Thanh Tâm ·
1 năm trước
 8488

Phát triển điện gió và điện khí trong tiến trình thực hiện cam kết Net Zero

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới mà Việt Nam cần chú trọng quan tâm là phát triển mạnh điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Sáng 12/5, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3.

Phát triển mạnh điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước để thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà Việt Nam cần chú trọng quan tâm.

Với chủ đề: “Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam”, Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3 nhằm chia sẻ các cơ hội phát triển, các vấn đề nổi cộm, các thiết bị, công nghệ tiên tiến phù hợp, nêu bật giải pháp trong các lĩnh vực này.

Diễn đàn cũng tập trung vào các vấn đề giải quyết các vướng mắc, bất cập để tiếp tục phát triển điện khí và điện gió theo quy hoạch, là căn cứ khoa học để đề nghị các cấp thẩm quyền sớm ban hành các chính sách, pháp luật phù hợp, thực thi hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện các cam kết quốc tế về ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Phát triển mạnh điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và phát triển nhiệt điện khí, giảm phát thải khí nhà kính là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà Việt Nam cần chú trọng quan tâm.

Tại Diễn đàn này, các cơ quan quản lý Nhà nước về năng lượng sẽ trình bày các quan điểm với các nội dung như: Tổng quan tình hình thực hiện phát triển nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII; những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy định ảnh hưởng chậm tiến độ các dự án; kiến nghị chính sách phát triển các dự án NLTT và điện khí. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng - một số vướng mắc trong công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương khẳng định, để đảm bảo an ninh năng lượng đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải carbon, chiến lược và tầm nhìn của Việt Nam đối với việc đẩy mạnh phát triển điện khí, điện gió trong trung và dài hạn đã có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước. Theo đó, định hướng chú trọng phát triển năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng mới đi kịp với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới.

Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu thu hút thêm sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng và cung cấp dịch vụ năng lượng, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia và đảm bảo cân bằng và an toàn vận hành hệ thống thì cần thiết tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung chính sách cũng như cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành năng lượng cho phù hợp với tình hình mới.

Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng gia tăng, nguồn nhiên liệu hóa thạch cung cấp cho sản xuất điện trong nước ngày càng khan hiếm, an ninh năng lượng quốc gia là vấn đề cần được giải quyết với tầm nhìn dài hạn.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát. Đó là “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại”.

Ngoài ra, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh phát triển ưu tiên 06 ngành kinh tế biển, trong đó có “Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”, trong đó điện gió ven bờ và ngoài khơi.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.