thống CCS thương mại đầu tiên trên thế giới áp dụng tại nhà máy nhiệt điện than, có chi phí xây dựng là 1,3 tỷ USD. Dự án này đã đi vào hoạt động chính thức từ cuối năm 2016 với công suất thu giữ CO2 là 1 Mtpa. Một trường hợp khác là dự án Gorgon CCS ở Australia - nơi mà CO2 được thu giữ từ nhà máy xử lý khí tự nhiên và bơm vào một tầng chứa đá sa thạch sâu nằm trong đất liền. Dự án này có chi phí khoảng 2 tỷ USD cho công suất thu giữ CO2 là 3,4 - 4 Mtpa.
Ngày nay, hầu hết các dự án CCS thương mại đang hoạt động đều dựa vào hỗ trợ của các chính phủ thông qua thuế, tín chỉ carbon và các ưu đãi tài chính. Ví dụ như hệ thống tín chỉ thuế 45Q ở Hoa Kỳ và Quỹ Giảm phát thải (Emissions Reduction Fund) ở Úc. Ngoài ra, doanh thu cũng có thể đến từ sản lượng dầu khai thác tăng thêm khi sử dụng công nghệ tăng cường thu hồi dầu bằng cách bơm ép CO2 xuống vỉa dầu.
Theo Global CCS Institute: 70% dự án CCS đang hoạt động trên toàn thế giới sử dụng CO2 thu được cho mục đích tăng cường thu hồi dầu (Global CCS Institute, 2022). Tuy nhiên, không có hình thức hỗ trợ, hoặc ưu đãi tương tự nào của chính phủ để phát triển các dự án CCS tại các nền kinh tế APEC Đông Nam Á.
Như vậy, chi phí đầu tư cao là một thách thức lớn cho các quốc gia APEC Đông Nam Á trong việc triển khai các dự án CCS, trong khi thiếu các khoản trợ cấp và ưu đãi tài chính của chính phủ.
2.2. Thiếu các địa điểm lưu trữ CO2 đã được xác minh:
Trong quá trình phát triển toàn bộ dự án CCS, địa điểm lưu trữ CO2 đã được xác minh là điều kiện tiên quyết cho quyết định đầu tư cuối cùng của toàn bộ, hoặc một phần của dự án CCS.
Thứ nhất: Địa điểm lưu trữ đóng vai trò như một bể chứa khổng lồ dưới lòng đất để lưu trữ CO2 thu được từ các nguồn phát thải khác nhau như các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp.
Thứ hai: Đó là nơi mà CO2 có thể lưu giữ vĩnh viễn trong lòng đất mà không quay trở lại bầu khí quyển, góp phần giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các địa điểm lưu trữ CO2 tiềm năng có thể là các mỏ dầu khí cạn kiệt, các tầng nước muối sâu, các vỉa than sâu không thể khai thác, và các tầng đá có khả năng thẩm thấu.
Việc xác minh các địa điểm lưu trữ CO2 là một quá trình tốn nhiều thời gian với nhiều giai đoạn: Sàng lọc địa điểm, lựa chọn địa điểm, đánh giá ban đầu, đánh giá chi tiết, chuẩn bị và phát triển địa điểm. Tùy thuộc vào cơ sở dữ liệu hiện có, thường sẽ mất từ hai đến sáu năm, hoặc thậm chí lâu hơn để xác minh đầy đủ một địa điểm lưu trữ (IEA, 2021).
Hầu hết các nền kinh tế APEC Đông Nam Á đều có các địa điểm lưu trữ CO2 tiềm năng, ngoại trừ Singapore. Bộ Công Thương Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu về khả năng lưu trữ CO2 tiềm năng dựa trên dữ liệu từ các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng ADB, Global CCS Institute và các nguồn tham khảo khác. Kết quả cho thấy khả năng lưu trữ CO2 tiềm năng ở Indonesia là 8,4 Gt, ở Thái Lan là 10,3 Gt và ở Việt Nam là 11,8 Gt. Một số tài liệu khác cho thấy, Philippines và Malaysia có khả năng lưu trữ CO2 tiềm năng lần lượt là 23 Gt và 28 Gt (ADB, 2013; Christopher et al., 2017 [QHP1] ) và Brunei là 0,6 Gt (IEA, 2021).
Tuy nhiên, khả năng lưu trữ CO2 tiềm năng nêu trên chỉ là những con số ước tính gần đúng dựa trên dữ liệu đã được công bố từ ngành khai thác dầu khí. Để chuyển đổi khả năng lưu trữ CO2 tiềm năng này thành các địa điểm lưu trữ CO2 đã được xác minh, cần phải điều tra bổ sung và đánh giá cụ thể.
