Thanh Tâm ·
46 tuần trước
 9330

Mạng lưới các công ty nước sạch ở Hà Nội ra sao?

Ngoài hai “ông lớn” là CTCP Nước mặt Sông Đuống (Nhà máy nước mặt Sông Đuống) và CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Nhà máy nước Sông Đà), hiện thành phố Hà Nội còn có 4 công ty khai thác, sản xuất, và kinh doanh nước sạch khác trên địa bàn thành phố.

Các công ty nước sạch ở Hà Nội hiện đang cung cấp nước cho 1.200.000 khách hàng, với khoảng trên 5.320.000 người dân. Tổng nhu cầu sử dụng nước của số khách hàng này khoảng 1.100.000 - 1.200.000 m3/ngđ. Tổng công suất các nhà máy cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện tại là 1.370.000 m3/ngđ.

Theo UBND TP Hà Nội, nguồn nước sạch như trên cơ bản đảm bảo cung cấp đủ cho nhân dân tại các khu vực đã lắp đặt mạng lưới truyền dẫn.

Ảnh minh họa

Hiện nay, có 6 doanh nghiệp sản xuất, cấp nguồn nước sạch chính cho Hà Nội, bao gồm:

Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawaco), có 12 nhà máy sản xuất và 14 trạm cấp nước cục bộ, đang cấp thực tế khoảng 670.200 m3/ngđ (Công suất thiết kế 792.600 m3/ngđ). Hawaco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được chuyển đổi tổ chức hoạt động theo hình thức Công ty Mẹ – Công ty Con tại Quyết định số 367/QĐ-UBND ngày 22.1.2008 của UBND Thành phố Hà Nội.

Hawaco được quản lý cấp nước trực tiếp 7 Quận nội thành (Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm); Phụ cận một phần 3 huyện ngoại thành (Thanh Trì, Mê Linh, Đông Anh) và khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Quản lý cấp qua đồng hồ tổng cho Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội (Công ty con), Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội để cấp nước cho 2 Quận Long Biên, Hoàn Kiếm và phụ cận còn lại 4 huyện (Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh).

Theo dữ liệu tài chính hợp nhất năm 2022 được công bố, Hawaco có doanh thu thuần đạt 2.060 tỷ đồng, tăng 6,5 % so với năm 2021. Cùng chiều, giá vốn bỏ ra cũng tăng so với năm 2021 lên mức 969 tỷ đồng. Năm 2022, Hawaco có khoản lãi gộp đạt 1.091 tỷ đồng, tăng nhẹ so với một năm trước đó.

Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp báo sau thuế 164 tỷ đồng, tăng 10,8%. Như vậy, tình trung bình mỗi ngày trong năm 2022, doanh nghiệp kinh doanh nước sạch bỏ túi gần 500 triệu đồng.

Công ty CP Đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco): Đang cấp thực tế 250.000-260.000 m3/ngđ (Công suất thiết kế giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngđ).

Tại quyết định phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, phạm vi cấp nước của Viwasupco gồm: Khu đô thị vệ tinh phía tây Hà Nội (Sơn Tây, Láng Hòa Lạc và Xuân Mai); đô thị sinh thái (Phúc Thọ, Quốc Oai và Chúc Sơn); dọc theo trục đường Láng - Hòa Lạc; đô thị trung tâm phía tây nam Hà Nội (từ vành đai 3 đến vành đai 4 và khu vực nông thôn liền kề).

Trong báo cáo thường niên năm 2018, Viwasupco cũng cho biết công ty hiện cấp nước cho toàn bộ phía tây nam TP. Hà Nội gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu giấy, Hà Đông và một số quận nội thành TP. Hà Nội; một số khu vực khác thuộc Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Thông tin từ báo cáo thường niên năm 2022 của Viwasupco, hiện nay có đến 90% tổng sản lượng nước được bán cho 3 khách hàng chính bao gồm Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông.

Tại ngày 31.3.2023, tổng tài sản Viwasupco đạt 3.070 tỉ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền có hơn 51 tỉ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn gần 207 tỉ đồng, hàng tồn kho có 22 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Viwasupco có 709 tỉ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, đây phần lớn là chi phí tại Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hoà Lạc – Xuân Mai - Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông. Ngoài ra, Viwasupco đã đầu tư góp vốn vào đơn vị khác hơn 121 tỉ đồng…

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả Viwasupco còn 1.700 tỉ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm, chiếm phần lớn là nợ vay tài chính với 1.336 tỉ đồng.

