Ngọc Sang ·
1 năm trước
 2665

Quảng Ngãi: Nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước sạch nông thôn

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn địa bàn tỉnh đang hoạt động kém bền vững, đòi hỏi ngành chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các công trình trên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn địa bàn tỉnh đang hoạt động kém bền vững, đòi hỏi ngành chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các công trình trên trong cải thiện môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo kết quả rà soát, đánh giá, toàn tỉnh hiện có 513 công trình cấp nước nông thôn tập trung, trong đó chỉ có 27 công trình hoạt động bền vững (chiếm tỷ lệ 5,26%) và 9 công trình hoạt động tương đối bền vững (1,75%), có đến 344 công trình hoạt động kém bền vững, 133 công trình không hoạt động.

Nguyên nhân dẫn đến các công trình hoạt động kém bền vững hoặc không hoạt động là do công tác quản lý, đầu tư xây dựng còn nhiều thiếu sót. Công trình sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư không kiểm tra, đánh giá các thông số đạt được so với thiết kế; không có quy trình quản lý, vận hành; không có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành.

UBND xã quản lý, sử dụng và khai thác công trình không có cán bộ chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm; công tác duy tu, bảo dưỡng gần như không thực hiện. Công trình sau khi đi vào sử dụng có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước đạt thấp, không phát huy hiệu quả đầu tư, tỷ lệ thất thoát nước lớn; nguồn thu không đủ kinh phí để chi trả công cho người quản lý, vận hành công trình.

Nhiều công trình nước sạch nông thôn tại các địa phương đang hoạt động kém bền vững.

Do nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt ngày càng bị suy thoái và khô cạn vào mùa khô nên các công trình thường xuyên bị thiếu nước, chất lượng nước sau xử lý không bảo đảm; bão lũ hàng năm làm hư hỏng một số hạng mục công trình và đường ống cấp nước nhưng Ủy ban nhân dân xã và huyện chưa có bố trí kinh phí kịp thời để sửa chữa dẫn đến hư hỏng lớn làm cho công trình ngừng hoạt động.

Một số địa phương, nhất là các huyện miền núi theo mô hình cộng đồng quản lý còn trông chờ vào Nhà nước, chưa chủ động, quan tâm nhiều đến công tác quản lý vận hành sau đầu tư nên hiệu quả hoạt động và tính bền vững của công trình chưa cao…

Từ đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn các huyện miền núi và khu vực khó khăn về nguồn nước.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, xây dựng đề án sửa chữa, nâng cấp các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn bị hư hỏng, xuống cấp; chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện sửa chữa, khắc phục các công trình hoạt động kém hiệu quả nhằm bảo đảm mục tiêu cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn cho người dân theo chiến lược mà tỉnh đã ban hành.

Việc nâng cấp các nhà máy, công trình cấp nước sạch nông thôn cần được chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước sạch cho người dân

Để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2025, đảm bảo 100% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 75% người dân được sử dụng nước sạch, Sở NN&PTNT đã kiến nghị trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các mô hình mẫu về cấp nước an toàn đối với các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị chính quyền các địa phương có giải pháp trả khoản đóng góp cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh để đảm bảo duy trì và thực hiện hoạt động quản lý, duy tu bảo dưỡng các công trình cấp nước sạch nông thôn đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Kết quả đánh giá Bộ chỉ số nước sạch năm 2021 cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 95%. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung đạt gần 16%, từ công trình cấp nước nhỏ lẻ gần 80%.

Bên cạnh đó, Trung tâm Nước sạch&Vệ sinh Môi trường nông thôn tỉnh cũng cần cần tham mưu với các cấp tiếp tục đầu tư, nâng cấp, sửa chữa và xây mới công trình nước sạch cho các xã có nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn để người dân được sử dụng nước sạch.