Bích Ngọc ·
1 năm trước
 8813

Quốc hội quyết tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%

Chiều nay (ngày 9/11), có 90,49% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với chỉ tiêu GDP được chốt là từ 6,0 - 6,5%, (CPI) bình quân 4- 4,5%.

Về ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở, động lực và các điều kiện để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6,5%, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đây là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới còn hiện hữu, tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy vậy, vẫn có những thuận lợi, cơ hội và thời cơ. Những động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Những khó khăn cùng thách thức lớn về cơ bản đã được nhận diện, tập trung tháo gỡ. Các vấn đề tồn đọng tiếp tục được tập trung xử lý hiệu quả. Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đang được đưa vào khai thác một cách mạnh mẽ…

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định, về hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế cũng đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, mở ra cơ hội mới để thu hút FDI, xuất khẩu, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới, đào tạo nhân lực công nghệ số, tạo động lực tăng trưởng mới. Đó là những tiền đề, yếu tố quan trọng để nước ta tiếp tục phấn đấu, đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 khoảng 6,0-6,5% để đạt được cao nhất mục tiêu cả giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất

Tại nghị quyết, Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như: tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng thời phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Bên cạnh đó, nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Cùng với đó tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), bám sát định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường năng lực phân tích dự báo, nắm chắc tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả với các vấn đề mới phát sinh. 

Quốc hội yêu cầu theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, khu vực, trong đó đặc biệt là diễn biến giá năng lượng để hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ phù hợp. Cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỷ giá. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng. Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất và đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng.

Về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đề nghị bỏ nội dung “phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi âm, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, việc tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Ông Thanh cho hay, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí quản lý để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Theo đó, ông cũng xin Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Nghị quyết.

Bên cạnh đó, Quốc hội lưu ý, có giải pháp cụ thể để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, không để tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7050999744959721/?