Tạ Nhị ·
2 năm trước
 3698

Rào cản và giải pháp biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên tại Việt Nam

Quản lý và xử lý chất thải rắn (CTR) nói chung hay chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói riêng đang là ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý môi trường tại Việt Nam. CTR được hiểu là tất cả các loại vật chất, vật liệu được con người đưa ra môi trường.

Bài khoa học

Tóm tắt: Quản lý và xử lý chất thải rắn (CTR) nói chung hay chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói riêng đang là ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý môi trường tại Việt Nam. CTR được hiểu là tất cả các loại vật chất, vật liệu được con người đưa ra môi trường hoặc bị con người thải ra môi trường sau khi sử dụng. CTRSH là một trong các loại CTR phát sinh trong quá trình sinh sống của con người tại nơi ở hay các nơi làm việc. Làm sao để biến CTR, CTRSH thành tài nguyên? Để góp phần làm sáng tỏ bức tranh CTRSH và đi tìm lời giải cho bài toán nâng cao chuỗi giá trị CTRSH nói trên, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp chuyên gia, phương pháp tổng quan, phân tích và tổng hợp các văn bản pháp quy, thông tin tài liệu thứ cấp liên quan về RTRSH. Kết quả nghiên cứu đã khái quát 3 khía cạnh thực trạng quản lý và xử lý CTRSH, xác định và nhận diện 5 rào cản trong việc biến CTRSH thành tài nguyên và đóng góp 6 nhóm giải pháp/khuyến nghị chính sách môi trường nhằm xử lý/khai thác hiệu quả tài nguyên rác thải đóng góp vào phát triển kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.

Từ khóa: tài nguyên rác, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, thị trường, phân loại rác, Việt Nam

Đặt vấn đề

Sau hơn 35 năm thực hiện chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, nước ta đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình năm đạt 7,5% giai đoạn 1991 - 2006. Đến năm 2009, Việt Nam chính thức gia nhập vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp. Và đến năm 2020, quy mô nền kinh tế (tổng sản phẩm trong nước - GDP) đạt gần 290 tỷ USD. Bên cạnh thành tựu phát triển kinh tế, nước ta đang đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường như: ô nhiễm đất, nước, không khí, mất rừng và suy thoái rừng [1–4]. Bằng chứng là Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số bền vững về môi trường thấp nhất trên thế giới [5].

Ngoài các loại ô nhiễm môi trường kể trên, ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) từ lâu đã trở thành vấn đề ô nhiễm môi trường gây nhức nhối, xảy ra ở cả nông thôn và đô thị của nước ta. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên toàn quốc là khoảng 44.400 tấn/ngày. Đến năm 2019 [6], con số này là 64.658 tấn/ngày (khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày và khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày), tăng 46% so với năm 2010. Các địa phương có khối lượng CTRSH phát sinh trên 1.000 tấn/ngày chiếm 25% (trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM) phát sinh trên 6.000 tấn/ngày). Qua quan sát, trải nghiệm thực tế ở nhiều địa phương, người dân nông thôn thường xuyên phải hít thở khói bụi độc hại từ các bãi rác tự phát cháy âm ỉ qua ngày đêm. Trong khi đó các cư dân sống gần các khu công nghiệp đang phải chịu nhiều thiệt thòi do rác thải gây ô nhiễm nguồn nước, nguồn không khí làm tăng chi phí khám chữa bệnh và giảm chất lượng cuộc sống [6,7].

Mặc dù rác thải được coi là nguồn tài nguyên quý giá ở các nước phát triển nhưng tài nguyên này dường như chưa được khai thác hiệu quả tại các nước kém và đang phát triển. Theo ước tính sơ bộ, chỉ riêng cho rác thải nhựa, Việt Nam đang lãng phí gần 3 tỉ USD do không tái chế hết [8]. Vì thế làm sao vừa hạn chế ô nhiễm trong khi lại khai thác được tài nguyên này, biến nó thành nguồn lực kinh tế quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước là bài toán cấp bách đang được đặt ra cho Việt Nam.