Viwasupco tiền thân là Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex được thành lập vào ngày 21.3.2009. Đến tháng 9 thì đổi sang mô hình Công ty cổ phần. Ngày 1.2.2018, Đại hội Đồng cổ đông Công ty đã họp và thông qua việc đổi tên Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex thành Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà.

Hiện nay, công ty đang cấp nước cho toàn bộ phía Tây Nam thành phố Hà Nội và một số quận nội thành Hà Nội và một số khu vực khác.

Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông (có 3 cơ sở sản xuất nước): Đang cấp thực tế khoảng 70.000 m3/ngđ (Công suất thiết kế 82.000 m3/ngđ).

Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông hiện đang sử dụng nguồn nước từ các trạm cấp nước do nguồn nước sạch sông Đà cung cấp khoảng 40.000 - 50.000 m3 ngày/đêm cho khách hàng của mình.

Công ty Nước sạch Hà Đông hiện đang quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho khoảng 150.000 khách hàng tại khu vực quận Hà Đông, một phần Nam Từ Liêm, một số xã của huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa... Công ty Nước sạch Hà Đông sử dụng nguồn nước từ các trạm cấp nước do nguồn nước sạch sông Đà cung cấp khoảng 40.000 - 50.000 m3 cho khách hàng của mình. Nhu cầu sử dụng nước trung bình khoảng 115.000 m3/ngày đêm.

Công ty CP Cấp nước Sơn Tây (có 2 trạm cấp nước): Cấp thực tế khoảng 27.000 m3/ngđ. (Công suất thiết kế 30.000 m3/ngđ).

Công ty CP cấp nước Sơn Tây triển khai thực hiện mở rộng cấp nước cho xã Cẩm Yên của huyện Thạch Thất, đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận tại Văn bản số 2106/UBND-ĐT ngày 10/7/2023.

Đến nay, công ty CP Cấp nước Sơn Tây triển khai thực hiện mở rộng cấp nước cho xã Cẩm Yên của huyện Thạch Thất, đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận, tại Văn bản số 2106/UBND-ĐT ngày 10/7/2023.

Nhà máy Nước mặt sông Đuống: Cấp theo công suất thiết kế phân kì 1 giai đoạn 1 là 150.000 m3/ngđ. Tháng 9 vừa qua, nhà máy này đã khánh thành phân kì 2 của giai đoạn 1, nâng công suất lên 300.000 m3/ngđ.

Tính đến cuối năm 2022, cổ đông góp vốn của Nước mặt Sông Đuống bao gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội 10%, Công ty TNHH MTV ứng dụng Công nghệ mới và du lịch 5%, Công ty Cổ phần Nước Aqua One 51% và WHAUP (SG) 2DR PTE.Limited sở hữu 34%.

Kết thúc năm 2022, Nước mặt Sông Đuống đưa về khoảng 400 tỉ đồng doanh thu (báo cáo riêng lẻ), tăng 125% so với năm 2021. Lợi nhuận gộp công ty ghi nhận lãi 104 tỉ đồng, tăng hơn 180 tỉ đồng sau 1 năm. 

Tuy nhiên, chi phí tài chính trong kì lên tới hơn 318 tỉ đồng, tăng 6% và chi phí quản lí doanh nghiệp thậm chí tăng tới 100%, lên 38 tỉ đồng... là những nguyên nhân khiến Nước mặt Sông Đuống lỗ sau thuế hơn 257 tỉ đồng. Trong năm 2021, doanh nghiệp này cũng lỗ hơn 402 tỉ đồng.

Nhà máy nước Hà Nam công suất 200.000 m3/ngđ. Công ty CP Cấp nước Hà Nam tập trung hoàn thành cấp nước cho 21 xã còn lại của huyện Mỹ Đức và 26 xã của huyện Ứng Hòa, đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận, tại Văn bản số 2124/UBND-ĐT ngày 11/7/2023.

