Thành Phong ·
36 tuần trước
 8489

Rác thải nhựa tại TP.HCM: Thực trạng “nhức nhối”

TP.HCM là một trong những thành phố sầm uất nhất bậc nhất của Việt Nam. Tuy nhiên cùng với sự phát triển, TP.HCM đang phải đối mặt với vấn đề “nhức nhối” lớn của rác thải nhựa đối với môi trường.

TP.HCM là thành phố lớn nhất Việt Nam và là một "siêu đô thị" trong tương lai gần. Đây còn là trung tâm kinh tế, văn hóa, giải trí và giáo dục tại Việt Nam. TP.HCM là hành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, TP.HCM hiện có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện, tổng diện tích 2.095 km2. Tổng dân số TP.HCM tính đến ngày 1/6/2023 là gần 8,9 triệu người.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cùng mật độ dân số cao, nơi đây đang phải đối mặt với vấn đề nhức nhối của rác thải sinh hoạt, trong đó có rác thải nhựa. Chính điều này đã và đang gây ra áp lực lớn lên môi trường tại TP.HCM.

Theo ghi nhận của Phóng viên, dọc khắp các tuyến đường tại TP.HCM, không kể ban ngày hay ban đêm, để bắt gặp những túi rác, bao ni lông, ly nhựa,... nằm ngổn ngang trên đường giao thông không hề khó.

Tình trạng đáng báo động hơn, lượng rác thải nhựa tích tụ khá lớn tại nhiều vỉa hè trên địa bàn TP.HCM, có những điểm người dân tự đốt rác vì lâu không có ai thu gom, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Ghi nhận tại Bệnh viện Từ Dũ - một bệnh viện lớn tại TP.HCM với lịch sử khoảng 100 năm hình thành và phát triển. Tuy nhiên, trước cổng bệnh viện này nhếch nhác với những thùng rác quá tải, rác thải nhựa tràn ngập bịt kín cả đường cống thoát nước.

Tại đường 3/2 thuộc quận 10, TP.HCM, đoạn từ vòng xoay Dân Chủ đến đầu đường Cao Thắng chỉ khoảng 600m.Dọc tuyến đường này có thể thấy rõ, rác thải nhựa hầu hết được tập kết ngay trước mặt tiền kinh doanh và không hề được bỏ vào thùng rác theo đúng quy định, trông rất mất mỹ quan mặc dù tuyến đường này nổi tiếng với nhiều bệnh viện, phòng khám, cơ sở kinh doanh chuyên về lĩnh vực làm đẹp.

Hay như các điểm kinh doanh nhỏ lẻ: quán cafe, salon tóc,... cũng không tránh khỏi tình trạng rác thải tràn lan trên vỉa hè, không được bỏ đúng nơi quy định.

Dễ thấy nhất tình trạng xả rác thải nhựa tràn lan là tại các khu chợ truyền thống, khi tại đây thường tiêu thụ lượng lớn sản phẩm từ nhựa như bao nilon, ly nhựa, hộp xốp,...

Ngay cả như nhiều công viên, nơi vui chơi giải trí của mọi tầng lớp nhân dân, là lá phổi xanh, cũng như là bộ mặt của một đô thị. Thế nhưng, do nhiều người dân thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường nên rác thải nhựa cũng ngổn ngang tại nhiều công viên tại TP.HCM.

Đặc biệt, nhiều dòng kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải nhựa gây ra như kênh Lò Gốm - Tân Hóa, kênh Hàng Bàng, kênh Nước Đen,... Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân.

Đáng chú ý, nhiều biển hiệu của các cấp chính quyền nhằm kêu gọi người dân bảo vệ môi trường hay xử phạt với hành vi trên đều không có tác dụng. Thậm chí còn có tác dụng ngược khi chính những điểm có biển hiệu lại là nơi rác thải được tập kết nhiều hơn.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỉ túi nhựa. TP.HCM có lượng tiêu thụ nhựa và túi nhựa hàng ngày lên tới 80 tấn và hơn 80% số túi nhựa đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi nhựa ở Việt Nam chiếm khoảng 8% đến 12% chất thải rắn sinh hoạt. Thế nhưng chỉ có khoảng 11% đến 12% số lượng chất thải này được tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt hoặc đổ tràn lan ra các bãi đất trống.