Nhằm gợi mở phương hướng/cách tiếp cận và giải pháp khoa học để xử lý CTRSH, biến rác thải thành tài nguyên ở nước ta, nhóm nghiên cứu tập trung vào: (1) tổng quan thực trạng quản lý và xử lý CTRSH ở Việt Nam, (2) chỉ dẫn cơ sở khoa học và pháp lý trong quản lý bảo vệ môi trường, (3) xác định các rào cản trong việc biến CTRSH thành tài nguyên và (4) đề xuất các khuyến nghị chính sách môi trường nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên rác thải đóng góp vào phát triển kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.

Thực trạng quản lý CTR/CTRSH tại Việt Nam

Về công tác thu gom rác. Tỷ lệ CTR đô thị được thu gom thay đổi theo mức thu nhập của các quốc gia, theo đó, thu nhập của quốc gia càng cao thì tỷ lệ thu gom CTR càng cao. Cụ thể, tỷ lệ thu gom CTR ở các nước thu nhập cao và các nước Bắc Mỹ đạt gần 100%. Các nước thu nhập trung bình thấp có tỷ lệ thu gom khoảng 51%, trong khi ở các nước thu nhập thấp, khoảng 39%. Ở các nước thu nhập trung bình thấp, tỷ lệ thu gom đạt 71% tại các đô thị và khu vực nông thôn là 33%. Tỷ lệ thu gom tại các nước châu Á - Thái Bình Dương trung bình đạt khoảng 77% ở đô thị và 45% ở nông thôn [9]. Hiện nay, tại Việt Nam, năm 2018, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt ở đô thị đạt khoảng 85,5% và nông thôn, khoảng 40 - 55%, cao hơn mức bình quân của các nước thu nhập trung bình thấp trên thế giới.  

Về công tác xử lý rác. Theo nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2015 và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, tỷ lệ tái chế CTR đô thị tăng đều trong 30 năm qua ở các nước thu nhập cao, trung bình đạt khoảng 29%. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ CTR đô thị được tái chế ước tính thấp hơn 10%, chỉ khoảng 6% đối với nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Tái chế kim loại, giấy, nhựa được triển khai mạnh mẽ, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ… là các nước tái chế nhiều nhất.

Đối với chất thải điện tử, ước tính, khoảng 84% loại chất thải này trên toàn cầu được tái chế, phần lớn được thực hiện ở các nước đang phát triển (như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore,…), giá trị vật liệu của chất thải điện tử toàn cầu ước tính khoảng 48 tỷ Euro năm 2014 [10]. Các loại chất thải trong nông nghiệp, chăn nuôi thường được tái chế thành năng lượng ở các dạng biogas. Chất thải xây dựng được tái chế tỷ lệ cao ở các nước phát triển, đạt đến 99% ở Nhật Bản, New Zealand [11]. Nhìn chung, ngành công nghiệp tái chế phát triển ở các nước thu nhập cao và kém phát triển ở các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi mà hoạt động tái chế chủ yếu là do khu vực phi chính thức thực hiện.

Về hiện trạng quản lý. Theo Ngân hàng Thế giới, quản lý CTR là trách nhiệm của chính quyền địa phương; rất ít chính quyền trung ương trực tiếp liên quan đến quản lý CTR, ngoài việc ban hành chính sách, giám sát, hoặc trợ cấp [12]. Trên thế giới có khoảng 70% dịch vụ CTR được giám sát trực tiếp bởi các địa phương, còn lại được quản lý thông qua các cơ quan liên tỉnh, tổ chức công - tư, hoặc công ty tư nhân; 50% dịch vụ về quản lý CTR được điều hành bởi các cơ quan công lập; 1/3 dịch vụ thu gom về xử lý, chôn lấp chất thải được vận hành thông qua đối tác công – tư [9,12].

