Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V được tổ chức vào sáng 4/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, "Vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và cũng là vấn đề toàn quốc, toàn dân, là lĩnh vực rất rộng lớn". Đồng thời, khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước là không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường.
Để thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 với các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đối khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
"Chúng ta đã thực hiện cam kết này một cách thực chất, trách nhiệm, với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể", Phó Thủ tướng nói. Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, do Thủ tướng làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng làm Phó ban, thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cơ quan.
Tại COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Theo đó, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, như phát triển năng lượng tái tạo, phát triển ngành công nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, di dời các nhà máy ra khỏi trung tâm thành phố, khu đô thị, thu hút các dự án đầu tư thân thiện môi trường, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm phát thải…
Về chuyển đổi năng lượng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, hiện đang trong quá trình phê duyệt, là một minh chứng thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ về thực hiện cam kết COP26. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hàng chục cuộc họp trong hơn 1 năm qua để rà soát, hoàn thiện Quy hoạch này nhằm giảm năng lượng hóa thạch, giảm điện than để hạn chế ô nhiễm môi trường. Qua rà soát, dự kiến sẽ giảm khoảng 20.000 MW điện than, giảm 12 nhà máy điện hóa thạch, và tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi.
"Việc tổ chức Quy hoạch điện VIII theo đúng mục tiêu thì đến 2050 sẽ có năng lượng vừa đủ để phát triển nhưng cũng góp phần tích cực vào giảm khí thải. Đây là hành động thể hiện quyết tâm của Chính phủ về lĩnh vực môi trường. Không có gì thay đổi thì trong tuần tới sẽ họp thường trực và phê duyệt Quy hoạch điện VIII, rất nhiều địa phương, bộ ngành đang mong đợi điều. Nếu ta thực hiện đúng quy hoạch đó thì đến năm 2050 thì ta có năng lượng vừa đủ nhưng cũng góp phần tích cực vào giảm phát thải khí thải", Phó Thủ tướng thông tin.
Không những vậy, quy hoạch và tổ chức quy hoạch cũng rất quan trọng về bảo vệ môi trường vì các quy hoạch này liên quan đến diện tích cây xanh trong đô thị. "Các địa phương, các ngành phải hết sức chú trọng, dành nhiều quỹ đất cây xanh theo đúng Luật Quy hoạch cũng như theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề ra", Phó Thủ tướng lấy ví dụ như diện tích cây xanh trong đô thị phải chiếm 16%. Không điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với các khu vực quy hoạch cây xanh sang nhà ở, kinh doanh thương mại. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc rà soát lại các dự án, nhà máy trong đô thị để từng bước di dời.
Được biết, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng, có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm. Đây là quy hoạch ngành quốc gia được triển khai đầu tiên theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, theo Nhiệm vụ lập Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019.
Tháng 3/2021, Bộ Công Thương đã báo cáo Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, bản dự thảo Quy hoạch vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo, gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan, các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng. Ngày 8/10/2021, Bộ Công Thương đã có Tờ trình 6277/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch điện VIII.
Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Thường trực Chính phủ về các nội dung của Quy hoạch điện VIII, trong đó, Bộ xin ý kiến Thường trực Chính phủ không đưa vào quy hoạch 14.120 MW nhiệt điện than để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Trong tổng công suất 14.120 MW nhiệt điện than không đưa vào Quy hoạch điện VIII có 8.420 MW, do các tập đoàn Nhà nước được giao làm chủ đầu tư. Bộ Công Thương cho biết đã tính toán 3 kịch bản phụ tải, phát triển nguồn điện. Trong đó, ở kịch bản phụ tải cơ sở, tổng công suất các nhà máy điện đạt gần 121.000 MW vào 2030 và đạt 284.000 MW vào 2045. Ở phương án này, nhiệt điện than sẽ đạt gần 37.467 MW, chiếm 31% vào 2030 và giữ nguyên công suất tới 2045, nhưng khi ấy chỉ chiếm tỷ lệ 13,2%. Cũng tại văn bản này, Bộ Công Thương cho biết đã tính toán 3 kịch bản phụ tải, phát triển nguồn điện. Trong đó, ở kịch bản phụ tải cơ sở, tổng công suất các nhà máy điện đạt gần 121.000 MW vào 2030 và đạt 284.000 MW vào 2045. Ở phương án này, nhiệt điện than sẽ đạt gần 37.467 MW, chiếm 31% vào 2030 và giữ nguyên công suất tới 2045, nhưng khi ấy chỉ chiếm tỷ lệ 13,2%. |
Nguồn: Kinh tế Môi trường