Minh Anh ·
1 năm trước
 8015

Quy trình xử lý nước cấp sinh hoạt và các tiêu chuẩn cần có

Nước khi chưa được xử lý sẽ bị nhiễm các chất độc hại, kim loại nặng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe sinh hoạt của người dân. Chính vì vậy, trước khi đưa vào sử dụng nước cần phải được xử lý qua nhiều công đoạn, xử lý hết các chất gây hại đến sức khỏe con người.

Để đảm bảo nguồn nước mọi người sử dụng được sạch sẽ nhất thì Bộ Y Tế đã đưa ra những tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt. Những nguồn nước đạt đủ những tiêu chuẩn đó thì có thể sử dụng  an toàn trong  cuộc sống. Ngược lại, nếu không đạt tiêu chuẩn mọi  người cần phải  tìm kiếm  và lựa chọn phương pháp lọc nước cho phù hợp.

Tiêu chuẩn nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y tế ban hành đã được thay thế bởi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT về Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt và được áp dụng kể từ ngày 15/06/2019.

Ảnh minh họa. (Ảnh:ITN)

Hiện tại Tiêu chuẩn nước ăn uống theo QCVN 01:2009/BYT và đối với QCVN 02:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt vẫn còn hiệu lực cho đến hết 15/06/2021

Tiêu chuẩn nước sinh hoạt QCVN 01 giúp bạn tham khảo các chỉ tiêu để không vượt quá mức quy định, đảm bảo an toàn trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu không sẽ dẫn đến rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư, tiêu chảy, ngộ độc… thậm chí tử vong. Nếu chỉ số của các thành phần như Asen (As), Nitrit (NO2-), Mangan (Mn), Sắt (Fe)…

Quy chuẩn này quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng đối với nước dùng để ăn uống, nước dùng cho các cơ sở để chế biến thực phẩm (gọi tắt là nước ăn uống); Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác, kinh doanh nước ăn uống, bao gồm cả các cơ sở cấp nước tập trung dùng cho mục đích sinh hoạt có công suất từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên (gọi tắt là cơ sở cung cấp nước).

Tiêu chuẩn nước ăn uống và sinh hoạt theo Luật định được áp dụng cho các đối tượng gồm: là các cá nhân, văn phòng làm việc, trường học, cơ quan tổ chức cùng các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nước sinh hoạt dưới 1000m3 trong một ngày đêm.

Quy trình xử lý nước sinh hoạt tại nhà máy nước

Quy trình xử lý nước sinh hoạt bao gồm 8 bước cơ bản: Lọc rác, lắng sơ bộ, trộn chất trợ lắng, lắng - lọc, lọc tinh, lọc than, tiệt trùng và đưa vào sử dụng.

Bước 1: Lọc rác. Đầu tiên, nước từ sông, hồ, mạch nước ngầm… được đưa vào bể chứa nước. Tại đây, các loại rác thải, cặn bã, bùn, đất cát sẽ được song chắn giữ lại để bảo vệ các thiết bị lọc và làm giảm hàm lượng cặn cũng như độ đục của nước.

Bước 2: Lắng sơ bộ. Nước sau quá trình lọc rác sẽ tiếp tục được loại bỏ lớp bùn thông qua quá trình lắng sơ bộ. Cụ thể, quy trình này sẽ lưu nước trong bể chứa từ 1 – 2 ngày để bùn và các hạt cát nhỏ lắng đọng nhanh xuống đáy bể. Sau đó, bùn và các chất bẩn được bơm ra ngoài bằng máy bơm để sử dụng cho các mục đích khác.

Bước 3: Trộn chất trợ lắng. Để gia tăng hiệu quả làm sạch, các chất trợ lắng (chlorine dạng lỏng, bột, PAC, phèn nhôm, phèn sắt…) được trộn kèm nước giúp kết dính các tạp chất ở dạng hòa tan thành các hạt lớn. Máy sục khí, ozone được sử dụng tần suất cao trong quá trình trộn giúp các bông cặn nhanh chóng lắng xuống và kết dính trên đáy bể.