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu và Trung tâm Phát triển vùng Liên hợp quốc về quản lý CTR ở châu Á - Thái Bình Dương, thực trạng quản lý CTR được tổng hợp ở 3 cấp độ từ thấp lên cao. Tuy nhiên, công tác quản lý CTR tại Việt Nam đang ở cấp độ 1, là cấp độ thấp nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bảng 1. Các cấp độ quản lý chất thải rắn (CTR) tại châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn: [12]

Cấp độ thấp (cấp 1)

Cấp độ trung bình (cấp 2)

Cấp độ cao (cấp 3)

CTR không được phân loại

tại nguồn.

Thu gom chưa bao phủ hết.

Việc tái chế/thu hồi vật liệu chủ yếu do khu vực phi chính thức thực hiện.

Không có/hạn chế phươg án xử lý trung gian.

Phương pháp tiêu hủy chủ yếu là đổ lộ thiên/bãi chôn lấp không kiểm soát.

Việc tiêu hủy/trái phép vẫn còn tồn tại.

Có phân loại tại một số nơi mà điều kiện cho phép.

Mức độ thu gom tốt hơn, độ bao phủ lớn hơn.

Việc tái chế/thu hồi vật liệu thông qua khu vực chính thức và

phi chính thức.

Các công nghệ xử lý trung gian:

đốt, compost, biogas…và các công nghệ 3R (reuse, reduce, recycle).

Phần lớn các bãi chôn lấp có

kiểm soát.

Việc tiêu hủy/xử lý trái phép tồn tại, nhưng các biện pháp phòng ngừa được tăng cường.

Phân loại tại nguồn được thực hiện rộng rãi, phù hợp với các phương án xử lý thu gom bao phủ toàn bộ việc tái chế được thực hiện bởi khu vực chính thức (chính quyền, hoặc cơ sở công nghiệp).

Việc đốt thu hồi nhiệt là phương pháp xử lý chính, cùng với các phương án khác.

Chôn lấp hợp vệ sinh.

Việc tiêu hủy/xử lý trái phép được kiểm soát.

Về phí CTR, mức phí dao động ở mức trung bình khoảng 37 USD/hộ gia đình/năm đối với các quốc gia thu nhập thấp; tại các quốc gia có thu nhập cao, khoảng 168 USD/hộ gia đình/năm. Trong đó, đáng lưu ý là 61% nước thu nhập trung bình thấp đang thu đồng đều đối với mỗi hộ gia đình, 4% thu theo khối lượng chất thải, trong khi ở các nước thu nhập cao, tỷ lệ này là 27% và 47%.

Theo Nguyễn Trung Thắng (2019) [12], ở Việt Nam hiện nay, chi phí quản lý CTR cho 1 tấn chất thải ở Hà Nội ước tính là 540.936 đồng (24 USD) đối với dịch vụ thu gom CTR sinh hoạt, 247.929 đồng (11 USD) đối với dịch vụ vận chuyển CTR sinh hoạt và 90.156 đồng (4 USD) đối với dịch vụ chôn lấp. Mức phí dịch vụ thu gom CTR trung bình cho mỗi hộ gia đình ở Hà Nội là 26.500 đồng/hộ/tháng, hoặc 218.630 đồng/tấn (9,7 USD/tấn), bao gồm: 172,600 đồng/tấn (7,6 USD/tấn) cho thu gom và 46,030 đồng/tấn (2 USD/tấn) cho vận chuyển (Ngân hàng Thế giới, 2019). Nhìn chung, mức mức chi phí CTR hiện nay, thì việc áp dụng các công nghệ hiện đại (vốn đắt đỏ) để xử lý hiệu quả rác là rất hạn chế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sự lãng phí tài nguyên rác hiện nay là rất lớn.

