Thanh Tâm ·
1 năm trước
 4031

Ô nhiễm không khí từ cháy rừng là mối nguy hại lớn đối với sức khoẻ

Cháy rừng trên diện rộng là một trong nhiều tác nhân làm gia tăng số lượng ca tử vong sớm do các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Theo Báo cáo Các giới hạn khả năng sống sót - Mối đe dọa đang nổi lên từ ảnh hưởng của khói bụi đến sức khỏe do cháy rừng và biến đổi khí hậu của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu, năm 2019, cháy rừng trên diện rộng ở Amazon đã làm dấy lên mối quan ngại của cộng đồng về việc khu rừng nhiệt đới với mức độ đa dạng sinh học lớn nhất trên trái đất đang bị tàn phá.

Trong năm 2019 - 2020, Australia phải chịu đựng mùa cháy rừng tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Những đám cháy rừng này diễn ra trong 19 tuần khiến 33 người thiệt mạng, hơn 2.000 ngôi nhà bị phá hủy và ước tính khoảng 3 tỷ động vật bị giết.

Khói từ các đám cháy rừng di chuyển vượt ra khỏi biên giới các nước với khoảng cách rất xa. Điển hình là khói từ các đám cháy rừng ở Australia 2019 - 2020 đã di chuyển 66.000km, khiến 80% dân số nước này phải chịu mức độ ô nhiễm không khí cao do khói bụi. Khói từ các đám cháy ở Alberta, Canada vào năm 2019 cũng bay tới tận châu Âu. Khói bụi từ cháy rừng có thể dẫn đến ô nhiễm không khí tăng đột biến, trong khi đó, các đám cháy kéo dài lâu hơn có thể làm ô nhiễm không khí gia tăng trong một thời gian dài. Các đám cháy lớn tái diễn hàng năm làm tăng mức độ phơi nhiễm hàng năm.

Sự gia tăng các vụ cháy rừng nghiêm trọng đe dọa đến sức khỏe của người dân trên toàn thế giới (Ảnh minh hoạ - Internet).

Bên cạnh đó, các vụ cháy rừng khiến chất lượng không khí ở mức nguy hiểm cao gấp mười lần mức bình thường tại Melbourne, Canberra và Sydney, với 80% dân số Australia tiếp xúc với chất lượng không khí xấu.

Tại Brazil, khói bụi từ các đám cháy khiến số ca tử vong sớm ước tính khoảng 339.000 ca mỗi năm. Ngoài ra, còn gây tác hậu quả xấu về sức khỏe như: sinh non, nhẹ cân, tiểu đường thai kỳ, bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh hen suyễn cũng như các bệnh hô hấp khác. Đáng chú ý, tiếp xúc lâu với khói bụi từ cháy rừng sẽ làm tăng khả năng dễ bị tổn thương đối với Covid-19, những người bản địa tiếp xúc lâu dài với khói bụi có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn 250% so với dân số chung.

Cháy rừng ở Amazon phần lớn xảy ra là do có chủ ý, người dân đốt rừng như một phần của hoạt động khai khẩn đất đai để làm trang trại và canh tác nông nghiệp. Những vụ cháy này là một phần nguyên nhân gây biến đổi khí hậu vì chúng đã hủy hoại hệ thống lọc và dự trữ carbon quan trọng của thế giới.

Tuy nhiên, theo một báo cáo do Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu công bố mới đây, các đám cháy rừng lớn hơn, thường xuyên hơn đang ngày một gia tăng, trong khi hiện chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe con người, bao gồm cả việc tiếp xúc lâu và thường xuyên với khói bụi từ các đám cháy của các cộng đồng dân cư lớn hơn ở các thành phố ngoài khu vực xảy ra cháy.

Bà Jeni Miller, Giám đốc Điều hành của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu cho biết, với các vụ cháy rừng do khí hậu nóng lên trên khắp thế giới, những gì chúng ta đang thấy là việc ngọn lửa được kiểm soát và dập tắt, trong khi hậu quả mà nó ảnh hưởng không dừng lại ở đó mà khói bụi sau khi đám cháy bị dập tắt vẫn lan tràn trong không khí và ảnh hưởng lâu dài đến người dân và sinh quyển.

Các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa biến đổi khí hậu, các tác động khí hậu và sức khỏe và khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách phải đặt mối quan tâm về sức khỏe lên hàng đầu khi thiết lập các chính sách đối phó với biến đổi khí hậu - bao gồm các cam kết quốc gia theo Thỏa thuận Paris, còn gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Việc thực hiện cả biện pháp giám sát có hệ thống và giảm thiểu ô nhiễm không khí do cháy rừng phải đi đôi với việc giảm thiểu các nguyên nhân gây cháy rừng và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Theo đó, các chuyên gia đưa ra cảnh báo, các Chính phủ cần phải chuẩn bị hệ thống y tế công để giúp người dân đối phó với tác động của nhiều đợt ô nhiễm không khí từ cháy rừng. Các dịch vụ y tế ở các quốc gia dễ bị tổn thương cần lập kế hoạch đối phó với các vụ cháy và tình trạng khói bụi kéo dài hơn và dữ dội hơn, bao gồm các biện pháp chống nóng và khói bụi cho các bệnh viện mới cũng như đảm bảo tính linh hoạt của chuỗi cung ứng để phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng. Mặt khác, kỹ thuật quản lý rừng bản địa là một phần thiết yếu và quan trọng trong hoạt động quản lý rừng nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng đồng thời bảo vệ quyền con người.

Việc thực hiện các biện pháp giám sát có hệ thống và giảm thiểu ô nhiễm không khí do cháy rừng phải đi đôi với việc giảm thiểu các nguyên nhân gây cháy rừng và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Hơn thế nữa, các nhà lãnh đạo toàn cầu, bao gồm cả các nguyên thủ quốc gia của những nước đang trải qua những vụ cháy rừng tồi tệ nhất phải từng bước hạn chế sự nóng lên toàn cầu thông qua các hành động khẩn cấp vì khí hậu.