Minh Lâm ·
1 năm trước
 4068

Phân loại rủi ro để gỡ khó dòng vốn cho doanh nghiệp

Một số quy định lạc hậu và chồng chéo trong điều kiện kinh doanh, chính sách thuế… khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Đây là phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội trong thời gian gần đây khi đề cập đến những vướng mắc khiến doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất kinh doanh. Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc điều hành Văn phòng ban IV cho biết: qua tổng hợp ý kiến của các Hiệp hội và doanh nghiệp trong quý 1 năm nay, những khó khăn tập trung vào một số nhóm vấn đề.

Đầu tiên, doanh nghiệp tiếp tục khẳng định khó khăn liên quan đến dòng tiền.

Gỗ là một trong những ngành "kêu" nhiều nhất về việc chậm trễ hoàn thuế VAT gây khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp (ảnh minh hoạ)

Thứ hai, khó khăn trong chính sách về thuế và thực thi liên quan đến thuế nhưng xuất phát điểm của khó khăn này liên quan đến dòng tiền. Đó là hàng nghìn tỷ tồn đọng ở khâu hoàn thuế VAT do quy trình kéo dài tại các doanh nghiệp ngành gỗ, cao su, phân bón. Doanh nghiệp ngành giấy và các ngành liên quan đến vật liệu xây dựng cũng đề cập khó khăn liên quan đến chính sách thuế vì quá trình thu mua nguyên liệu đầu vào chưa được hạch toán và chưa được thể hiện trên thuế VAT.

Liên quan đến việc chậm hoàn thuế VAT, trong thời gian qua, gỗ là một trong những ngành nghề mà doanh nghiệp “kêu” nhiều nhất. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 3 mặt hàng gỗ dán, dăm gỗ, viên nén đang khó khăn trong việc hoàn thuế VAT chiếm tỷ trọng gần 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã từng nhấn mạnh: không thể vì một vài doanh nghiệp làm sai mà hàng nghìn doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng với hàng nghìn tỷ đồng bị tồn đọng, ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệptrong thời điểm kinh doanh khó khăn như hiện nay.

Thứ ba, theo ban IV, doanh nghiệp phản ánh hiện có những quy định kỹ thuật, điều kiện kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực khác nhau còn lạc hậu. Những quy định đó có thể chưa theo sát diễn biến thực tiễn hoặc diễn biến chính sách, quy định của các thị trường xuất nhập khẩu chính của doanh nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn để dễ dàng tiếp cận vốn và thị trường là mong muốn của nhiều doanh nghiệp

Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân trong nước, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2023, những khó khăn trên cũng được doanh nghiệp nước ngoài phản ánh. Đó là một số tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi chính sách pháp luật tại một số nơi còn quá cứng nhắc và thiếu thống nhất khiến các doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn. Ngoài ra, một số luật và quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, đặc biệt là đối với một số nội dung mới như kinh tế số, môi trường. Đây là những lĩnh vực này cần khuôn khổ pháp lý linh hoạt hơn để các doanh nghiệp nước ngoài có thể phát triển mạnh mẽ.

Đại diện Văn phòng ban IV cho biết, doanh nghiệp đề xuất kiến nghị tập trung vào 3 nhóm vấn đề. Về những trợ lực liên quan đến dòng tiền, doanh nghiệp đánh giá cao sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng song cũng mong muốn trợ lực này cần thực hiện kịp thời, rút ngắn thời gian từ chủ trương đến thực thi chính sách.

Liên quan đến chính sách thuế, doanh nghiệp và hiệp hội kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ liên quan có chương trình rà soát với các doanh nghiệp để đánh giá và phân loại rủi ro. Trên cơ sở đó giải quyết vấn đề liên quan đến thuế cho các doanh nghiệp có lịch sử chấp hành thuế tốt, không để chìm vào trong bài toán nhiều nghìn tỷ không được kích hoạt.

Với những quy định kỹ thuật đã lạc hậu hoặc chưa tương thích với xu hướng mới, các doanh nghiệp và hiệp hội đề xuất, các bộ ngành đầu mối cần tổ chức đối thoại định kỳ với doanh nghiệp hoặc hiệp hội trên tinh thần chủ động để tháo gỡ kịp thời khó khăn.