Bích Ngọc ·
27 tuần trước
 8749

PVI: Lợi nhuận vượt 113% chỉ tiêu và những “ồn ào” lương thưởng trong quá khứ

CTCP PVI (HNX: PVI) trong 9 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 898,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt 113% so với mức 793 tỷ đồng kế hoạch lợi nhuận mà công ty đặt ra năm 2023.

Báo cáo tài chính quý 3 mới công bố cho thấy, PVI ghi nhận doanh thu thuần 1.773 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 12%.

Công ty này vẫn có sự tăng trưởng tốt tại mảng kinh doanh tài chính, với mức tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ (đạt 346,3 tỷ đồng). Theo giải trình từ phía công ty, đây cũng là nguyên nhân giúp lợi nhuận sau thuế quý 3/2023 của PVI tăng trên 10% so với cùng kỳ (đạt mức 303,8 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp này ghi nhận 5.022,5 tỷ đồng (tăng nhẹ 8,1% so với cùng kỳ). Giá vốn hàng bán tăng 377,3 tỷ đồng (tương đương 9,8% lên 4.226,9 tỷ đồng). Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh gần 51% (lên 1.006,7 tỷ đồng).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Sau khi cân đối, PVI ghi nhận lợi nhuận sau thuế đến hết quý 3/2023 đạt 898,3 tỷ đồng (tăng 27,7% so với năm ngoái).

Năm nay, PVI đặt kế hoạch thu về 13.554 tỷ đồng doanh thu và 793 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm lần lượt giảm 5,64% và 9,16% so với năm trước).

Có thể thấy, sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 37,1% kế hoạch doanh thu và vượt 113,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của PVI là 28.410,4 tỷ đồng (tăng 8,8% so với con số đầu kỳ). Cấu phần tài sản chính là tài sản ngắn hạn đạt 22.201,2 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là phải thu ngắn hạn 12.146,2 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn 8.421,9 tỷ đồng,...

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của PVI tăng 11,7% (lên 20.406,7 tỷ đồng), trong đó nợ ngắn hạn chiếm 99,3% (đạt 20.255,7 tỷ đồng), gồm khoản dự phòng phải trả ngắn hạn đạt 14.390,9 tỷ đồng, khoản phải trả người bán ngắn hạn 3.281,2 tỷ đồng,...

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm PVI đã tích cực triển khai ký kết hợp tác với nhiều đối tác lớn. 

Những lùm xùm về lương thưởng trong quá khứ

Trước đó, vào năm 2019, Bảo hiểm PVI đã thực hiện trích và chi quỹ lương bổ sung hoàn thành vượt mức kế hoạch là 68,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ được phân bổ cho 60 nhân sự là cán bộ quản lý và không có người lao động nào được thưởng từ việc Công ty hoàn thành vượt kế hoạch.

Theo đó, đối tượng được thưởng gồm: tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, hàm phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, các trưởng ban, chánh văn phòng, các trưởng văn phòng đại diện chăm sóc khách hàng, giám đốc Bảo hiểm PVI phía Nam và giám đốc các công ty bảo hiểm thành viên.

Trong đó, riêng Tổng giám đốc lúc đó được nhận 20%, tương ứng với 11 tỷ đồng còn các phó tổng giám đốc được thưởng từ 2 - 2,6 tỷ đồng…

Được biết, phần tiền thưởng cho mỗi cá nhân được chia làm hai phần, trong đó một nửa được trả trực tiếp vào tài khoản cá nhân (trong tháng 2/2020), nửa còn lại được trả (vào tháng 3/2020) thông qua sổ tiết kiệm được mở với kỳ hạn 24 tháng kể từ ngày mở sổ. 

Số tiền chỉ được giải ngân khi các cá nhân đáp ứng được nhiều điều kiện. Từ tháng 3/2020 đến thời điểm giải phong tỏa, cán bộ không bị Hội đồng kỷ luật cho thôi giữ chức vụ, điều chuyển giữ chức vụ khác (thấp hơn chức vụ hiện giữ/tương đương) trong toàn hệ thống Bảo hiểm PVI.

