Đây cũng là hành động nằm trong kế hoạch triển khai giai đoạn 2 của Đề án 175 với nội dung thí điểm thực hiện từ ngày 15/9/2023 của huyện đảo Cô Tô nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện mục tiêu của Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về giảm thiểu chất thải nhựa, giảm ô nhiễm môi trường biển.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô khuyến cáo và đề nghị các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các hãng tàu vận chuyển khách, vận chuyển hàng hóa, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện Cô Tô phối hợp thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, giao Công an huyện, Đồn Biên phòng Cô Tô tham gia phối hợp kiểm soát khách du lịch không mang túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi lên đảo Cô Tô tại cảng; xử lý đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, nhất là đối với các trường hợp về chất thải rắn, chất thải thông thường.
Quảng Ninh cấm du khách mang túi nilon và đồ nhựa ra đảo Cô Tô từ ngày 15/9.
Biên phòng Cô Tô phối hợp tuyên truyền, yêu cầu các tàu thuyền neo đậu tại cảng Cô Tô, khu vực âu cũng thực hiện không sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần; không xả thải rác thải xuống biển.
Bên cạnh đó giao Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền tới chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nhân dân trên địa bàn huyện về chủ trương thực hiện thí điểm yêu cầu bắt buộc tất cả các hành khách không mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo từ ngày 15/9/2023.
Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội du lịch Cô Tô thông tin, tuyên truyền và yêu cầu tất các các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn khi nhận tua, nhận khách du lịch cần thông tin, hướng dẫn và yêu cầu khách du lịch khi ra đảo Cô Tô không mang túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.
Tổ chức ký cam kết thực hiện Đề án 175, thực hiện không sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch và nhân dân trên địa bàn huyện - Ủy ban nhân dân thị trấn Cô Tô, Ủy ban nhân dân xã Thanh Lân chủ trì, thực hiện kiểm soát khách du lịch mang túi nilon, đồ nhựa dùng một lần tại cầu cảng Cô Tô và cầu cảng Thanh Lân.
Tiếp tục thực hiện, nhân rộng các mô hình về không sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần; nhân rộng mô hình "Biến rác thành tiền" tới các thôn, khu. Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia thực hiện Đề án 175. Xây dựng quy chế, biện pháp xử lý đối với các cơ sở lưu trú du lịch; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn không tham gia Đề án 175.
Ông Đỗ Huy Thông, Phó Chủ tịch UBND Huyện Cô Tô cho biết, đây là một trong những giải pháp mà huyện đảo du lịch Cô Tô đang triển khai thực hiện nhằm xây dựng Cô Tô thành huyện đảo không rác thải nhựa.
Huyện Cô Tô cũng kêu gọi mỗi người dân trên đảo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực. Trong đó, thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nylon thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường; tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống.
"Để xây dựng Cô Tô thành huyện đảo không rác thải nhựa là hoạt động dài hơi, nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các phương án hợp lý, triển khai đồng bộ và quyết liệt. Chúng tôi hy vọng mỗi du khách đều ủng hộ và đồng lòng hỗ trợ chính quyền bảo vệ Cô Tô khỏi rác thải nhựa", ông Thông cho biết.