Đến nay, Hanwaco đã phục vụ nước sạch tới hơn 100.000 hộ gia đình/tổ chức trải dài trên địa bàn tỉnh Hà Nam và huyện Phú Xuyên, huyện Thường Tín thuộc thành phố Hà Nội.

Tổng doanh thu trong 5 năm đạt hơn 325 tỷ đồng. Số hộ sử dụng nước tăng: Năm 2014 có 20.500 hộ nhưng đến cuối năm 2019 đã là 47.000 hộ (tăng  26.500 hộ).

Tỷ lệ cấp nước từ các nhà máy nước đạt  67% trong đó khu vực đô thị đạt tỷ lệ cấp nước 78%, khu vực nông thôn đạt tỷ lệ cấp nước 61%. Nguồn nước mặt khai thác từ sông Hồng, sông Đáy, sông Châu Giang, sông Sắt cấp cho các nhà máy nước với tỷ lệ 95%, nước ngầm khai thác cấp cho nhà máy nước chiếm tỷ lệ 5%.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có các nguồn cấp nước cục bộ như: Nhà máy nước Ba Vì 15.000 m3/ngđ; Trạm cấp nước Văn Điển 6.000 m3/ngđ...

Trong số cách doanh nghiệp nói trên, một số doanh nghiệp vừa sản xuất nước, vừa trực tiếp bán nước cho người dân. Tùy vào từng vị trí, các doanh nghiệp này có thể sử dụng nguồn nước của nhau để thuận tiện cho việc cung cấp nước cho khách hàng của mình.

Một số doanh nghiệp còn lại thì chỉ sản xuất nước rồi truyền dẫn tới mạng lưới các công ty phân phối. Các công ty phân phối này sau đó mới kí hợp đồng bán nước trực tiếp cho người dân.

Liên quan đến những bất cập trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho hàng vạn cư dân tại Khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), ngày 17/10, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Công ty Nước sạch Hà Đông phối hợp với Công ty CP Nước mặt sông Đuống, Công ty CP Đầu tư Nước sạch sông Đà cùng các đơn vị liên quan điều tiết nguồn cấp ổn định cho Khu đô thị Thanh Hà với sản lượng khoảng 2.000m3/ngày-đêm. Nguồn cấp này được lấy từ nguồn Nhà máy nước sông Đuống với các trạm cấp nước do Công ty TNHH Nước sạch Hà Đông quản lý.

Để bảo đảm cấp nước ổn định cho Khu đô thị Thanh Hà về lâu dài, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 phối hợp Công ty CP Nước sạch Thanh Hà khẩn trương xây dựng kế hoạch cải tạo trạm cấp nước cục bộ trong khu đô thị trên. Kế hoạch cần bảo đảm công suất thiết kế và chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, hoàn thành trước ngày 31/1/2024.

Cùng với đó, các đơn vị thực hiện công tác nội kiểm, thông báo công khai cho người dân, báo cáo gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và cơ quan có thẩm quyền để giám sát theo quy định, trước khi cấp nước cho người dân.

Được biết, Khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) đang có khoảng 1,6 vạn người dân sinh sống tại 23 tòa nhà. Từ những ngày đầu tháng 10/2023, nguồn nước sạch đổ về các tòa nhà tại Khu đô thị Thanh Hà xuất hiện mùi thuốc tẩy.

Sau đó, không ít người dân, trong đó có cả trẻ nhỏ xuất hiện mẩn ngứa, dị ứng da, đỏ nhiều vùng da. Hiện tượng này đã gây ra nhiều lo lắng trong cư dân, đặc biệt là các phụ nữ mang thai.

Trước tình hình đó, người dân sinh sống tại Tổ dân phố 3, Khu đô thị Thanh Hà đã gửi đơn kiến nghị đến Sở Xây dựng Hà Nội.

Ngay sau khi nhận được đơn của công dân, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ động phối hợp, làm việc với các đơn vị có liên quan như: UBND huyện Thanh Oai, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC), Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, Công ty CP Nước sạch Sông Đuống, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà, Công ty CP Nước sạch Nam Hà Nội, Công ty CP Nước sạch Thanh Oai và đại diện cư dân khu đô thị Thanh Hà... Từ đó, rà soát, thống nhất các giải pháp cấp nước ổn định cho khu đô thị Thanh Hà.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6993328534060176/