Minh Anh ·
27 tuần trước
 8026

Vì sao Hà Nội thiếu nước sạch?

Đến hẹn lại lên, cảnh người dân Thủ đô mất nước, thiếu nước tiếp tục tái diễn. Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng nước ở khu đô thị Thanh Hà, nơi có 26 tòa nhà với khoảng 16.000 dân đang sinh sống.

Người dân khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt

Sớm 19/10, hàng trăm cư dân khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, tiếp tục xếp hàng chờ lấy nước sạch từ xe téc. Khủng hoảng nước ở khu đô thị Thanh Hà, nơi có 26 tòa nhà với khoảng 16.000 dân, bắt đầu từ hai tuần trước, khi cư dân phát hiện nước không đảm bảo chất lượng và đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều người dân đã phải đi mua nước với giá cao hơn so với giá nước của thành phố.

Đến thời điểm tối 22/10 và hiện tại, hàng trăm cư dân tại Khu đô thị Thanh Hà vẫn phải mang theo thùng, xô, chậu… xếp hàng tại sảnh tòa nhà, đợi xe bồn chuyên dụng mang nước sạch đến cho tới tận khuya. Niềm an ủi đối với người dân lúc này là những xe chở nước sạch được ủng hộ phục vụ nhu cầu của người dân nơi đây.

Điều mong muốn đối với người dân ở Khu đô thị Thanh Hà là được cấp nước sinh hoạt trở lại, nhưng quan trọng đối với họ là chất lượng nguồn nước phải đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Trước thực tế này, Sở Xây dựng Hà Nội đã triển khai giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng thiếu nước tại Khu đô thị Thanh Hà. Ngày 18/10, Sở Xây dựng tiếp tục đôn đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Đông phối hợp với Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống để điều tiết cấp nguồn cho Khu đô thị Thanh Hà.

Kết quả, Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Viwaco điều tiết nguồn cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Đông để cấp nguồn cho Khu đô thị Thanh Hà với lưu lượng truyền tải lúc 17h ngày 18/10 là khoảng 120 m3/giờ, tương đương khoảng 2.880 m3/ngày đêm.

Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5, Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà để vận hành điều tiết cấp nước cho các khu vực trong Khu đô thị Thanh Hà như sử dụng trạm tăng áp để điều tiết cấp nước đến cho các khu vực bất lợi.

Cảnh người dân chờ đợi từng xe nước hỗ trợ tại Khu đô thị Thanh Hà.

Ngoài khu đô thị trên, theo phản ánh của người dân tại khu vực cuối phố Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng bị thiếu nước. Tương tự tại một số khu dân cư ở quận Hoàng Mai và huyện Hoài Đức bị thiếu nước.

Việc thiếu nước sạch của Hà Nội từ nhiều năm nay đã được cảnh báo, nước sạch thực tế càng thiếu hơn khi mà giếng ngầm được thành phố yêu cầu ngừng sử dụng. Đơn cử như Nhà máy nước Hạ Đình thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Nội nhà máy có 17 giếng ngầm, công suất khai thác 30.000 m3/ngày - đêm. Triển khai lộ trình giảm dần việc khai thác nước ngầm của thành phố, đến nay nhà máy đã đóng 8 giếng, còn 9 giếng đang được luân phiên khai thác. Từ nay đến năm 2030, nhà máy chỉ hoạt động với công suất 10.000 m3/ngày - đêm và đến năm 2050 sẽ đóng tất cả các giếng ngầm.

Việc cung cấp nước sạch của thành phố cơ bản phụ thuộc vào các nhà máy nước mặt. Ngoài Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Hà Nội; Nhà máy Nước mặt sông Đuống; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Đông, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà… thì từ nhiều năm nay, Hà Nội chưa có thêm nhà máy nước nào hoạt động.

GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, kiêm Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết, không chỉ riêng Hà Nội mà nhiều đô thị trên cả nước cũng đang đối diện với nguy cơ thiếu nước cấp cho sinh hoạt và các mục đích khác nhau.

Phân tích về nguyên nhân thiếu nước cục bộ tại Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Việt Anh cho rằng, công tác điều tiết nước giữa các khu vực trong thành phố vẫn còn đang thiếu sự chủ động. Trong khi đó, hệ thống mạng lưới đường ống nước của Hà Nội có tuổi thọ hàng trăm năm, nhiều khu vực đường ống đã cũ, nhất là ở các khu vực ngõ nhỏ, khu đô thị cũ, nên áp lực nước bị yếu, người dân ở khu vực cuối mạng bị hạn chế trong việc tiếp cận nguồn nước.

