Sơn Nguyễn ·
3 năm trước
 2720

Rác thải từ pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng sẽ đi về đâu?

Tuổi thọ trung bình của những tấm pin năng lượng mặt trời từ 20 - 25 năm, vậy với tốc độ phát triển dự án điện mặt trời như vũ bão hiện nay, một vấn đề đáng lo ngại là rác thải nguy hại từ pin năng lượng sẽ đi về đâu?

Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, nhu cầu sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp ngày càng tăng cao, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới là xu hướng tất yếu trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Tuổi thọ trung bình của những tấm pin năng lượng mặt trời từ 20 - 25 năm, vậy là rất nhiều tấm pin năng lượng mặt trời sắp hết hạn sử dụng. Chưa kể hàng chục dự án điện mặt trời lớn nhỏ đang ồ ạt lắp đặt hiện tại thì không lâu sau lượng rác thải này vô cùng lớn. Vậy lượng rác thải từ pin năng lượng hết hạn sử dụng sẽ đi về đâu?

Đây cũng là câu hỏi của đại biểu Quốc hội Ksor H'Bơ Khăp đã đặt ra tại nghị trường Quốc hội. 

pin năng lượng mặt trời

Lắp điện mặt trời trên mái nhà một hộ dân ở Đà Nẵng (Hình ảnh minh họa)

Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, đầu tư điện mặt trời (ĐMT) đã bùng nổ tăng cấp số nhân trong vài năm trở lại đây. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016 mục tiêu ĐMT đạt 850 MW vào năm 2020, lên 4.000 MW vào năm 2025 và 12.000 MW năm 2030. 

Đến năm 2050, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (International Renewable Energy Agency) dự đoán, có tới 78 triệu tấm pin mặt trời sẽ hết tuổi thọ và thế giới sẽ tạo ra khoảng 6 triệu tấn chất thải điện tử năng lượng mới hằng năm. 

Đáng nói, trong khi ĐMT phát triển như vũ bão thì vấn đề xử lý pin từ nguồn điện này lại khá lơ là. Giải đáp thắc mắc trên của đại biểu Ksor H'Bơ Khăp, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ có thể trả lời, trách nhiệm xử lý pin hết hạn sử dụng thuộc về chủ đầu tư các dự án ĐMT. Còn chủ đầu tư xử lý thế nào, thậm chí có xử lý hay không lại là chuyện bỏ ngỏ.

Quan trọng hơn, dù ĐMT đã phát triển mấy năm nay nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trong phiên họp đầu năm nay, Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ KH-CN nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn.

Pin năng lượng mặt trời được cấu thành bởi những chất liệu gì?

Các thành phần sản xuất tấm pin gồm nhựa, silicon, một số hoạt chất dẫn có tính dẫn điện như thạch anh, kim loại dẫn điện. Tuy nhiên, nhựa vẫn là thành phần chính trong mỗi tấm pin. Việc bóc tách các thành phần này không khó, nhưng thực tế trong các quy định chỉ nói thu gom còn xử lý bóc tách không nói rõ. Mặt khác, về khoa học, hầu hết các tấm pin đã dùng hết tuổi thọ sẽ phải bỏ vì tái tạo còn tốn nhiều chi phí hơn cả thay mới.

Với bối cảnh xã hội Việt Nam, người dân có thể sẽ đập nhỏ, vứt bừa bãi như rác thải thông thường. Do đó, vấn đề xử lý ô nhiễm từ chất thải của các tấm panel ĐMT tại Việt Nam cấp thiết hơn so với các nước khác.

pin năng lượng mặt trời

Các thành phần sản xuất tấm pin gồm nhựa, silicon, một số hoạt chất dẫn có tính dẫn điện như thạch anh, kim loại dẫn điện,...

Trên thế giới, hầu hết các nước chưa có quy định rõ ràng, đầy đủ về việc xử lý các tấm pin sau khi hết hạn, cũng như việc xử lý, bóc tách các thành phần trong pin mặt trời. Hiện tại, chưa có chế tài cưỡng chế, bảo đảm rằng nếu nhà sản xuất đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì phải chịu trách nhiệm và đền bù như thế nào.

Phế thải từ các tấm pin mặt trời sẽ là một vấn đề môi trường rất lớn trong những thập niên tới trên thế giới. Nếu không kịp thời nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu gom, xử lý và tái chế cũng như ban hành các cơ chế chính sách phù hợp thì các quốc gia đang phát triển sẽ phải gánh chịu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tính tới thời điểm hiện tại, các nước Nigeria, Việt Nam, Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ đang là những nơi tập kết chính của rác thải điện tử.

Chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm?

TS Ngô Đức Lâm bổ sung, Thông tư 18 thể hiện “niềm tin” của Bộ Công thương rằng các nhà sản xuất hứa sau khi hết thời gian sử dụng sẽ thu hồi lại, xử lý phần kim loại nặng từ các tấm quang điện, phần còn lại đem chôn lấp, xử lý như rác thải thông thường.
 
Họ cũng hứa sẽ chịu chi phí xử lý rác thải từ những tấm pin năng lượng mặt trời, người dân không phải bỏ tiền. Tuy nhiên tất cả chỉ là ràng buộc trên lời hứa, như 1 điều khoản thêm vào cho đủ thủ tục trong bối cảnh cấp thiết đầu tư các nhà máy ĐMT để kịp thời bù đắp thiếu hụt điện trong nước.
 
Theo ông Trần Viết Ngãi, chất lượng của tấm pin năng lượng quyết định tỷ lệ rác thải ra môi trường. Nếu đầu tư làm pin chất lượng cao, tuổi thọ lên đến 30 năm, từ các quốc gia phát triển, đã có kinh nghiệm làm năng lượng tái tạo mấy chục năm qua như Đức, Pháp, Ý, Úc... giá thành rất cao.
 
Còn lại, pin năng lượng của Trung Quốc đang được sản xuất đại trà, giá rẻ tuổi thọ thường chỉ 7 - 10 năm, khó cao trên 15 năm như quảng cáo của họ là 20 - 25 năm. Trước mắt, cần có công nghệ... bảo quản các tấm pin để nâng tuổi thọ các tấm pin, song song công nghệ xử lý rác thải. Ông nói, Việt Nam đang phát triển các dự án ĐMT, khuyến khích phát triển là điều tốt, nhưng chúng ta chưa có quy định ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm xử lý pin thải từ nhà đầu tư.
 
Chưa có chế tài cưỡng chế, đảm bảo rằng nếu các nhà sản xuất, nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì sẽ phải đền bù, chịu trách nhiệm. Quy định mỏng này có thể dẫn đến một tương lai màu xám như điện than, đánh giá tác động môi trường yêu cầu phải khử bỏ phần kim loại nặng nhưng vẫn không có đủ chế tài để làm, để xử lý, khiến điện than trở thành một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Bởi vậy, về rác thải từ pin năng lượng mặt trời sẽ đi đâu về đâu vẫ là một mối lo ngại, là một câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn trước sự phát triển như vũ bão của các dự án điện mặt trời như hiện nay!

Tư liệu từ Thanh Niên/Lao Động/Nhân Dân