Minh Anh ·
1 năm trước
 9144

Rác thải nhựa tại TP.HCM “góp phần” khiến nhiều tuyến đường thành sông khi mưa lớn

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng cứ mưa là ngập diễn ra tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM. Theo các chuyên gia, việc xả rác bừa bãi, đặc biệt là rác thải nhựa của người dân cũng “góp phần” không nhỏ gây ra tình trạng này.

Hễ mưa là ngập

Tình trạng cứ mưa là ngập đường là chủ đề nóng nhiều năm qua tại TP.HCM, nhiều giải pháp, dự án nghìn tỷ đã được đưa ra nhằm xử lý vấn đề này nhưng thực tế đến nay tình trạng ngập vẫn không được cải thiện bao nhiêu.

Theo ghi nhân của Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, những ngày gần đây, tình trạng đường ngập nước do mưa lớn lại tái diễn trên địa bàn TP.HCM. Điển hình như đường Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Quốc Hương, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Song Hành (TP.Thủ Đức), Hồ Học Lãm, An Dương Vương (Bình Tân), tuyến Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh)... hay tuyến đường của giới nhà giàu Nguyễn Hữu Cảnh.

Tình trạng cứ mưa lớn là ngập không chỉ diễn ra tại các tuyến đường lớn, nhiều hẻm nhỏ trên địa bàn TP.HCM cũng luôn phải đối mặt với tình trạng ngập nước. Nhiều nguyên nhân được đưa ra dẫn tới tình trạng này như hạ tầng chưa phù hợp, triều cường, biến đổi khí hậu... nhưng theo các chuyên gia, rác thải từ xây dựng, rác thải sinh hoạt, rác thải nhữa cũng góp phần không nhỏ khiến các tuyến đường bị biến thành sông môi khi mưa lớn.

Nhiều tuyến đường lớn, hẻm nhỏ tại TP.HCM luôn ngập trong nước mỗi khi trời mưa lớn. (Ảnh: Ngọc Thạch).

Vào chiều tối 17/8 vừa qua, sau cơn mưa lớn trải khắp các quận huyện trên địa bàn TP.HCM, hàng loạt tuyến đường đã bị ngập trong nước.

Cụ thể, tại đường Nguyễn Văn Khối thuộc quận Gò Vấp, nước ngập sâu, người dân di chuyển qua đây phải cố gắng chạy sát dải phân cách để tránh chết máy xe. Nước tràn vào các tuyến hẻm đến nửa bánh xe khiến nhiều người dân phải gửi xe máy ở đầu đường rồi lội nước vào nhà. Nhiều hàng quán, sạp trái cây hai bên đường phải ngưng buôn bán để di chuyển bàn ghế và các vật dụng điện lên nơi cao, tránh nước tràn vào. Tuyến đường này là một trong những “điểm đen” về tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn nhiều năm qua tại TP.HCM.

Tại đường Lê Văn Thọ cũng thuộc quận Gò Vấp, nhiều đoạn ngập sâu quá nửa bánh xe; nhân viên công ty thoát nước đô thị Thành phố cùng nhiều người dân phải đi dọc tuyến đường ngập để dọn rác, lá cây đọng quanh miệng cống để nước rút nhanh hơn. Nước ngập từ đường lớn tràn vào cả Công viên Làng Hoa trên đường Lê Văn Thọ khiến công viên chìm trong biển nước.

Hay tại TP.Thủ Đức, đường Tô Ngọc Vân đoạn qua đường ray xe lửa Bắc Nam - nơi đang bị xem như "rốn ngập", người dân cũng liên tục chịu cảnh bì bõm sau vài trận mưa đầu mùa năm 2023. Dự án công trình chống ngập cho các tuyến đường này đã được khởi công vào tháng 10/2020, dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thi công nhưng đến nay vẫn chưa xong khiến cho tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn vẫn tái diễn.

Còn tại đường Hồ Học Lãm nối đường Kinh Dương Vương và đại lộ Võ Văn Kiệt thuộc quận Bình Tân, đã được mở rộng thông thoáng và khang trang hơn. Đường đưa vào hoạt động trở lại vào ngày 31/3/2022. Tuy nhiên, đến nay nhiều đoạn trên tuyến đường này vẫn xảy ra ngập mỗi khi mưa lớn.

Chia sẻ với Phóng viên, em Dũng - sinh viên trọ tại khu vực quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết: “Em sống tại đường Phạm Văn Chiêu, nơi đây cứ hễ mưa lớn là đường ngập nước như sông. Có chỗ ngập tới yên xe máy, nên mỗi khi mưa lớn là em sẽ ở lại trường hoặc ngồi quán cà phê đợi hết mưa mới về nhà để tránh việc bì bõm trong đường ngập và kẹt xe”.

Còn theo chị Lan Ny, người dân sống tại phường Thảo Điền, TP.Thủ Đức chia sẻ, nhiều năm qua, người dân phường Thảo Điền sống cùng cảnh cứ mưa là ngập. Mưa lớn khoảng 15 - 20 phút là nước lênh láng, thậm chí tràn vào nhà. Mỗi lần ngập nước là người dân phải bỏ hết mọi việc để lo dọn dẹp nhà cửa, ngay cả những hộ dân sống trong các khu biệt thự cao cấp cũng không thoát khỏi cảnh ngập.