Chuyên gia cho rằng, hiện nay một số đô thị khác cũng đứng trước nguy cơ thiếu nước như Đà Nẵng, TP.HCM ... Do vậy, các đô thị cần chủ động lên những phương án, kịch bản để ứng phó với tình trạng thiếu nước tránh ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân. Đối với các doanh nghiệp sản xuất nước, ngành điện cũng cần có sự ưu tiên, tránh tình trạng cắt nước có thể khiến một bộ phận người dân rơi vào tình trạng vừa mất điện, vừa mất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày.

Giải pháp nào cho cung ứng dịch vụ nước sạch

Những vấn đề kể trên nằm ở lý do gốc rễ: nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho cung ứng dịch vụ nước sạch đang thiếu hụt; trong khi đó, dù là một thị trường tiềm năng, sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vẫn hạn chế do các khuôn khổ pháp lý lẫn thực thi pháp luật cho thị trường này còn quá sơ khai.

Lấy ví dụ tại thị trường Hà Nội - hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Nước sạch sông Đà, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, Công ty CP Cấp nước Sơn Tây, Nhà máy Nước mặt sông Đuống, Nhà máy nước Hà Nam. Công suất cấp nước là không đủ cầu cho toàn bộ dân số. Tại khâu phân phối, giai đoạn này được thực hiện chủ yếu bởi một số công ty như Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty CP sản xuất và kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội, Công ty CP Viwaco, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông.

Cấu trúc thị trường như vậy là thiếu rành mạch - không phân rõ được phân khúc nào dành cho doanh nghiệp tư nhân; phân khúc nào thuộc về Nhà nước; khung giá lẫn khối lượng mua đều không rõ ràng và không thực hiện theo đúng cam kết hợp đồng. Một loạt hạn chế kể trên khiến thị trường chưa đủ độ minh bạch cần thiết và doanh nghiệp không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi khi tham gia thị trường. Nhìn vào thị trường tại Hà Nội, mảng kinh doanh này hiện mới chỉ tập trung vào một số tập đoàn có tiềm lực tài chính lớn như Gelex Energy, Aqua One hay REE Corp. Nhưng, các doanh nghiệp dù có "máu mặt" đều gặp khó khăn. Cụ thể, cả hai phương diện, tỷ lệ mua nước theo thực tế của Hà Nội với doanh nghiệp lẫn mức giá thực tế so với cam kết đều thấp hơn khi ký hợp đồng với chính quyền địa phương. Họ cũng đối mặt với rủi ro pháp lý khi cần xây dựng đường ống phân phối nước ra địa bàn mới, nơi không có sẵn đường ống. Điều này dẫn đến nghịch lý là công suất sản xuất của doanh nghiệp, đơn cử như Nhà máy nước Sông Đuống thì dư thừa, nhưng người dân ngoại thành Hà Nội lại không có nước sạch.

Tình trạng rối rắm và thiếu hiệu quả ở Hà Nội cho phép đặt ra những câu hỏi lớn cho thiết kế thị trường nước sạch tương lai khi vận hành thị trường và thu hút đầu tư tư nhân. Câu hỏi quan trọng là hai loại chủ thể này có vai trò, trách nhiệm như thế nào trong hoạt động cung ứng dịch vụ nước sạch - một loại dịch vụ công thiết yếu?

Hiện nay, Nhà nước cho phép và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư sản xuất và phân phối nước sạch. Theo Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn đơn vị cấp nước theo hình thức chỉ định hoặc đấu thầu; UBND ký thỏa thuận cung cấp nước sạch với đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn. Đến năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua, quy định cung cấp nước sạch là một lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Điều 6).

Tuy nhiên, trên thực tế, sự tham gia của khu vực tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ nước sạch vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc tư nhân tham gia vào cung cấp nước sạch ở khu vực chưa có hệ thống đường ống mà chủ yếu là khu vực nông thôn đã dẫn đến tình trạng gây bức xúc cho người dân là muốn dùng nước sạch phải đóng tiền xây dựng đường ống cho đơn vị cấp nước. Vậy vai trò của Nhà nước, tư nhân trong cung cấp dịch vụ cấp nước ở đây như thế nào? Người dân khi tham gia đóng góp vào xây dựng đường ống sẽ có thêm những quyền lợi gì trong khi nhà nước phải bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch? Cơ chế đầu tư theo phương thức công - tư trong cung cấp dịch vụ nước sạch phải được triển khai như thế nào để đạt được mục tiêu nước sạch cho toàn dân?

Không dễ để trả lời một loạt câu hỏi trên đây về tổ chức thị trường nước sạch như thế nào cho hiệu quả. Nhưng nếu không thể trả lời được những câu hỏi đó - nghĩa là quyền tiếp cận nước sạch của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn sẽ tiếp tục không được đáp ứng. Vấn đề trước mắt lúc này cần làm là đánh giá lại toàn diện lại trị thường và bắt tay ngay trong việc xây dựng lại chính sách và quy định pháp lý. Thị trường nước sạch đã bị "bỏ bê" quá nhiều năm và con đường dài, đầy thách thức vẫn còn ở phía trước.

