Minh Anh ·
43 tuần trước
 10099

Luật Địa chất và Khoáng sản được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội

Theo dự kiến kế hoạch xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với hồ sơ dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được Ban soạn thảo, Tổ biên tập thành lập theo Quyết định số 476/QĐ-BTNMT ngày 6/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng; được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương; các Hội nghề nghiệp, Hiệp hội khai thác khoáng sản; Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI); các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

Vào tháng 9/2023, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Kế hoạch số 1915 với nhiệm vụ tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này. Theo đó, Thường trực Ủy ban đã chỉ đạo Tiểu ban Môi trường và biến đổi khí hậu làm việc trực tiếp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu từ sớm từ xa nhằm phục vụ cho công tác tham mưu với Quốc hội.

Từ ngày 25-30/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Địa chất và khoáng sản để gửi Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định. Trong tháng 01/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình dự án Luật và dự kiến tháng 02/2024, Chính phủ sẽ họp, cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Luật Địa chất và Khoáng sản được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội (tháng 10/2024).

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, từ tháng 01-03/2024, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ khảo sát thực tế tại một số địa phương và cuối tháng 02 hoặc đầu tháng 03/2024, Thường trực Ủy ban sẽ tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Dự kiến, từ ngày 11-15/3/2024, Thường trực Ủy ban sẽ phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để cho ý kiến vào dự án Luật này.

Sau Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Khoảng cuối tháng 04 hoặc đầu tháng 05/2024 sẽ tổ chức Phiên họp toàn thể của Ủy ban để thẩm tra chính thức dự án Luật.

Cho đến nay, Tiểu ban đã tổng hợp 15 vấn đề liên quan đến việc thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị với lãnh đạo Quốc hội chỉ đạo Chính phủ chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Địa chất và khoáng sản; phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan hữu quan để đảm bảo tiến độ, chất lượng để gửi sớm cho Ủy ban thẩm tra.

Bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản

Sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản (được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011), đến nay Quốc hội đã ban hành 01 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản liên quan đến quy hoạch, 01 Nghị quyết liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Chính phủ ban hành 12 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Quyết định; các Bộ, ngành liên quan ban hành hơn 60 Thông tư.

Có thể nói, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện gồm một số vấn đề như:

Thứ nhất: Địa chất là ngành khoa học kỹ thuật tổng hợp, khoa học về trái đất, khi điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, không chỉ phát hiện khoáng sản mà còn điều tra, đánh giá toàn diện cấu trúc địa chất, điều kiện địa chất. Theo đó, đã làm rõ thông tin, dữ liệu địa chất như: di sản và công viên địa chất; các cấu trúc địa chất thuận lợi để lưu trữ nước, CO2, chôn lấp chất thải độc hại; về tai biến địa chất và cảnh báo thiên tai; địa chất công trình,... phục vụ các ngành: Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp, Du lịch,... quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản chưa quy định đầy đủ nội dung điều tra cơ bản địa chất như đã nêu trên; chưa quy định nội dung quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW đã nêu.

Thứ hai: Sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện gồm một số vấn đề như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công; Khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm khi khai thác khoáng sản chính; Vấn đề kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản theo từng giấy phép khai thác khoáng sản; Vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản; Vấn đề cải cách thủ tục hành chính như quy định thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, cát, sỏi lòng sông không còn phù hợp; Quy định về khu vực cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia không phù hợp với thực tiễn; Quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ nhằm bảo đảm khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, theo mô hình “kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”; Quy định thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản quy mô rất nhỏ (đá chẻ, đất sét) chưa hợp lý như phản ánh của cử tri và đại biểu Quốc hội, bảo đảm công khai, minh bạch...

Với những bất cập nêu trên, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Địa chất và Khoáng sản tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để lấy ý kiến Nhân dân.

Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng và được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn thiện dự thảo theo ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan cũng như người dân và doanh nghiệp. Dự án Luật gồm 132 Điều và được bố cục thành 13 Chương.

Trên cơ sở thực tiễn và cơ sở chính trị nêu trên, dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng với mục đích và quan điểm chỉ đạo như: Mục đích của việc xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản. Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản; rà soát quy định của các Nghị định hướng dẫn Luật (quản lý cát, sỏi lòng sông; khoáng sản ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...) có tính ổn định để “Luật hoá”. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các Luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản; các điều ước và cam kết quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7282529108473449