Nhìn chung, năng lực thu gom rác, xử lý rác và quản lý CTR/CTRSH tại Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước phát triển trên thế giới. Điều này cho thấy là tài nguyên rác đang bị lãng phí rất lớn và trong thời gian tới Việt Nam cần nhanh chóng tìm kiếm các giải pháp khoa học để nâng cao chuỗi giá trị rác (CTRSH) đóng góp vào phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Cơ sở khoa học và pháp lý cho các giải pháp biến rác thải thành tài nguyên

Cơ sở khoa học

Cơ sở khoa học cho các đề xuất/giải pháp cho vấn đề môi trường là nguyên lý bán dẫn (giá trị) [13], tháp văn hóa [14] và hệ xử lý thông tin (hệ sáng tạo) 3D [15–17].

Trước tiên là nguyên lý bán dẫn (semiconducting principle) hay còn gọi là nguyên lý bán dẫn giá trị giữa kinh tế và môi trường. Nguyên lý này đặt ra mối quan hệ không tương đồng giữa giá trị môi trường và giá trị kinh tế. Ở chiều thứ nhất giá trị môi trường có thể hạch toán như giá trị tiền bạc nhưng không có chiều ngược lại. Nguyên lý bán dẫn giá trị làm cơ sở khoa học để đưa giá trị môi trường vào hạch toán lợi ích của sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình [16]. Nguyên lý bán dẫn giá trị cũng giới thiệu và nhấn mạnh vai trò trung tâm của giá trị văn hóa thặng dư sinh thái (ecosurplus culture) và coi đây là giá trị văn hóa thứ 11 của nhân loại.  

Hình 1. Lô gic giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường dựa vào hệ giá trị văn hóa môi trường. Nguồn [13]

Tháp văn hóa (culture tower) đề cập đến toàn bộ quá trình từ nhận thức đến hành động, hưởng thụ và đóng góp của cá nhân/tổ chức. Tháp văn hóa là cơ sở để xây dựng văn hóa môi trường, trong đó nếu người tham gia khi trải qua đủ các cấp độ gắn với bảo vệ môi trường kể trên là được coi là có văn hóa môi trường ở mức cao nhất [14].

Nguyên lý 3D hay còn gọi là hệ xử lý thông tin 3D. Theo Khuc (2022) [16] “hệ này đề cập đến 3 cách (D) để con người (cá nhân), tổ chức sáng tạo (tìm ra các giải pháp sáng tạo cho vấn đề). D thứ nhất là từ những chuyên gia hàng đầu trong ngành (the best within discipline). D thứ hai là ngoài ngành (out of discipline), và D thứ ba là quá trình thực hành kỷ luật trong thời gian đủ dài (disciplined process of employing methods of creativity). Trong hệ sáng tạo 3D, hạt thông tin có ích là nguyên liệu đầu vào trước khi được “nấu và luyện” qua sự thảo luận, tranh luận, phản biện của các chuyên gia hàng đầu trong ngành và ngoài ngành, hoặc qua quá trình thực hiện kỷ luật lâu dài”.

Cơ sở pháp lý

Hệ thống chính sách liên quan đến quản lý và bảo vệ môi trường ngày càng được hoàn thiện trong những năm qua. Đáng chú ý nhất là sự ra đời Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua và Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Bên cạnh đó là các văn bản pháp lý tiêu biểu/quan trọng khác như: Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012); Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 12/12/2009); Chiến lược Phát triển chất thải rắn tại các khu đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 152/1999/QĐ-TTg ngày 10/7/1999); Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015); Nghị định về Quản lý chất thải và phế liệu (Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015); Nghị định về Xây dựng, đánh giá thẩm định và quản lý quy hoạch đô thị (Nghị định số 37/2010/NĐ-CP); Nghị định về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015). Chương trình Quốc gia đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020. Quyết định công bố định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị (Quyết định số 529/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 của Bộ Xây dựng).

Quản lý CTRSH cũng là đối tượng hướng đến của các văn bản pháp luật quy định về phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, khởi nghiệp xanh. Điển hình là Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt); Đề án 844 (Quyết định 844/QĐ TTg, Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025); Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam (Bộ Nội Vụ cấp giấy phép); Quyết định số 491 QĐ TTg về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Nhìn chung, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quản lý CTRSH tương đối đầy đủ bao gồm Luật, Nghị định, Chiến lược, Quyết định. Đây là yếu tố thuận lợi cho hoạt động quản lý CTRSH tại Việt Nam.

