Phơi nhiễm không khí ô nhiễmlàm tăng nguy cơ nhập viện do Covid-19
Các nhà khoa học tại Trường đại học y Keck thuộc Đại học Nam California (Mỹ) đã phân tích hồ sơ y tế của các bệnh nhân trong Hệ thống y tế Kaiser Permanente Nam California (Mỹ), bao gồm hơn 50.000 bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên có chẩn đoán mắc Covid-19 vào tháng 7 và tháng 8 năm 2021, thời điểm biến thể Delta đang lan rộng. Trong số đối tượng nghiên cứu có khoảng 34% đã được tiêm chủng đầy đủ.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng phân tích dữ liệu chất lượng không khí tại các khu phố, qua đó đánh giá mức độ phơi nhiễm của bệnh nhân với các tác nhân ô nhiễm trong không khí, như bụi mịn PM2.5, nitơ đi-ôxít (NO2) và ô-zôn (O3) vào thời điểm 1 tháng trước khi có chẩn đoán mắc Covid-19 và 1 năm trước đó.
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ nhập viện do Covid-19. (Ảnh minh họa: Internet)
Kết quả nghiên cứu cho thấy, vaccine phòng Covid-19 đã tạo ra sự khác biệt trong việc giúp giảm nguy cơ nhập viện, tuy nhiên ngay cả những người đã được tiêm chủng, việc phơi nhiễm với 2 trong số các tác nhân ô nhiễm trên (PM2.5 và NO2) đã làm tăng nguy cơ nhập viện lên đến 30%.
Trong gần 31.000 người tham gia nghiên cứu chưa được tiêm chủng, phơi nhiễm với PM2.5 nồng độ cao trong thời gian ngắn làm tăng 13% nguy cơ nhập viện do Covid-19, trong khi phơi nhiễm lâu dài làm tăng 24% nguy cơ nhập viện.
Đối với NO2, nguy cơ nhập viện tăng khi phơi nhiễm trong thời gian ngắn và lâu dài tương ứng là 14% và 22%. Nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan đáng kể giữa nồng độ O3 và nguy cơ nhập viện do Covid-19.
Tiêm chủng rất quan trọng nhưng vẫn cần quan tâm đến vấn đề ô nhiễm không khí
Tác giả nghiên cứu Anny Xiang, chuyên gia cao cấp tại Hệ thống y tế Kaiser Permanente Nam California, cho biết: "Kết quả nghiên cứu này rất quan trọng vì đã cho thấy rằng, mặc dù vaccine phòng Covid-19 thành công trong việc giảm nguy cơ nhập viện, nhưng những người đã được tiêm chủng và phơi nhiễm với không khí ô nhiễm vẫn có nguy cơ cao bị tình trạng mắc Covid-19 nặng hơn so với những người được tiêm chủng không phơi nhiễm với không khí ô nhiễm".
Đồng tác giả nghiên cứu Zhanghua Chen, phó giáo sư khoa học dân số và sức khỏe cộng đồng tại Trường đại học y Keck, cho biết: "Những người được tiêm chủng đầy đủ đã giảm gần 90% nguy cơ nhập viện do Covid-19 và thậm chí những người được tiêm chủng một phần cũng có giảm nguy cơ khoảng 50%. Tuy nhiên, việc phơi nhiễm với các tác nhân ô nhiễm không khí vẫn có hại".
"Với những người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, tác động có hại của việc phơi nhiễm với không khí ô nhiễm nhỏ hơn so với những người không được tiêm chủng, nhưng sự khác biệt đó không có ý nghĩa thống kê"- Chen cho biết thêm.
Theo các nhà khoa học, phơi nhiễm với không khí ô nhiễm trong thời gian ngắn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm phổi và thay đổi đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Phơi nhiễm lâu dài với không khí ô nhiễm có liên quan đến các bệnh tim và bệnh phổi, và các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng hơn. Tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí, dù ở dưới mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng có thể dẫn đến cơn đau tim chỉ trong vòng một giờ. Đây là kết luận trong nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc, được công bố ngày 22/4 trên tạp chí Circulation của Hiệp hội tim mạch Mỹ. |