Tóm lại, các nền kinh tế APEC Đông Nam Á đang thiếu các địa điểm lưu trữ CO2 đã được xác minh, một yếu tố vô cùng quan trọng để đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng cho các dự án CCS. Các nhà đầu tư tiềm năng rất ngần ngại đầu tư và phát triển các dự án CCS nếu không có thông tin chi tiết về các địa điểm lưu trữ đã được xác minh này.
2.3. Thiếu khung pháp lý và quy định:
Khung pháp lý và quy định rất quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và triển khai các dự án CCS. Nó cũng có ý nghĩa khuyến khích các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính đầu tư vào các dự án CCS.
Về cơ bản, một dự án CCS đầy đủ bao gồm ba công đoạn chính: Thu giữ, vận chuyển và lưu trữ CO2. Trong từng giai đoạn cần có các quy định tương ứng để quản lý hoạt động của dự án và đảm bảo môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Ví dụ: Liên quan đến địa điểm lưu trữ CO2, các quy định phải bao gồm các vấn đề liên quan trong từng bước nhỏ hơn của giai đoạn lưu trữ CO2, chẳng hạn như sàng lọc địa điểm, lựa chọn địa điểm, đánh giá ban đầu, đánh giá chi tiết, chuẩn bị địa điểm, phát triển, vận hành, giám sát và đóng cửa.
Tuy nhiên, khung pháp lý và quy định cần thiết để thực hiện dự án CCS hầu như không có ở hầu hết các nền kinh tế trong khu vực APEC Đông Nam Á. Indonesia là nền kinh tế duy nhất đạt được tiến bộ đáng kể gần đây về khung pháp lý và quy định liên quan đến CCS nhờ vào những kinh nghiệm của các dự án hợp tác nghiên cứu CCS với các đối tác quốc tế trong suốt thập kỷ qua. Hiện nay, Indonesia đang soạn thảo quy định về CCS và CCUS, trong đó chủ yếu đề cập đến quyền của nhà thầu thực hiện CCS, cơ chế phê duyệt và triển khai dự án, ưu đãi kinh tế, giám sát, đo lường, báo cáo và xác minh, các khía cạnh sức khỏe, an toàn, môi trường, xã hội, ngừng hoạt động và chuyển giao trách nhiệm sau khi dự án kết thúc (Asia CCUS Network, 2022).
Các nền kinh tế APEC Đông Nam Á khác chưa có các quy định cụ thể về CCS. Họ chỉ có các quy định hiện hành trong ngành dầu khí, nhưng cần đưa thêm các điều khoản về CCS vào các quy định, hoặc xây dựng các quy định mới dành riêng cho CCS. Khung pháp lý và quy định để triển khai CCS ở các nền kinh tế này đang ở giai đoạn phát triển ban đầu.
Việc thiếu khung pháp lý và quy định là một rào cản đáng kể đối với sự phát triển của CCS, đặc biệt là về mặt thu hút đầu tư cho các dự án CCS thương mại, hoặc trình diễn quy mô lớn.
2.4. Thiếu các công cụ chính sách khuyến khích phát triển và triển khai CCS:
Như đã đề cập trong phần trước, việc triển khai dự án CCS cần kinh phí rất lớn. Do đó, hỗ trợ thông qua chính sách từ chính phủ để thúc đẩy đổi mới và triển khai CCS là rất quan trọng.
Hiện tại, có nhiều loại chính sách hỗ trợ phát triển CCS trên toàn cầu: Hỗ trợ không hoàn lại, trợ cấp hoạt động và định giá carbon. Đầu tiên, hỗ trợ không hoàn lại là vốn tài trợ được cung cấp trực tiếp cho các dự án mục tiêu hoặc thông qua các chương trình cạnh tranh để khắc phục chi phí ban đầu cao. CCUS Infrastructure Fund (Vương quốc Anh) và Innovation Fund (Liên minh châu Âu) là những ví dụ điển hình của công cụ chính sách này. Tiếp đến, trợ cấp hoạt động là một công cụ chính sách sử dụng tín dụng thuế dựa trên CO2 được thu giữ/lưu trữ/sử dụng, như tín dụng thuế 45Q và 48A (Hoa Kỳ). Một loại trợ cấp hoạt động khác là hợp đồng sai khác (Contract-for-Difference) - một cơ chế bù đắp chênh lệch chi phí giữa chi phí sản xuất và giá thị trường (Vương quốc Anh). Và cuối cùng là định giá carbon (bao gồm thuế carbon, hệ thống giao dịch phát thải (ETS) và hệ thống giao dịch tín dụng). Ví dụ, Singapore và Na Uy sử dụng thuế carbon cho lĩnh vực khai thác dầu khí ngoài khơi, trong khi châu Âu và Trung Quốc sử dụng hệ thống giao dịch phát thải.
