Song Vũ ·
14 tuần trước
 8945

Phát hiện mới 489 điểm khoáng sản, đất hiếm "có triển vọng"

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã phát hiện mới 489 điểm khoáng sản các loại; xác định khu vực khoáng sản có triển vọng như đất hiếm ở Bảo Thắng (Lào Cai) và Lai Châu; vàng ở Tuyên Quang...

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010 cho thấy, về công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đến nay, đã hoàn thành 14 đề án lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền trên diện tích 42.550 km2 (nâng tổng diện tích đã lập đạt 73,19% diện tích đất liền).

Bên cạnh đó phát hiện, điều tra nhiều điểm mỏ khoáng sản, xác định tài nguyên nhiều khu vực có triển vọng, trong đó nhiều khu vực đã thăm dò và đang khai thác hiệu quả.

Hoàn thành điều tra địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:100.000 đến 1:500.000 trên diện tích hơn 244.000 km2 vùng biển độ sâu 0-100m nước; 24 đề án đánh giá khoáng sản. Nhiều khoáng sản quan trọng, chiến lược đã được điều tra, đánh giá (than nâu đồng bằng sông Hồng; bô-xit Tây Nguyên; titan từ Ninh Thuận đến bắc Bà Rịa - Vũng Tàu; vàng; kaolin - felspat; đá ốp lát.v.v. ...).

Kết quả điều tra, đánh giá đã đăng ký trên bản đồ 841 điểm khoáng sản, khoáng hóa. Trong đó phát hiện mới 489 điểm khoáng sản các loại như: quặng sắt ở Tân An (Yên Bái); graphit ở Bảo Thắng (Lào Cai); vàng ở Tân Uyên (Lai Châu), Phước Sơn (Quảng Nam); kaolin - felspat ở Bảo Thắng (Lào Cai), Tân Biên (Tây Ninh); quặng đồng ở Kon Rẫy (Kon Rá, Kon Tum).

Đáng chú ý công tác điều tra, đánh giá khoáng sản đã phát hiện và xác định tài nguyên các khu vực khoáng sản có triển vọng, gồm: đất hiếm ở Bảo Thắng (Lào Cai) và Lai Châu, vàng ở Yên Sơn (Tuyên Quang), đồng ở Bát Xát (Lào Cai), felspat ở Bắc Yên (Sơn La), đá cảnh ở Thanh Sơn (Phú Thọ), cát trắng ở ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đá ốp lát ở Gia Lai,…

 Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, công tác điều tra, đánh giá khoáng sản đã phát hiện và xác định tài nguyên các khu vực có triển vọng, gồm: đất hiếm ở Bảo Thắng (Lào Cai) và Lai Châu; vàng ở Yên Sơn (Tuyên Quang); đồng ở Bát Xát (Lào Cai); felspat ở Bắc Yên (Sơn La); đá cảnh ở Thanh Sơn (Phú Thọ); cát trắng ở ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; đá ốp lát ở Gia Lai, cát biển vùng biển Sóc Trăng....

Một số đề án đã điều tra, đánh giá đến độ sâu 500m như mỏ than Đồng bằng sông Hồng.

Đến nay gần 3.200 giấy phép thăm dò khoáng sản đã được cấp, từ đó góp phần gia tăng trữ lượng gần 40 loại khoáng sản như: đá vôi xi măng gần 1,8 tỷ tấn, than hơn 1,2 tỷ tấn, quặng bauxite gần 900 triệu tấn, đá vật liệu xây dựng thông thường gần 1 tỷ m3...

"Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, nhất là đối với than, vonfram - đa kim, xi măng... giảm tiêu hao điện, năng lượng, giảm tổn thất khoáng sản, sử dụng hiệu quả khoáng sản sau khai thác", Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin.

Ảnh minh họa.

Khai thác khoáng sản bền vững, hiệu quả

Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, xếp thứ 65 về tuổi địa chất, có 60/200 loại khoáng sản phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, một số loại khoáng sản quy mô trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới, có ý nghĩa chiến lược và là nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội.

So với các nước khu vực Đông Nam Á và thế giới, Việt Nam có diện tích đất liền không lớn, nhưng có vị trí địa chất, địa lý thuận lợi cho sự hình thành và phát triển khoáng sản; một số loại khoáng sản có trữ lượng đáng kể.

Trung bình mỗi năm, ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam cung cấp cho nền kinh tế khoảng 90 triệu tấn đá vôi ximăng, khoảng 70 triệu m3 đá vật liệu xây dựng thông thường, gần 100 triệu m3 cát xây dựng, cát san lấp, trên 45 triệu tấn than, trên 3 triệu tấn quặng sắt.

Trước đó, ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết này là hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia; hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất khác; hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á.