Bên cạnh đó, điều gây ồn ào không những ở số tiền chi thưởng, mà còn ở cả quy trình chi thưởng. Vào ngày 24/2/2020, Tổng giám đốc Công ty đã ban hành Quyết định về việc khen thưởng hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận điều chỉnh năm 2019.

Ngày 20/3/2020, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI đã ký Quyết định số 222/QĐ-PVIBH về việc ban hành Phụ lục bổ sung Quy chế trả lương, thưởng của Bảo hiểm PVI để thực hiện việc trích và phân phối quỹ lương bổ sung do hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận được giao năm 2019.

Tuy nhiên, đến ngày 23/4/2020, công ty mẹ - Hội đồng quản trị PVI mới ban hành Nghị quyết về việc bổ sung Phụ lục quy chế trả lương thưởng của Bảo hiểm PVI. Cụ thể, chấp thuận đề xuất của Bảo hiểm PVI bổ sung Phụ lục Quy chế trả lương thưởng của Bảo hiểm PVI, Hội đồng thành viên Bảo hiểm PVI được quyết định cách thức phân phối…

Một vài ý kiến cho rằng, quy trình thực hiện việc chi thưởng này đã không tuân thủ theo Điều 10 và Điều 13, Điều lệ Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Chủ sở hữu – PVI quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của Công ty).

Điều 11, Điều lệ Tổng công ty Bảo hiểm PVI quy định: “Hội đồng thành viên quyết định khen thưởng, mức lương và các lợi ích khác đối với chức danh Tổng giám đốc sau khi có chấp thuận của PVI; quyết định khen thưởng, mức lương và các lợi ích khác đối với các chức danh Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng ban, Giám đốc/Phụ trách các đơn vị trực thuộc theo đề nghị của Tổng giám đốc Công ty; phê duyệt phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ sau khi được PVI chấp thuận”.

Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI Phạm Anh Đức khi đó cho biết, các chính sách khen thưởng đều đúng quy định nội bộ.

Còn trả lời cho câu hỏi tại sao người lao động không nằm trong đối tượng xét thưởng, ông Đức cho hay, đây là quan điểm của doanh nghiệp. Thu nhập của người lao động tại Bảo hiểm PVI năm 2019 cũng đã tăng khoảng 20%.

Mập mờ trong thương vụ HDI-PVI trong quá khứ

Trước đó, nhìn vào kết quả xác minh của cơ quan chức năng Việt Nam cho thấy, HDI đã sử dụng phương thức mua trái phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Đường Mặt Trời (Sunway) rồi nhận thế chấp là cổ phiếu PVI của Sunway.

Tính tới cuối năm 2019, HDI Global SE là doanh nghiệp Đức (gọi tắt là HDI), cổ đông sở hữu 42,34% vốn điều lệ của PVI.

Theo những cam kết tại hợp đồng đăng ký mua trái phiếu với Sunway cho thấy sự che giấu bản chất HDI là chủ sở hữu thực sự với cổ phiếu PVI mà Sunway đang nắm giữ, hơn nữa những cam kết cũng đảm bảo rằng, giao dịch giữa HDI và Sunway không được tiết lộ cho bên thứ ba.

Trong nội dung hợp đồng đăng ký mua trái phiếu thể hiện rõ số tiền thu được từ giao dịch đăng ký mua trái phiếu với mục đích duy nhất là mua cổ phần PVI.

Theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng Việt Nam, HDI đã thực hiện các giao dịch nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự đối với cổ phiếu PVI với mục đích trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin, vi phạm quy định tại Điều 70, Nghị định 58/2012/NĐ-CP.

Khi đó, UBCK đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với HDI. Theo quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, HDI đã bị phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định tại khoản 2, Điều 28, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP vì có hành vi thực hiện một hoặc một số giao dịch nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự đối với một công ty để trốn tránh nghĩa vụ công bố công tin.

Ngoài ra, HDI còn buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: chuyển nhượng cổ phiếu PVI (trong thời hạn tối đa 60 ngày) để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7001599483233081/?