Nhiều năm nay, Khu xử lý chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất) thực hiện tái chế rác thải sinh hoạt thành phân bón. Rác thải khi về nhà máy được đưa lên băng chuyền phân tách 2 loại vô cơ và hữu cơ. Rác thải hữu cơ sau đó được xử lý qua các công đoạn: ủ lên men, ủ chín, nghiền và sàng để tạo ra mùn compost tinh chế.
Bà Trần Thị Thúy, Giám đốc Khu xử lý chất thải xã Quang Trung cho biết, trung bình mỗi ngày, khu xử lý tiếp nhận hơn 1,1 ngàn tấn chất thải, trong đó có gần 70% là chất thải hữu cơ. Chất thải hữu cơ được phân loại và xử lý qua nhiều công đoạn để tạo ra mùn compost.
Bình quân mỗi ngày có khoảng 38 tấn mùn compost được tạo ra. Mùn này được lấy mẫu kiểm tra các chỉ số hóa lý theo quy định của Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đáp ứng các điều kiện được bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, người nông dân và phần còn lại sử dụng chăm sóc cây xanh, thảm cỏ tại khuôn viên nhà máy.
3 năm trở lại đây, HTX Nông nghiệp xanh (H.Long Thành) không sử dụng giá thể rơm để trồng nấm như thông thường mà dùng nguyên liệu là bông, vải vụn. Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh cho biết, trước đây, mỗi vụ thu hoạch lúa, bà mua rơm về phơi khô cất kho để trồng nấm. Sau này, bà biết đến phương pháp trồng nấm rơm trong nhà kín và dùng giá thể là bông, vải vụn nên học theo. Bà liên hệ với các công ty dệt sợi, may mặc trên địa bàn thu mua số chất thải này về nghiền nhỏ, hấp chín, phơi khô làm nguyên liệu trồng nấm rơm. Bà cũng dùng mùn này để nhân giống nấm bào ngư thay thế cho mùn gỗ.
“Bông vụn, vải vụn vốn là chất thải công nghiệp thông thường. Tôi mua về xử lý thành mùn để trồng nấm vừa chủ động được nguồn nguyên liệu vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm được tiền thuê đơn vị xử lý chất thải. Sau 3-5 lần thu hoạch nấm, tôi thải lớp mùn này ra, thay thế bằng lớp mùn khác. Mùn thải được rải đều lên mặt đất để trồng rau hữu cơ. Một quy trình hoàn toàn khép kín” - bà Liên cho hay.
Trước thực trạng rác thải sinh hoạt ở vùng nông thôn khó thu gom, xử lý, năm 2019, H.Vĩnh Cửu đã mời chuyên gia môi trường về triển khai đến bà con nông dân mô hình dùng men vi sinh IMO để xử lý mùi hôi ở các trang trại chăn nuôi, tạo phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó trưởng phòng TN-MT H.Vĩnh Cửu cho biết, mô hình này hiện đang được triển khai ở 12 xã, thị trấn. Ưu điểm của loại men này là người dùng tự chế tại nhà bằng những nguyên liệu sẵn có là rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn thừa. Sau 3 năm triển khai, mô hình giúp giảm đáng kể chất thải phát sinh từ hộ gia đình, giảm mùi hôi ở các trang trại chăn nuôi, giảm phân bón và thuốc trừ sâu ở các vùng sản xuất nông nghiệp.
Tái chế rác thải thành phân bón trở nên thông dụng trong cuộc sống hằng ngày tại nơi đây, việc này góp phần giúp bảo vệ môi trường và tiết kiệm các chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp hơn. Bạn nghĩ sao về việc này?
Theo thông tin từ Báo Đồng Nai