Hải Anh ·
2 năm trước
 1996

Phú Yên: 3,1ha rừng tự nhiên bị đốn hạ từ tháng tháng 7/2021, vẫn chưa tìm ra lâm tặc?

Trách nhiệm bảo vệ rừng và tìm ra ai là kẻ chủ mưu đứng sau việc phá rừng với quy mô lớn tại rừng Suối Quanh thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, tuy nhiên đến nay lực lượng này vẫn chưa xác định được chính xác ai là người đã phá rừng...

Trong những tháng gần đây, rừng tự nhiên Phú Yên đang bị tàn phá nghiêm trọng. Cụ thể, tại nhiều khu vực đồi núi thuộc rừng Suối Quanh (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, Phú Yên), nơi các loại cây lớn phân bổ tương đối dày, lâm tặc đã cưa chặt lấy gỗ, đốt dọn lấy đất trồng keo.

Đứng từ xa có thể thấy giữa những mảng xanh của sườn núi là những khoảng lớn màu nâu sậm nham nhở.

phá rừng phú yên

Lâm tặc đã cưa chặt lấy gỗ, đốt dọn lấy đất trồng keo

Hiện trường cây rừng tự nhiên ở đây (từ nhóm 4 đến nhóm 6), chủ yếu là bằng lăng, mìn lin, muồng đen, cốc hương, bút, đường kính lớn có cây cả người ôm không hết. Có gốc đã bị đốt cháy đen, có gốc còn hằn vết dấu cưa máy mới. 

Dưới chân những cây rừng lớn bị đốn hạ ấy mọc lên những cây keo xanh, theo người dẫn đường thì được trồng trong khoảng 7-10 ngày.

"Theo ước lượng có đám họ phá lên gần 2ha, có đám hơn 1 ha. Khu này có đến 6 - 7 đám như thế này. Biết làm sao, bà con thấy xót lắm, vì rừng bị tàn phá quá nhiều nhưng chính quyền địa phương hay ngành chức năng nào xử lý, ngăn chặn cả" - Một người dân xã Sơn Hội huyện Sơn Hòa cho biết. 

phá rừng phú yên

Khu vực rừng tự nhiên bị tàn phá ở khu vực Suối Quanh được giao cho hộ dân quản lý theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ

Có thể thấy chiêu thức phá rừng rất tinh vi. Lâm tặc đã không phá cùng lúc một diện tích quá lớn mà sẽ phá rừng từng khoảnh một. Bởi giữa hai khu rừng vừa bị tàn phá vẫn còn có những khoảnh rừng tự nhiên đang vươn cao xanh tốt chưa bị đốn hạ. Rừng bị chặt phá dần từ ngoài vào trong từ hai phía, sau đó chặt hạ nốt phần còn chừa lại để thông diện tích thành một đám rừng trồng lớn vài ha.

"Họ "ăn" rừng tự nhiên từng khoảnh vậy. Cứ phát dọn chỗ này một khoảnh, rồi chỗ kia một khoảnh. Keo trồng lên xanh thì họ tiếp tục phá rừng tự nhiên ở khoảnh tiếp giáp. Cứ như vậy sau một thời gian, rừng tự nhiên hoàn toàn biến mất" - người dẫn đường giải thích.

Theo Nhân Dân ghi nhận, ông Trần Ngọc Tây, chủ tịch UBND xã Sơn Hội cho biết khu vực rừng tự nhiên bị tàn phá ở khu vực Suối Quanh được giao cho hộ dân quản lý theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc phá rừng này diễn ra từ tháng 7/2021 đến nay. Lâm tặc thường lợi dụng ban đêm để lên núi phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng keo. Anh em địa phương với kiểm lâm cũng phục liên tục, nhưng lâm tặc cử người cảnh giới, rất khó bắt quả tang. Bởi lẽ đó, số diện tích rừng tự nhiên biến mất ngày càng nhiều. 

Thêm vào đó, rừng được giao theo Nghị định 163 từ nhiều năm trước, mỗi hộ quản lý bảo vệ khoảng 20-30ha, nhưng lại không có mốc tọa độ rõ ràng. Giờ thấy rừng bị phá đó nhưng không biết của ông nào, tìm chính xác chủ rừng là điều không đơn giản. Bởi vậy, lực lượng chức năng mặc dù đã ghi nhận tại rừng Suối Quanh có 6 khoảnh rừng tự nhiên bị tàn phá với tổng diện tích đo đạc ban đầu 3,1ha. Tuy nhiên đến nay mới chỉ xác định được chủ của 1 khoảnh. 

Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, ông Trần Ngọc Tây cho rằng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, trong khi lực lượng của xã mỏng, tập trung lo chống dịch, người dân không có việc làm nên vào rừng phá rừng…

phá rừng phú yên

Cây rừng bị hạ la liệt

Trước đó, sự việc phá rừng phòng hộ ở thôn Tân Thành với quy mô lớn đã được báo chí phản ánh. Sau đó, lực lượng kiểm lâm đã lập nhiều tổ công tác kiểm tra, rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị dân phá, lấn chiếm ở các xã Sơn Hội, Sơn Phước, Sơn Xuân và Sơn Định (huyện Sơn Hòa). 

Trách nhiệm bảo vệ rừng và tìm ra ai là kẻ chủ mưu đứng sau hành vi phá rừng với quy mô lớn này thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa xác định được chính xác ai là người đã phá rừng, và chủ rừng là ai hiện cũng chưa xác định chi tiết.

Cần biết rằng không chỉ ở Phú Yên, mà diện tích rừng tự nhiên đang ngày càng bị thu hẹp do nạn khai thác bừa bãi tại các khu rừng trên cả nước. Có cần thiết hay không việc xem lại trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm trong việc để mất rừng? 

Tuy nhiên, trước mắt cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra bảo vệ rừng, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa người dân địa phương và chủ rừng cùng cơ quan chức năng để mau chóng điều tra, tìm ra những đối tượng phá rừng tự nhiên vì lợi ích cá nhân để ngăn chặn tái diễn hành vi phá rừng và xử lý theo quy định của pháp luật.