Sau đó, người ta tiến hành trộn thêm xút hoặc vôi vào nước để điều chỉnh độ pH. Theo tiêu chuẩn nước sinh hoạt, độ pH cần dao động trong khoảng 5.0 - 9.0 để vừa đảm bảo quy trình lắng được tối ưu, vừa ổn định độ pH của nước sau lọc.

Tiếp theo, than hoạt tính được sử dụng để hấp thụ các chất hữu cơ (asen, amoni…) trong nước để phục vụ cho các công đoạn xử lý tiếp theo.

Bước 4: Lắng – lọc. Sau bước trộn chất trợ lắng, nước được bơm vào bể lắng để làm giảm bớt các cặn lơ lửng. Cụ thể, nước được đưa vào các bể lắng khác nhau:

Bể lắng chung: Có chế độ thủy lực thích hợp để lắng đọng các hạt cặn có trọng lượng lớn.

Bể lắng ly tâm: Dưới tác động của xyclon thủy lực và lực ly tâm trong, các hạt cặn có kích thước trung bình 1mm được xử lý.

Bể tuyển nổi: Có các hạt khí dính bám vào hạt cặn nhỏ giúp lắng đọng nhanh hơn.

Sau khi loại bỏ thành công các hạt cặn, lớp bùn lắng đọng xuống dưới đáy bể sẽ được hút ra ngoài hồ chứa bùn. Đồng thời nước sạch sẽ được cho vào tâm bể lắng thêm 1 lần nữa.

Bước 5: Lọc tinh. Tiếp sau quá trình lắng lọc, nước được đưa vào bước lọc tinh. Tại đây, nước được bơm đầy vào bể lọc có lớp cát lớn và cát nhỏ (cát thạch anh, cát mangan) giúp loại bỏ keo sắt, keo hữu cơ và các loại hạt có kích thước lớn hơn lỗ lọc (0,05 - 5 micron). Do đó, nước sau quá trình lọc tinh không chỉ loại bỏ màu và mùi lạ mà còn thu được lượng lớn chất bẩn kết dính, hấp thụ trên bề mặt lớp vật liệu lọc.

Bước 6: Lọc than. Nước từ bể lọc tinh tiếp tục được đưa vào lọc trực tiếp qua bể lọc than hoạt tính. Quá trình lọc than giúp loại bỏ các phân tử khí (SO2, CO2, H2S…) và phân tử ở dạng lỏng hòa tan trong nước (Clo, Benzen…) từ đó giúp cho nước trong và sạch hơn.

Bước 7: Tiệt trùng. Sau 6 bước lọc trên, nước đã sạch gần như hoàn toàn. Để tiệt trùng nước, người ta tiến hành bơm nước đầy vào bể chứa đã được trộn kèm hóa chất chlorine (Ozone, tia UV) nhằm tiêu diệt các vi sinh vật, virus, vi trùng, vi tảo…

Bước 8: Đưa vào sử dụng. Cuối cùng, nước sạch được bơm từ bể chứa vào mạng lưới ống dẫn phân phối đến điểm sử dụng qua trạm bơm.

Năm 2023 được dự báo là một trong những năm nóng kỷ lục. Với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tại các hồ chứa lớn, đồng thời khả năng cao ảnh hưởng của hiện tượng El Nino vào nửa cuối năm 2023 sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới, nhất là tại các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Để đảm bảo có đủ nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các hộ gia đình chưa được cấp nước sạch từ các cơ sở cung cấp nước tập trung hoặc trong trường hợp khẩn cấp (như lũ lụt, hạn hán) không có nước sạch để sử dụng, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên lựa chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý chất lượng nước. Trường hợp không có nguồn nước ngầm, phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt để xử lý.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6994287257297637