Minh Anh ·
1 năm trước
 9162

Những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về hạn chế rác thải nhựa

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cam kết trong việc bảo vệ môi trường toàn cầu. Trong đó có cam kết hạn chế rác thải nhựa. Đây được xem là sự khẳng định mạnh mẽ của Việt Nam đối với vấn đề chống “ô nhiễm trắng”.

Vào cuối tháng 5 vừa qua, Hội nghị cấp cao về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đã được tổ chức tại trụ sở UNESCO ở Paris theo sáng kiến của nước chủ nhà Pháp. Sự kiện này với sự góp mặt của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tất cả các nước cùng ban một giải pháp để chống lại sự xâm chiếm của rác thải nhựa.

Tại Hội nghị này, nhiều quốc gia đã thảo luận và đi đến thống nhất công tác thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và sử dụng một cách bền vững các sản phẩm nhựa, để từ đó tiến tới kinh tế tuần hoàn sản phẩm nhựa, cũng như quản lý một cách hiệu quả chất thải nhựa và hạn chế việc vứt rác thải nhựa ra môi trường.

Túi nilon, chai nhựa đang trở thành gánh nặng cho môi trường.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật cũng như các chính sách thúc đẩy việc tái chế sản phẩm nhựa, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, cùng với các nước chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.Còn nhớ cách đây gần 2 năm, vào tháng 9/2021, Hội nghị Bộ trưởng Đức, Ghana và Việt Nam đồng chủ trì với sự hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc UNEP đã diễn ra phiên khai mạc. Hội nghị này được tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tại Genève, Thụy Sỹ.

Tại Hội nghị quan trọng này, ông Nguyễn Quế Lâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT cho biết, ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới. Thực tế đó, đòi hỏi thế giới phải chung tay khẩn trương hành động để giải quyết thách thức nghiêm trọng này trước khi quá muộn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho hay, thời gian qua Việt Nam đã ban hành hàng loạt chính sách pháp luật để hạn chế rác thải nhựa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia quá trình xây dựng và đã có những đóng góp bước đầu đối với việc hình thành một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Trước đó, 3 tháng, 6/2021, Việt Nam đã cùng 78 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và Liên minh Châu Âu ủng hộ Tuyên bố Ngày Đại Dương về ô nhiễm nhựa.

Mới đây nhất, ngày Môi trường thế giới năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa" trong đó tập trung thực hiện chiến dịch "Chống ô nhiễm nhựa". Chủ đề năm nay nhấn mạnh việc biến các cam kết thành hành động thực tiễn, áp dụng rộng rãi các giải pháp giảm thiểu nhựa, đặt mục tiêu ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường…

Để thực hiện cam kết đó, ngày 4/6/2023, tại thị xã Cửa Lò, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6).

Phát biểu tại lẽ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết: Giải pháp cho ô nhiễm nhựa" với trọng tâm thực hiện chiến dịch "Chống ô nhiễm nhựa" tiếp tục được lựa chọn là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2023. “Chúng ta đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vấn đề cấp thiết

Bà Inger Andersen, Giám đốc Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc nhấn mạnh, ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề toàn cầu, không chỉ làm gia tăng phát thải khí CO2 mà còn đe dọa tới đa dạng sinh học, đặc biệt là sự sinh tồn của các loài sinh vật biển. Chính vì thế, việc đạt tới một thoả thuận chung về chấm dứt ô nhiễm nhựa với ràng buộc cao về pháp lý là một điều cấp thiết hiện nay.