“Tuyến đường Quốc Hương là bị ngập nặng nhất, có khi ngập hơn nửa bánh xe khiến hàng loạt phương tiện chết máy, người tham gia giao thông ngã sóng soài ra đường. Những năm trước, khi mưa lớn tuyến đường này mới ngập nặng nhưng gần đây chỉ cần mưa nhỏ là đã ngập”, chị Lan Ny cho biết thêm.

Trao đổi với báo chí, TS Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị, cho rằng, TP. HCM không thể giải quyết dứt điểm ngập mà cần bàn cách hạn chế và sống chung với ngập như bao đời nay. Và để hạn chế ngập thì điều quan trọng nhất là cần có những kỹ sư xây dựng được đào tạo và hiểu biết thật sự về thoát nước đô thị, hiểu được đặc điểm tự nhiên của thành phố, để có thể đảm nhận vai trò chính trong các hoạt động về giảm ngập đô thị.

Bên cạnh đó, phải xem lại việc duy trì mô hình Trung tâm Chống ngập. Chỉ cần lập một tổ chuyên gia am hiểu và có chuyên môn cao, đồng thời, giao lại trách nhiệm của Trung tâm Chống ngập để Sở Xây dựng quản lý mới đúng chuyên môn.

Rác thải "đóng góp" vào tình trạng ngập nước

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan gây ngập lụt như hệ thống thoát nước của TP.HCM được đầu tư qua nhiều thời kỳ, có nhiều đường cống xây bằng gạch thẻ, không đủ tiết diện để thoát nước; thậm chí nhiều khu vực chưa có hệ thống thoát nước hoặc hệ thống thoát nước chưa được đầu tư hoàn thiện.

Hay do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt khiến những cơn mưa có cường độ rất lớn (mưa lớn trong thời gian ngắn) ngày càng xuất hiện dày đặc, làm quá tải hệ thống thoát nước cũng là nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường tại TP.HCM rơi vào tình trạng cứ mưa là ngập.

Một nguyên nhân khác được nhiều chuyên gia chỉ rõ là vấn đề các hệ thống thoát nước bị bít chặt bởi rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt và rác thải từ các công trình xây dựng...

Chia sẻ với Phóng Viên, ông Phạm Văn Tư làm nghề xe ôm ngay cổng bệnh viện Từ Dũ cho hay: “Cứ mỗi lần mưa lớn là chỗ cống thoát nước này bắt đầu bị tắc. Bình thường nó đã bị bịt kín vì rác nhựa, đến khi mưa lớn thì rác chỗ khác lại trôi về nữa, nên đã tắc lại càng thêm tắc. Do đó, mỗi lần mưa lớn tôi phải trực tiếp ra để lôi đống rác nhựa bỏ lên vỉa hè, chứ để vậy nước không có thoát được. Tôi mong mỗi người ý thức một xíu, tìm thùng rác mà bỏ vào. Chứ cứ vứt rác bừa bãi rồi lại ảnh hưởng đến cuộc sống chính bản thân mình và mọi người”.

Rác thải nhựa bịt kín cả đường cống thoát nước tại trước cổng Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh Phú, Phó Trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), tình trạng ngập lụt còn có nguyên nhân chủ quan đến từ chính thói quen xả rác bừa bãi ra đường phố, kênh rạch của người dân khiến rác lấp chặt miệng cống thoát nước.

“Hiện nay, trên các tuyến phố, khu vực công cộng của Thành phố có đặt nhiều thùng rác ven đường nhưng nhiều người vẫn chưa có thói quen bỏ rác đúng chỗ. Tại các chợ, cửa hàng kinh doanh ăn uống… sau mỗi buổi kinh doanh, một số người bán lại đổ hết rác vào miệng cống hoặc vứt rác tràn lan trên mặt đất. Do đó khi mưa lớn cuốn theo rác trôi xuống cống làm tắc đường thoát nước”, ông Phú thông tin.

Để khắc phục tình trạng ngập lụt xảy ra mỗi khi mưa lớn, UBND TP.HCM đã ban hành Đề án Chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020-2045 và Kế hoạch Chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030.

Theo Đề án, mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016-2020; tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng Trung tâm thành phố rộng hơn 106 km2, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố. 

Tại Quyết định số 642/QĐ-TTg ngày 26/5/2022 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký cũng hướng tới việc TP.HCM sẽ xử lý dứt điểm vấn đề ngập úng trong 5-10 năm tới.

Quyết định nêu rõ, việc lập quy hoạch TP.HCM bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững…

Đồng thời, quy hoạch thành phố phải gắn với tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM là đô thị thông minh, trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

Trong đó, lấy yếu tố đổi mới sáng tạo là trung tâm, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống của người dân. Sử dụng hiệu quả lợi thế của thành phố phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Trong định hướng phát triển thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ yêu cầu TP. HCM phải đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn để tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030; trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á vào năm 2045.

Đồng thời, thành phố phải tập trung xử lý những vấn đề trước mắt trong 5 đến 10 năm tới, bao gồm: ùn tắc giao thông, ngập úng do thủy triều và mưa, ô nhiễm môi trường ở các kênh rạch, các khu dân cư có điều kiện sống thấp.

Trong quy hoạch cũng cần làm rõ những thách thức đối với sự quá tải về cơ sở hạ tầng, ngập nước, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và an sinh xã hội.

Làm rõ được vai trò, vị trí trung tâm kinh tế của thành phố đối với cả nước, vai trò đầu tàu và động lực tăng trưởng của cả nước; thực trạng sắp xếp, tổ chức các hoạt động kinh tế trên địa bàn thành phố; so sánh kinh tế thành phố với các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á.