Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 14/4/2023 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2023, trong đó nhấn mạnh các nội dung về tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở (sửa đổi).
Nhu cầu nhà ở xã hội là vấn đề rất bức thiết đối với người thu nhập thấp, trong đó có công nhân lao động ở các khu công nghiệp.
Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 2,7 triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở xã hội khan hiếm, việc bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội chưa bảo đảm. Trên thực tế hầu hết các địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; không bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội.
Nhu cầu nhà ở xã hội là vấn đề rất bức thiết đối với người thu nhập thấp, trong đó có công nhân lao động ở các khu công nghiệp.
Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Đồng thời, bổ sung quy định theo hướng UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc dành một tỷ lệ nhất định tiền sử dụng đất thu từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn.
Theo Nghị quyết số 52/NQ-CP, trong việc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật theo hướng:
Hoàn thiện quy định về sở hữu nhà chung cư, quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân người nước ngoài sở hữu tại Việt Nam và hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại cần thống nhất với quy định của Luật Đất đai (sửa đổi), phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Rà soát, quy định các nội dung chính sách về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang, bảo đảm phù hợp với các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 30/1/2023 Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01/2023.
Rà soát, chỉnh lý các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xác định chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công khi UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, ngân sách nhà nước, bảo đảm minh bạch về tài chính, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang.
Hoàn thiện các chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp tại Tờ trình số 25/TTr-BXD ngày 7/4/2023 của Bộ Xây dựng để quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) các chính sách về phát triển nhà ở xã hội phù hợp với từng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Quy định thời điểm có hiệu lực sớm của các quy định liên quan đến chính sách về nhà ở xã hội tại Chương VI (có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày Luật này được Quốc hội thông qua) tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Bộ Xây dựng hoàn thiện Tờ trình của Chính phủ về nội dung này theo hướng làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn, phân tích, lập luận chặt chẽ về sự cần thiết, tác động tích cực của quy định này nhằm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2023 tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Mới đây, Chính phủ đã quyết định giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Nhiều quy định mới, chính sách ưu đãi được quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm tới (dự kiến vào tháng 5.2023). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tháo gỡ nút thắt cho nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp. |