Tại APEC Đông Nam Á, các công cụ chính sách hỗ trợ cho CCS ngày nay còn hạn chế. Singapore đang sử dụng thuế carbon và định giá carbon trong khi các hệ thống định giá carbon vẫn đang được nghiên cứu để triển khai ở Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.
Như vậy, việc thiếu các công cụ chính sách cho CCS tại các nền kinh tế APEC Đông Nam Á là một trở ngại đáng kể đối với việc phát triển và triển khai CCS. Các nhà đầu tư sẽ hạn chế đầu tư vào các dự án CCS nếu không có chính sách hỗ trợ. Các loại hình hỗ trợ thông qua chính sách, như tài trợ vốn, tín dụng thuế và định giá carbon là điều cần thiết để thúc đẩy triển khai CCS. Trong khi một số nền kinh tế trong khu vực, chẳng hạn như Singapore đã triển khai thuế carbon và hệ thống định giá carbon, thì nhiều nền kinh tế khác vẫn thiếu các công cụ chính sách cần thiết để khuyến khích đầu tư vào CCS.
2.5. Tỷ lệ CO2 thu giữ thực tế thấp hơn giá trị thiết kế:
Tại các nền kinh tế APEC Đông Nam Á, nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng điện. Vì vậy, mục tiêu tối quan trọng là làm thế nào để giảm phát thải CO2 cho ngành nhiệt điện than trong khi vẫn tiếp tục vận hành các nhà máy nhiệt điện than này cho đến hết thời gian sử dụng về mặt kinh tế.
Theo các chuyên gia và các nhà nghiên cứu, tỷ lệ thu giữ CO2 từ các nhà máy nhiệt điện than ước đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ thu giữ thực tế của dự án CCS thương mại quy mô lớn đầu tiên áp dụng tại nhà máy nhiệt điện than Boundary Dam (Canada) chỉ được ghi nhận ở mức khoảng 60% đến 70%. Tỷ lệ thu giữ đó tương đối thấp so với tỷ lệ thu giữ CO2 theo thiết kế do những vấn đề kỹ thuật gặp phải khi vận hành và giai đoạn thiết kế không lường trước được (Stavroula Giannaris et al., 2021).
Một ví dụ khác là dự án Petra Nova CCS được thiết kế để thu giữ khoảng 90% CO2 từ nhà máy nhiệt điện than, nhưng tỷ lệ thu giữ CO2 thực tế thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ thu giữ dự kiến, chỉ đạt khoảng 65% đến 70% (IEEFA, 2022).
Nhìn chung, các nền kinh tế APEC Đông Nam Á đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc giảm phát thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện than trong khi vẫn muốn duy trì hoạt động của các nhà máy này cho đến hết tuổi thọ cho phép. Tỷ lệ thu giữ CO2 thực tế trong các dự án CCS thương mại quy mô lớn nêu trên thấp hơn so với thiết kế đã gây ra sự hoài nghi về tính hiệu quả và sự chín muồi của công nghệ CCS trong các nhà máy nhiệt điện than, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư.
2.6. Sự chấp nhận của công chúng:
Một rào cản khác cản trở sự phát triển của CCS là sự chấp nhận của công chúng, đặc biệt là những cư dân đang sống gần các khu vực dự kiến lưu trữ CO2. Họ lo lắng về những rủi ro sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và môi trường xung quanh sau khi bơm CO2 xuống dưới lòng đất, chẳng hạn như rò rỉ CO2 và ô nhiễm nước ngầm. Đặc biệt, một số nền kinh tế APEC Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Brunei, nằm trong khu vực “Vành đai lửa”, nơi thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào.
Sự chấp nhận của xã hội chỉ có thể được cải thiện và củng cố khi xây dựng được một dự án trình diễn CCS - nơi mọi người có thể nâng cao hiểu biết của họ về công nghệ CCS dựa trên dữ liệu quan trắc thực tế và giải thích của các chuyên gia.
Chẳng hạn, Nhật Bản đã tiến hành dự án trình diễn CCS quy mô lớn đầu tiên tại Thành phố Tomakomai (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản) từ năm 2012. Nhiều hoạt động tuyên truyền được triển khai liên tục tại cộng đồng địa phương và các vùng khác của Nhật Bản nhằm nâng cao hiểu biết về dự án và sự chấp nhận CCS công chúng. Những hoạt động này bao gồm các chuyến đi thực tế, triển lãm, gian hàng, phòng thí nghiệm dành cho trẻ em, bài giảng, thuyết trình và diễn đàn CCS. Từ năm 2012 đến 2019, hơn 57.000 người đã tham dự các hoạt động này (METI, 2020).
