Minh Anh ·
1 năm trước
 6968

Quy chuẩn quốc gia về môi trường là cơ sở thực thi chính sách pháp luật

Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây chính là cơ sở để thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Hiện nay, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh… tạo ra nhiều thách thức to lớn về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt sản xuất của con người và sự tồn tại của các sinh vật khác. 

Do đó, trong bảo vệ môi trường, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là công cụ kỹ thuật, vừa là công cụ pháp lý giúp Nhà nước quản lý môi trường không khí một cách có hiệu quả.

Tại cuộc họp báo cáo kết quả xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường chính là cơ sở để thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Cần áp dụng kinh nghiệm các nước có tiêu chuẩn hiện đại như Hàn Quốc, đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh các thông số cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh… tạo ra nhiều thách thức to lớn về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nghiên cứu, đề xuất danh sách các quy chuẩn mới cần ban hành, đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường. Vụ Môi trường nghiên cứu xây dựng hệ thống quy chuẩn để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới.

Theo bà Nguyễn Thị Thiên Phương – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường được giao xây dựng 28 quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia của Việt Nam (QCVN). Trong đó bao gồm: 8 QCVN về chất lượng môi trường xung quanh; 7 QCVN về chất thải; 7 QCVN về quản lý chất thải; 5 QCVN về quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; 1 QCVN về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa và thiết bị.

Đến nay, Việt Nam đã có 14 QCVN xong các bước thẩm định chờ ban hành; 1 QCVN đang trong quá trình thẩm định; 3 QCVN đang trong quá trình thẩm tra của Vụ Khoa học và Công nghệ và 10 QCVN đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Đối với các QCVN về chất lượng môi trường xung quanh, 5 QCVN đang chờ Bộ trưởng ký ban hành (gồm không khí xung quanh, nước mặt, nước dưới đất, nước biển, giới hạn tối đa cho phép của một số chất ô nhiễm trong đất) và 3 QCVN chất lượng môi trường về tiếng ồn, độ rung và trầm tích đang trong quá trình hoàn thiện.

Đối với 7 QCVN về chất thải, có 4 QCVN về khí thải công nghiệp, nước thải công nghiệp, nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt và nước thải đô thị, Cục đang tiếp thu, giải trình theo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Còn QCVN về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành đang chờ văn bản thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ và 2 QCVN về dung dịch khoan, mùn khoan thải từ các công trình dầu khí trên biển và nước khai thác thải từ các công trình dầu khí trên biển đang chờ ý kiến thẩm định của Vụ Khoa học và Công nghệ.

7 QCVN về quản lý chất thải, gồm QCVN về khử khuẩn nhiệt chất thải y tế; ngưỡng chất thải nguy hại; lò đốt chất thải; đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng; tái chế dầu thải; công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ; bãi chôn lấp chất thải rắn. 

Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện 5 dự thảo QCVN về quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất và trình Lãnh đạo Bộ ban hành sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Đối với QCVN về giới hạn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa và thiết bị, Cục đang thực hiện việc tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của Bộ Khoa học và Công nghệ và ý kiến góp ý của các đơn vị, tổ chức để hoàn thiện.

Tại Việt Nam, một số địa phương cũng đã ban hành quy chuẩn địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên...

Cụ thể như: Tỉnh Ninh Bình đã ban hành 2 Quy chuẩn: QCĐP 01:2020/NB - Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải công nghiệp, QCĐP 02:2020/NB - Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng.

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 6 Quy chuẩn: QCĐP 01:2020/QN – Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước mặt, QCĐP 02: 2020/QN – Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước biển ven bờ, QCĐP 03:2020/QN – Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải công nghiệp, QCĐP 04:2020/QN – Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng không khí xung quanh, QCĐP 05:2020/QN – Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ, QCĐP 07:2020/QN – Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng.

Hưng Yên đã ban hành 2 quy chuẩn: QCĐP 01: 2019/HY- Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải sinh hoạt, QCĐP 02:2019/HY- Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải công nghiệp.