Minh Anh ·
1 năm trước
 6916

Phát triển điện mặt trời mái nhà “tự dùng” có lợi như thế nào?

Phát triển năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà theo hướng tự dùng sẽ đem lại lợi ích cho các bên gồm doanh nghiệp, Nhà nước và người sử dụng loại điện năng này.

Hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng

Nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời tiến tới mục tiêu giảm phát thải ròng, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Việt Nam đã đưa ra lộ trình nhằm thực hiện hóa chiến lược qua những nhiệm vụ, định hướng cụ thể tại bản Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Việc ban hành Quy hoạch là cuộc cách mạng tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và giảm mức thấp nhất sử dụng điện từ nhiệt than và từ dầu khí.

Với xuất khẩu, phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải trong sản xuất không chỉ còn là xu hướng mà còn là điều kiện bắt buộc với các nước nhập khẩu. Theo các đại diện Hiệp hội doanh nghiệp thì những ngành dệt may, thủy sản, chế biến gỗ, da giày sẽ có lợi thế xuất khẩu rất lớn khi doanh nghiệp có dùng năng lượng tái tạo. Ngoài dệt may, sắp tới các mặt hàng xuất khẩu vào các thị trường lớn buộc phải chứng minh quy trình xanh hóa trong sản xuất để giành lợi cạnh tranh cho doanh nghiệp của mình.

Ảnh minh họa.

Kế hoạch phát triển năng lượng xanh từ điện mặt trời mái nhà đã được nêu rõ tại bản Quy hoạch điện VIII. Theo đó, Quy hoạch nhấn mạnh, Nhà nước khuyến khích các hộ tiêu dùng tự sản và tự tiêu với mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 50% các tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà. Trong đó loại hình năng lượng này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, do đó cần sớm có chính sách để phát triển. Đây là sẽ là nội dung quan trọng của ngành năng lượng trong thời gian tới nhằm thực hiện hóa mục tiêu giảm phát thải ròng.

Thực tế, việc phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian qua đã diễn ra ồ ạt. Tuy nhiên, việc đầu tư điện mặt trời mái nhà được triển khai là do nhà đầu tư có thể bán điện lên lưới điện quốc gia.

Tính đến cuối năm 2020, có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.296MWp.

Mặc dù vậy, cũng vào cuối năm 2020, Quyết định 13 về cơ chế ưu đãi giá cho phát triển điện mặt trời hết hiệu lực. Từ đó, số phận của các dự án điện mặt trời mái nhà cũng phải “treo cờ” chờ cơ chế.

Vừa qua, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, đặt mục tiêu không giới hạn công suất cho nguồn điện này với mục đích tự sản, tự tiêu.

Theo Quy hoạch, mục tiêu đặt ra là ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW.

Với mục đích tự sản tự tiêu, việc sản xuất điện mặt trời mái nhà sẽ rất khác so với trước đây, khi mà các công trình được lắp đặt chủ yếu để bán điện và thu tiền với nhiều ưu đãi.

Vậy nguyên lý và quy định sử dụng nguồn điện tự sản, tự tiêu hay còn gọi là điện tự dùng được hiểu như thế nào?

Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu là hình thức sử dụng năng lượng tái tạo từ ánh sáng mặt trời để phát điện và tiêu thụ trực tiếp tại nơi sản xuất.

Đây là một giải pháp hiệu quả và bền vững cho các hộ gia đình và doanh nghiệp lớn trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng cao và giá điện xu hướng cần phải tăng.

Lợi ích đầu tiên là chính làm mát và bảo vệ hạ tầng mái nhà. Các tấm pin mặt trời sau khi lắp đặt trên mái nhà sẽ trở thành một "lá chắn" che nắng, che mưa cho mái, giúp mái bền bỉ hơn qua thời gian.

Ngoài ra, nó còn giống như hệ thống "điều hòa" giảm được nhiệt độ trong không gian dưới mái, từ đó giảm được chi phí làm mát bên trong đặc biệt là các trang trại chăn nuôi gia cầm. Bằng việc tự sinh ra nguồn điện riêng cho trang trại từ các tấm pin mặt trời, giúp giảm được chi phí mua điện từ lưới điện quốc gia.

Điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng sạch, tái tạo và không gây ra khí thải nhà kính hay ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng điện mặt trời mái nhà góp phần giảm thiểu lượng than và dầu khí cần thiết để phát điện truyền thống, từ đó giảm được lượng carbon dioxide và các khí nhà kính khác thải ra không khí. Đây là một hành động thiết thực để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng của Việt Nam theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng độc lập, không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia hay các nguồn nhập khẩu. Việc sử dụng điện mặt trời mái nhà giúp tăng tính chủ động, giảm rủi ro và phụ thuộc.

Theo chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến, mô hình điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có lợi cho cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Hiện giá điện bình quân sau khi tăng thêm 3% là 1.920 đồng/kWh, trong khi giá bình quân khu vực sản xuất công nghiệp khoảng 1.800/kWh. Tỷ trọng khu vực dân cư 35%, sản xuất 55%.

“Như vậy khu vực dân cư đang gánh giá điện cho điện sản xuất. Nếu các doanh nghiệp tự lo được một phần năng lượng nhờ lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ giúp họ chủ động và tiết kiệm chi phí sử dụng điện. Người dân không phải gánh bù chéo cho giá điện sản xuất”, vị chuyên gia nói.

Theo chuyên gia này, lợi kép của doanh nghiệp là họ còn có được chứng chỉ xanh từ mô hình này - điều kiện tiên quyết cho xuất khẩu trong tương lai.

Do đó, theo ông Tiến, cơ quan quản lý nên sớm có định hướng và tạo một hành lang pháp lý để người sử dụng điện được quyền tiếp cận phát triển và sử dụng điện năng lượng tái tạo.

Tiếp tục hoàn thiện quy định

Tại quy hoạch điện VIII vừa ban hành, ĐMTMN là loại hình năng lượng khuyến khích đầu tư. Quy hoạch này nêu rõ: Đối với việc phát triển điện mặt trời, sẽ ưu tiên phát triển ĐMTMN không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc,…

Như đợt vừa qua, các nhà đầu tư điện mặt trời ở phía Nam đã đồng loạt kêu cứu, do nhiều công ty điện lực địa phương đã không thanh toán tiền điện cho họ do chưa đủ hồ sơ hậu kiểm.

Các nhà đầu tư cho biết, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) ngừng thanh toán từ ngày 1/4/2023 và sau ngày 30/6/2023 nếu “các tài liệu còn thiếu” không được bổ sung đúng thời hạn thì họ sẽ bị tạm ngưng các hợp đồng mua bán điện. Tình trạng này cũng đã diễn ra từ năm 2021 ở một số địa phương khác.

Theo các nhà đầu tư, trong năm qua, các vấn đề pháp lý liên quan đến hồ sơ phòng cháy chữa cháy, hồ sơ xây dựng và bảo vệ môi trường là thách thức rất lớn đối với họ.

Về hồ sơ phòng cháy chữa cháy, không có sự đồng nhất giữa các tỉnh về yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến việc giải quyết bị kéo dài. Còn về hồ sơ xây dựng, khung pháp lý chưa rõ ràng, mỗi tỉnh lại có cách tiếp cận khác biệt, dẫn đến hồ sơ bị đình trệ.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, với những dự án đã nối lưới rồi thì bắt buộc phải có hồ sơ xây dựng, hồ sơ phòng cháy chữa cháy theo quy định. Còn trường hợp muốn lắp tự dùng, không phát điện lên lưới thì chỉ cần không lắp hệ thống phát ngược lên lưới.

Liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng cho biết, Quy định điện VIII đã xác định rõ "ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW".

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương lập kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó xác định quy mô công suất cho điện mặt trời mái nhà ở các tỉnh, thành, trên cơ sở Kế hoạch này sẽ đưa ra các quy định, hướng dẫn về phát triển điện mặt trời mái nhà.

Hiện nay, các đơn vị chức năng thuộc Bộ đang tích cực trao đổi, thảo luận để đề xuất được những định hướng thích hợp, những cơ chế khuyến khích đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng theo đúng nhiệm vụ đề ra trong Quy hoạch. Dù vậy, để đảm bảo chủ động kiểm soát về quy mô công suất, Quy hoạch điện VIII không quy định rõ tổng công suất của loại hình nguồn điện này.

Hiện nay, các quy định về giấy phép hoạt động điện lực cũng như các quy định đấu nối đã có đầy đủ, sau khi Chính phủ phê duyệt, ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII sẽ có cơ sở để xây dựng các hướng dẫn, cơ chế triển khai từng bước theo đúng quy định của pháp luật.

Tạ Nhị