Trong Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam mới được Chính phủ thông qua, một trong những mục tiêu cụ thể của đề án là phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.
Đề án cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Trong các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đề án có việc nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường...
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ trên địa bàn cả nước, đặc biệt là vùng ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy...; tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động thu thuế bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương; bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; công nghệ tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu, vật liệu xây dựng, giao thông và sản phẩm nhựa khác; tăng cường đầu tư và phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa...
Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, rác thải nhựa là mối nguy hại đối với môi trường và con người, phải mất hàng trăm năm mới có thể tiêu hủy hết.
Khi xử lý rác thải nhựa bằng các phương pháp đốt hay chôn xuống đất như hiện nay, các vi nhựa sẽ lẫn vào nước, đất, không khí, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây ra hệ lụy đối với sức khỏe. Trong mùa dịch Covid-19, lượng rác thải tăng cao khiến việc xử lý hết các đợt rác thải nhựa trở nên khó khăn hơn.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Nguyễn Thượng Hiền, để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng, ngoài việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật, Bộ TN&MT đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nylon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; thường xuyên phát động các phong trào phòng, chống rác thải nhựa. |