Hà Lan ·
2 năm trước
 403

Phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đi tất yếu

Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, BĐKH diễn biến khốc liệt, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang từng bước chuyển dịch mô hình sang "kinh tế tuần hoàn" với mục tiêu phát triển bền vững.

Kinh tế tuần hoàn (circular economy) được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.

Ellen MacArthur Foundation mô tả nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế.

Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong phạm vi này, là các mô hình kinh doanh.

Nói một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại của một doanh nghiệp.

Yêu cầu thiết yếu đối với mọi quốc gia

Theo các chuyên gia, thế giới hiện chỉ mới đưa được 8,6% sản lượng sản xuất vào vòng tuần hoàn, trong khi đó năm 2019 con số này là 9,1%. Nếu thiếu đi sự giám sát chặt chẽ đối với lộ trình này, lượng tài nguyên tiêu thụ vào năm 2060 sẽ gấp đôi năm 2015.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế thẳng sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đi tất yếu - Ảnh 1

Tại châu Á, Trung Quốc đã thông qua Chương trình chính sách kinh tế tuần hoàn (2017).

Tại châu Âu, các chiến lược như Kế hoạch hành động Tuần hoàn 2015 của Liên minh châu Âu (EU) và Chiến lược nhựa 2018 cũng đã được triển khai. Phần Lan, Pháp, Slovenia, Đức và Italy đã công bố các chiến lược và lộ trình để đạt được mục tiêu.

Hợp tác liên lục địa cũng áp dụng nền kinh tế tuần hoàn với hơn 200 doanh nghiệp cam kết với nền kinh tế tuần hoàn về nhựa (2019). Trung Quốc và EU cũng đã ký một Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác Kinh tế Tuần hoàn, năm 2018.

Các Hiệp định, Thỏa thuận toàn cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đề ra nhiều quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, xây dựng kinh tế tuần hoàn cũng đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Theo Bộ Tài nguyên Môi trường, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Theo đó, ngay từ những năm đầu của giai đoạn 2021-2030, cần tập trung triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nhằm tận dụng những cơ hội hợp tác trong tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững đất nước. Trong đó, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Trước mắt, cần xem phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; Phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm...

Thứ hai, phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị, quán triệt các cấp ủy Đảng, chính quyền; Tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội về yêu cầu thực tiễn, vai trò, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm.

Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chiến lược, chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phù hợp với chủ trương của Đảng, xu thế mới, những quy định, tiêu chuẩn đã và đang hình thành trong khu vực và trên quy mô toàn cầu.

Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm động lực để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ năm, phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; Khuyến khích, huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn. Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII trình Đại hội đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh mới hiện nay, đây sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam tận dụng thành công các cơ hội và chuyển hóa những thách thức nhằm phát triển mạnh mẽ nền kinh tế tuần hoàn, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Cần thay đổi hướng đi mới cho nền kinh tế

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm,BĐKHdiễn biến khốc liệt, phát triển kinh tế không thể đơn thuần mà phải gắn với bảo vệ môi trường, để cho cuộc sống của mỗi người dân được tốt lên. Phải phấn đấu làm sao để "kinh tế xanh" thay cho "kinh tế nâu" đây cũng chính là thông điệp mà Chính phủ đang hướng tới.

Phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đi tất yếu - Ảnh 2
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Việt Nam cũng đang có rất nhiều nỗ lực để phát triển bền vững một cách hài hòa giữa kinh tế và môi trường. Lấy ví dụ đơn giản, kinh tế tuần hoàn là việc chất thải của nhà máy này lại là nguyên liệu của nhà máy khác... Kinh tế tuần hoàn là sử dụng một cách hiệu quả, dần tiến tới không phát sinh chất thải. Cơ chế chính sách đều hướng tới phát triển bền vững.

"Sự phát triển bền vững hình thành dựa trên nền kinh tế xanh. Trong đó, kinh tế xanh có nhiều định nghĩa khác nhau, tuy nhiên cùng chung mục tiêu hướng đến một nền kinh tế không có chất thải. Để hướng đến kinh tế xanh, các nước đi một bước trung gian là kinh tế tuần hoàn. Và đương nhiên, kinh tế tuần hoàn lấy càng ít nguyên nhiên vật liệu từ tài nguyên càng ít càng tốt, quay vòng quy trình sản xuất và tiêu dùng, quay lại quy trình sản xuất càng nhiều càng tốt. Đó được hiểu là nền kinh tế tuần hoàn" - PGS.TS Trương Mạnh Tiến lý giải.

Nguồn