Từ lâu những người tham gia giao thông đã không còn lạ gì hình ảnh những chiếc xe bus nhả khói đen ngòm mỗi lần tăng ga hay vào bến đón trả khách.
Hiện nay, môi trường là một trong các vấn đề nóng bỏng luôn được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, song song với quá trình phát triển của nền kinh tế công nghiệp thì môi trường cũng đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng do hoạt động sinh hoạt và kinh doanh sản xuất của con người.
Đặc biệt là quá trình hoạt động giao thông vận tải đã thải ra lượng lớn khói bụi, xăng dầu và các chất độc hại ra môi trường. Nhận thấy được tính cấp thiết của vấn đề này, Nhà nước và Chính phủ đã đưa ra các quy định về bảo vệ môi trường nhằm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hành động hợp lý nhất.
Quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông thải lượng lớn các chất như: Bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… gây ô nhiễm môi trường không khí. Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Khiển, nguyên Giám đốc Sở KHCN và Môi trường TP.Hà Nội, nồng độ bụi trong không khí ở các TP như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… tại các nút giao thông cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 - 5 lần; nồng độ khí CO, NO2 trung bình ngày ở một số nút giao thông lớn đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 1,5 lần. Thống kê cũng cho thấy, sự phát thải của các phương tiện cơ giới đường bộ phụ thuộc nhiều vào chất lượng các loại xe. Đối với ô tô, xe máy qua nhiều năm sử dụng có chất lượng thấp, hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại, bụi trong khí xả cao… là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong đó, xe máy là nguồn đóng góp chính các loại khí ô nhiễm, đặc biệt là khí thải CO. Xe tải và xe khách các loại lại thải nhiều NO2. Ngoài ra, tiếng ồn phát sinh từ các hoạt động giao thông cũng đóng vai trò chủ yếu trong việc gây ô nhiễm môi trường.
Lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường ở đô thị có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông.
Vậy, việc bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định:
“1. Phương tiện giao thông vận tải phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Pháp luật quy định các phương tiện giao thông vận tải phải được kiểm định, đánh giá theo luật và điều ước quốc tế để đảm bảo trong quá trình vận chuyển không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Chẳng hạn, Hiệp định vận chuyển hàng không giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Ả -rập Xê – út ký tại Ri-át ngày 21 tháng 8 năm 2019, có hiệu lực từ ngày 13 tháng 7 năm 2020.
Khoản 2 Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định như sau:
“2. Phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông.’
Theo đó, các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu chất thải nếu không che chắn cẩn thận có thể làm rơi vãi. Các nguyên vật liệu cồng kềnh như gạch, gỗ, bê tông cốt thép khi vận chuyển có thể bị rơi ra công cộng và ảnh hưởng đến người đi đường. Rác thải rơi vãi lung tung không đúng nơi quy định, không có người xử lý, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Khoản 3 Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng nguy hiểm phải bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện, năng lực về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Hàng nguy hiểm là loại hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chuyển phát có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Hàng nguy hiểm bao gồm chất dễ gây cháy nổ, chất ô xi hóa, chất độc hại, lây nhiễm, các chất ăn mòn, chất phóng xạ...
Do vậy, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả hàng hóa, con người và môi trường trong quá trình vận chuyển thì việc vận chuyển hàng nguy hiểm phải đảm bảo các quy định về phương tiện vận chuyển, việc bảo quản, bao bì, xếp dỡ hàng nguy hiểm.
Để giảm tác động xấu của các hoạt động GTVT tới môi trường, Bộ GTVT khuyến khích thực hiện các chương trình, dự án về cải thiện hiệu quả việc sử dụng nhiên liệu phương tiện giao thông. Trong đó, phải kể đến Dự án hệ thống quản lý điều khiển phương tiện sinh thái (EMS) được triển khai tại Hà Nội năm 2017, với các hoạt động bao gồm: Nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện và ý thức điều khiển phương tiện sinh thái cho các lái xe taxi. Đồng thời, một hệ thống quản lý điều khiển phương tiện EMS sẽ được lắp đặt trên các xe taxi để theo dõi, giám sát và đánh giá tính khả thi cũng như hiệu quả giảm khí thải một cách chính xác. Theo kết quả tính toán, trong trường hợp có 1.000 xe taxi tham gia điều khiển phương tiện EMS sẽ giúp tăng 10% hiệu quả sử dụng nhiên liệu, nhờ đó, sẽ giảm khoảng 1.000 tấn CO2/năm.
Khói, bụi từ những chiếc xe cũ nát này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều người tham gia giao thông.
Bàn về một số giải pháp, PGS.TS Nguyễn Đức Khiển cho rằng, trong thời gian tới, ngành GTVT cần triển khai các giải pháp như:
Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng GTVT theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo đó, cần quy hoạch mạng lưới đường ở các khu vực trọng điểm, nhất là các TP lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông. Đồng thời, chú trọng lồng ghép công tác giảm nhẹ phát thải KNK vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, phát triển GTVT. Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế, chính sách, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng.
Thực hiện chương trình kiểm tra phát thải các phương tiện giao thông. Tăng cường các trạm và tuần tra, kiểm soát trên đường để bảo đảm xe máy trong quá trình sử dụng luôn được bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm tra đúng thời hạn về tiêu chuẩn khí thải khi tham gia giao thông đường bộ. Xe thuộc phạm vi, đối tượng quy định nhưng không thực hiện kiểm tra khí thải, không có giấy chứng nhận sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
Ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, công nghệ vận tải xanh để giảm phát thải KNK trong lưu thông và vận chuyển hàng hóa. Mặt khác, phải rà soát, từng bước loại bỏ công nghệ, phương tiện, thiết bị kém hiệu quả, không thân thiện với môi trường. Tổ chức thí điểm và triển khai nhân rộng ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghệ ít tiêu hao năng lượng (pin năng lượng mặt trời, đèn led...) vào các hạng mục chiếu sáng, báo hiệu giao thông.
Ngành GTVT cần ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tài trợ về tài chính cho việc giảm nhẹ phát thải KNK.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK trong GTVT. Phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp vận tải, lái xe và người tham gia giao thông về các giải pháp giảm nhẹ phát thải kNK như: hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch...
Theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Những khuyến cáo trước tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay Với các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, ngoài bụi thì khói và các mùi hắc khó chịu cũng là tác nhân gây các đợt cấp tính nên khuyến cáo khi đi ra ngoài cần đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, lưu ý phải chọn khẩu trang có thể lọc được bụi mịn (khẩu trang y tế thông thường thì không thể cản được hạt bụi siêu mịn). |
Nguồn: moitruongvadothi.vn