Thuyết phục người dân về tầm quan trọng của công nghệ CCS đối với lộ trình trung hòa carbon của quốc gia là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết để đẩy nhanh việc triển khai các dự án CCS. Tuy nhiên, nhận thức của công chúng về vai trò của công nghệ CCS vẫn còn thấp ở các nền kinh tế APEC Đông Nam Á - nơi mà công nghệ CCS chỉ được một số ít người làm việc trong các tổ chức liên quan đến năng lượng và biến đổi khí hậu quan tâm. Khi người dân hiểu được vai trò của công nghệ CCS thì họ sẽ dễ dàng chấp nhận và hỗ trợ triển khai dự án CCS hơn.
Có thể nói, nhận thức của công chúng về công nghệ CCS còn thấp ở các nền kinh tế APEC Đông Nam Á dẫn đến cản trở sự ủng hộ của công chúng đối với công nghệ CCS. Nâng cao nhận thức của công chúng thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền (các chuyến đi tham quan thực tế, thuyết trình và diễn đàn) là rất quan trọng để tăng cường sự chấp nhận của công chúng đối với công nghệ CCS và vai trò của nó trong lộ trình khử cacbon.
3. Kết luận:
Công nghệ CCS là một giải pháp đầy triển vọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, tiến tới xã hội trung hòa cacbon. Công nghệ này đã được triển khai thương mại ở nhiều khu vực trên toàn cầu, với 30 dự án CCS đang vận hành thương mại và 164 dự án khác đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Tuy nhiên, các nền kinh tế APEC Đông Nam Á, chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch, thiếu kinh nghiệm, cũng như sự chuẩn bị cho việc phát triển CCS và chưa triển khai bất kỳ dự án CCS trình diễn, hoặc thương mại nào. Chi phí đầu tư cao, thiếu các địa điểm lưu trữ CO2 tin cậy và thiếu khung pháp lý là một vài trở ngại chính trong 6 nút thắt cản trở sự phát triển các dự án CCS trong khu vực.
Để khắc phục những nút thắt này, các nền kinh tế APEC Đông Nam Á cần tập trung hơn nữa vào việc khảo sát chi tiết địa điểm lưu trữ CO2 tiềm năng, hoàn thiện khung pháp lý và công cụ chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ CCS, nhằm mục tiêu tăng công suất của các hệ thống CCS lên 200 Mtpa vào năm 2050 (từ mức gần như bằng không như hiện nay). Việc áp dụng thành công công nghệ CCS sẽ góp phần giảm lượng khí thải CO2 và tạo bước đệm quan trọng hướng tới một tương lai năng lượng xanh và sạch hơn./.
TS. PHÙNG QUỐC HUY - TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU NĂNG LƯỢNG CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG (APERC)
Tài liệu tham khảo:
1/ ADB, 2013. Asia Development Bank. Prospects for carbon capture and storage in Southeast Asia.
2/ APERC, 2022. The APEC Energy Demand and Supply Outlook 8th.
3/ ASIA CCUS Network, 2022. Indonesia Drafts Regulations on Carbon Capture and Storage and Carbon Capture Utilisation and Storage to Accelerate Project Execution.
3/ Christopher P. Consoli, Neil Wildgust. Current status of global storage resources. Energy Procedia 114 (2017) 4623-4628.
4/ EGEDA. Expert Group on Energy Data Analysis, APEC Energy Working Group, APEC Energy Database. https://www.egeda.ewg.apec.org/egeda/database_info/index.html
5/ Global CCS Institute, 2022. Global Status of CCS 2022.
6/ IEA, 2021. Carbon Capture, Utilisation and Storage: The opportunity in Southeast Asia.
7/ IEEFA, 2022. Institute for Energy Economics and Financial Analysis. The ill-fated Petra Nova CCS project: NRG Energy throws in the towel.
8/ METI, 2020. Report of Tomakomai CCS Demonstration Project at 300 thousand tonnes cumulative injection.
9/ MEMR, the Ministry of Energy and Mineral Resources, 30 September 2022. Progress of CCS/CCUS implementation in Indonesia.
10/ Stavroula Giannaris, et al., 2021. SaskPower's Boundary Dam Unit 3 Carbon Capture Facility - The Journey to Achieving Reliability. GHGT-15.