Theo UBND tỉnh, phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân.
Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp nhằm cải thiện thứ bậc của địa phương về nhà ở.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 19.668 căn nhà ở xã hội (giai đoạn 2021-2025: 11.876 căn; giai đoạn 2026-2030: 7.792 căn). Trong đó, Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp 18.419 căn (giai đoạn 2021-2025: 11.238 căn; giai đoạn 2026-2030: 7.180 căn) và Nhà ở xã hội cho công nhân là 1.250 căn (giai đoạn 2021-2025: 638 căn; giai đoạn 2026-2030: 612 căn).
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới nhằm đáp ứng mục tiêu của Đề án trong giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện thị xã, thành phố phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở công nhân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm; trong đó cấp ủy, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở công nhân.
Các địa phương phải đảm bảo quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương từng thời kỳ; xem chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương.
Xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của địa phương để phát triển hạ tầng cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công. Nghiên cứu việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển của địa phương để phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, phân cấp, phân quyền, rà soát các thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở xã hội để kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội…
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh, các sở, ban ngành và UBND các huyện thị xã thành phố tháo gỡ các vướng mắc, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan theo dõi việc triển khai thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2021 - 2030) nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc hoặc cần điều chỉnh, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung cho phù hợp với tình hình thực tiễn; các sở, ngành, địa phương có liên quan kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Xây dựng) để tổng hợp, xem xét, chỉ đạo.