Thanh Tâm ·
1 năm trước
 2520

Quảng Ngãi xây dựng và thực hiện hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH

Thời gian qua, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng đối với công tác này.

Hiệu quả từ các mô hình nông dân bảo vệ môi trường

Hội Nông dân huyện Bình Sơn là đơn vị tiên phong trong triển khai xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Toàn huyện hiện có 97 mô hình đang hoạt động hiệu quả. Đơn cử như mô hình “Bảo vệ môi trường” ở Chi hội An Cường, xã Bình Hải. Trước đây, người dân có thói quen vứt rác tại các khu vực đường vắng vẻ, lâu dần nhiều đoạn đường trở thành bãi rác gây ô nhiễm môi trường. Chi hội Nông dân thôn An Cường đã phân công hội viên thường xuyên theo dõi để nhắc nhở người dân tập kết rác đúng nơi quy định và được UBND xã hỗ trợ kinh phí lắp đặt camera tại các đoạn đường này. Đến nay, các đoạn đường đầy rác thải trước đây đã không còn. Thay vào đó là những đoạn đường trồng đầy hoa, sạch sẽ và thoáng đãng hơn trước.

Nông dân Quảng Ngãi tích cực thu gom, xử lý rác thải trên đồng ruộng, bảo vệ môi trường. (Ảnh: Internet)

 

Hay như mô hình thu gom rác thải trên cánh đồng của nông dân các xã Đức Phong, Đức Hiệp (huyện Mộ Đức) cũng đã được nông dân đồng tình hưởng ứng và được các cấp chính quyền ghi nhận và tuyên dương trong nhiều năm qua. Bằng việc vận động hội viên nông dân đóng góp tiền mua hố bi xi măng đặt trên khắp các cánh đồng để làm nơi tập kết bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đến cuối tháng sẽ được các chi hội trưởng Hội Nông dân của thôn đến thu gom và vận chuyển về nơi xử lý rác của xã để tiêu thụ (đốt và phân hủy).

Nhờ đó mà tình trạng vứt rác, vỏ bao bì thuốc thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi xuống kênh, mương như trước đây không còn nữa mà thay vào đó là dòng nước trong xanh mát để tưới cho cánh đồng màu mỡ…

Còn ở các xã vùng cao của huyện miền núi Sơn Hà, như: Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Thủy và Sơn Thành đều có mô hình tổ vệ sinh – bảo vệ môi trường do Hội Nông dân xã thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018. Với hình thức tập hợp hội viên nông dân tham gia vào thành viên của tổ để định kỳ hàng tháng phát động ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh, tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh tạo nên các đoạn đường xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Từ hiệu quả của các mô hình trên đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của cán bộ, hội viên và toàn thể nhân dân trong tỉnh.

Đặc biệt trong năm 2022, hưởng ứng tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, ngày môi trường thế giới 5/6, các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi thu hút hàng chục nghìn cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh tham gia. Các cơ sở hội duy trì, phát triển các câu lạc bộ nông dân tự quản về bảo vệ môi trường, tổ thu gom xử lý rác thải.

Đặc biệt đối với các xã ven biển ở Quảng Ngãi, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt để góp phần giải quyết bài toán về "ùn ứ rác thải sinh hoạt của người dân ven biển" để đem lại cảnh quan xanh, sạch và văn minh ở các bãi biển.

Cần nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Hội Nông dân các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cơ sở hội ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hộ gia đình tự phân loại rác thải sinh hoạt ra thành từng loại và tổ chức xử lý bằng cách chôn lấp, đốt hoặc ủ phân hữu cơ. Còn rác thải rắn thì tập trung đến một địa điểm để xe thu gom rác đến gom đi.

Đặc biệt hơn đã có nhiều dự án cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường được hình thành ở khắp các xã ven biển, nhằm kêu gọi toàn thể nhân dân phải có trách nhiệm của mình đối với môi trường bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, như: dự án tử tế với Sa Cần ở bãi biển Sa Cần thuộc xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn) đã được phát động từ năm 2019 và được duy trì hiệu quả đến nay.

Với hình thức vận động qua mạng xã hội để kêu các đơn vị, cá nhân – những mạnh thường quân là con em, đồng hương ở khắp các nơi đóng góp hơn 200 triệu đồng để tạo nguồn kinh phí hoạt động của dự án như: mua sắm thùng đựng rác, hỗ trợ phương tiện vận chuyển, thu gom rác thải, cấp phát dụng cụ cho nhân dân tham gia dọn rác ở bãi biển,…

Từ dự án này đã tạo sự lan tỏa ra khắp các địa phương trong tỉnh. Vì vậy mà nhiều mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường biển được hình thành và đi vào hoạt động hiểu quả như: mô hình tử tế với Mỹ Khê, tử tế với Sa Kỳ do Hội Nông dân TP.Quảng Ngãi phát động từ tháng 5/2022, cứ định kỳ thứ 7 và chủ nhật hàng tuần hội viên nông dân, phụ nữ và đoàn thanh niên ra quân dọn rác ở các bãi ven biển Sa Kỳ và Mỹ Khê để tạo cảnh quan xanh, sạch, văn minh nhằm thu hút khách tham quan du lịch đến đây ngày một đông hơn.

Kết quả, đã kêu gọi và huy động hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và hội viên, đoàn viên của tổ chức hội trên địa bàn toàn thành phố tham gia dọn vệ sinh, thu gom hơn 19 tấn rác thải tại khu vực ven sông Bài Ca, xã Tịnh Kỳ được đưa về nơi xử lý rác thải nhựa và làm sạch môi trường.

Ông Trần Ngọc Vinh - Phó Chủ tịch Phụ trách Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Để tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả hơn nữa đối với công tác bảo vệ môi trường, trong gian tới, Hội Nông dân sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao nhận thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tài nguyên môi trường.

Cần có những giải pháp cụ thể trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, như: tăng cường công tác bảo vệ rừng, cần trồng rừng và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; tuyên truyên cho người dân không nên đốt rẫy, đốt rừng để làm nương; cần khoanh vùng khu chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết, khép kín để hạn chế tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nông thôn, qua đó để hướng đến một nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Đại diên Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Đến nay các cấp hội nông dân trong tỉnh đã xây dựng và duy trì trên 200 mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các chi hội nông dân, trưởng thôn và các đoàn thể, các mô hình này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong nhận thức cũng như hành động của người dân trong việc tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, tài sản để làm mương thoát nước, đường giao thông; đóng góp kinh phí để lắp đèn chiếu sáng, trồng hoa và cây xanh tạo cảnh quan.