Để khắc phục tình trạng này, về lâu dài cần cải tạo hệ thống mạng lưới truyền dẫn nước. Trong ngắn hạn, GS Nguyễn Việt Anh đề xuất: "Tôi nghĩ rằng, vào mùa cao điểm, thành phố nên có một Ban điều hành hoạt động cấp nước. Trong đó, có sự tham gia của các doanh nghiệp cấp nước, chính quyền thành phố lẫn cả người sử dụng. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, vừa đảm bảo quyền lợi của người sử dụng và vừa có sự điều tiết của chính quyền. Như vậy, việc cấp nước an toàn được đảm bảo tiếp cận được cho tới khu vực khó khăn. Mô hình này đã có nhiều nước áp dụng".

Hội đồng hay Ban điều hành này còn đóng vai trò đảm bảo bảo vệ nguồn nước và tiếp cận nguồn nước cho doanh nghiệp cấp nước, xây dựng và ban hành giá nước hợp lý, giám sát chất lượng dịch vụ cấp nước, điết tiết cấp nước liên vùng hay liên khu vực khi cần…

Chuyên gia cho rằng, hiện nay một số đô thị khác cũng đứng trước nguy cơ thiếu nước như Đà Nẵng, TP.HCM ... Do vậy, các đô thị cần chủ động lên những phương án, kịch bản để ứng phó với tình trạng thiếu nước tránh ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân. Đối với các doanh nghiệp sản xuất nước, ngành điện cũng cần có sự ưu tiên, tránh tình trạng cắt nước có thể khiến một bộ phận người dân rơi vào tình trạng vừa mất điện, vừa mất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày.

Để thu hút nhà đầu tư lĩnh vực cung cấp nước sạch, thành phố Hà Nội cần có những chính sách như ưu đãi về đất như miễn tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, giá nước được tính đúng, tính đủ các chi phí và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, khách hàng và nhà nước…, có như vậy mới thu hút được các doanh nghiệp tham gia cấp nước sạch, giải bài toán thiếu nước.

Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, nhu cầu sử dụng nước dân dụng và công nghiệp ngày càng cao. Do nhu cầu gia tăng sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhu cầu nước trên toàn quốc gia tăng nhanh chóng. Nếu năm 1990, nhu cầu nước cho dân dụng và công nghiệp ở Việt Nam chỉ khoảng 50 tỷ m3/năm thì đến năm 2000, số liệu này là 65 tỷ m3/năm, năm 2010 đã nhảy lên 72 tỷ m3/năm.

Theo TS.Lê Anh Tuấn, điều quan trọng nhất trong chiến lược bảo vệ tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông nói riêng là phải có sự tham gia của cộng đồng như là những chủ nhân đích thực của nguồn tài nguyên quý giá này. Mặc dù Luật Tài nguyên nước và các văn bản pháp lý khác có khẳng định vai trò của Uỷ ban Lưu vực sông. Tuy nhiên, sự tham gia của các thành phần khác nhau, cơ chế cho người dân giám sát và sử dụng tài nguyên nước vẫn chưa rõ ràng. Các hành vi làm tổn hại nguồn nước cần phải được tiếp tục bị chế tài bằng công cụ luật pháp và tòa án. Việc khôi phục, trồng và bảo vệ nguồn rừng đầu nguồn và hai bên bờ sông cần phải đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ hơn. Vấn đề đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều mối quan hệ tương quan khá phức tạp.

Đề xuất hoạt động chính cho việc quản lý nguồn nước ở Việt Nam, TS.Lê Anh Tuấn cho rằng, các cấp từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng giải pháp quản lý tài nguyên nước thông qua việc đổi mới theo hướng tổng hợp ết nối với với kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc đầu tư kinh phí, hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức chính phủ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để cùng nhau chung tay xây dựng và triến khai các hoạt động cụ thể.

Trong đó, cần có quy định các tiêu chuẩn của phát triển xanh, điều này không phải đơn thuần chỉ là một khẩu hiệu mà phải có những hoạt động và hành động thiết thực, trong đó phải có những giải pháp khoa học trong quản lý tổng hợp lưu vực sông với sự tham gia của cộng đồng người và các tổ chức xã hội dân sự. Đây phải là một chủ trương nhất quán và mục tiêu tổng quát trong mọi kế hoạch chiến lược, quy hoạch phát triển các dự án tăng trưởng kinh tế - xã hội. Bảo vệ sự trong lành của các dòng sông không chỉ là nhiệm vụ của chính mỗi người dân mà còn là trách nhiệm công dân cho thế hệ tương lai của đất nước.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6989571394435890/