Các rào cản, thách thức biến rác thải thành tài nguyên

Rào cản 1: Thành phần và tính chất CTRSH (rất) đa dạng. CTRSH của Việt Nam có đặc trưng là độ ẩm cao (dao động trong khoảng 65 - 95%), độ tro khoảng 25 - 30% (khối lượng khô), tổng hàm lượng chất rắn bay hơi (TVS - Total Volatile Solid) dao động trong khoảng 70 - 75% (khối lượng khô), nhiệt lượng thấp (dao động trong khoảng 900 - 1.100 Kcal/kg khối lượng ướt) [18,19]. Thành phần chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học (thực phẩm thải) trong CTRSH của hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao hơn các thành phần khác và thành phần này đang thay đổi theo chiều hướng giảm dần. Thành phần giấy và kim loại trong CTRSH thay đổi tùy thuộc vào nguồn phát sinh và có xu hướng tăng dần [20]. Nhiều thành phần khó xử lý và khó tái chế như vải, da, cao su có tỉ lệ thấp, tuy nhiên các thành phần này đang có chiều hướng tăng qua các năm. Ngoài ra sự gia tăng chất thải nhựa trong thành phần CTRSH là một trong những vấn nạn đối với xử lý CTRSH của Việt Nam.

Theo điều tra thành phần và tính chất CTRSH tại hộ gia đình tại Tp. Hồ Chí Minh, các thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm 64.8 - 74.3% và có độ ẩm cao (55 - 65 %), còn lại là nhóm rác thải tái chế (có khả năng tái sử dụng) và rác thải vô cơ (Bảng 2). Do có sự đa dạng trong thành phần CTRSH, nên nếu rác không được phân loại sẽ khó/không được sử dụng, gây lãng phí nguồn tài nguyên rác. Hay nói cách khách, sự đa dạng thành phần CTRSH làm tăng chi phí xử lý rác.

Bảng 2. Thành phần và tính chất đa dạng của CTRSH tại Tp. HCM

Nguồn gốc

Thành phần

Đánh giá sơ bộ

Hộ gia đình

Các thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm 64.8 - 74.3% và có độ ẩm cao (55 - 65 %).

Rác hữu cơ: cao

Trường học

Giấy và nhựa thải là hai thành phần chính. Khối lượng giấy thải tăng từ 17,6% trong năm 2009 lên 35% trong năm 2015 và khối lượng nhựa tăng từ 25,9% lên 34,9% từ 2009 - 2015. Thành phần có hữu cơ khả năng phân hủy sinh học là 28,7% trong năm 2009 và 25,5% trong năm 2015. Các thành phần chất thải còn lại không có khả năng tái chế như da, vải và mốp xốp chiếm

tỷ lệ thấp

Rác hữu cơ: ít

Rác vô cơ: ít

Rác tái chế: cao

Chợ

Thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm 86,8% trong năm 2009 và 87,8% vào năm 2015

Rác hữu cơ: cao

Văn phòng

Thành phần chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm

tỷ lệ cao nhất 43,7%, giấy 19,4% và nhựa 12,6%.

Rác hữu cơ: vừa phải

Rác vô cơ: ít

Rác tái chế: cao

Khách sạn,

nhà hàng

Thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học (66,2%),

kế đến là giấy (8,8%) và nhựa (8,1%)

Rác hữu cơ: cao

Rác tái chế: vừa phải

Trung tâm thương mại

Thành phần chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học cao hơn nguồn thải là nhà hàng và khách sạn, thành phần này chiếm tỷ lệ 55,1%, nhựa chiếm 14,7%, và giấy chiếm 13,6%. Các thành phần khác như kim loại màu, thủy tinh, bọt xốp, vỏ sò, và đất chiếm

tỷ lệ rất thấp.

Rác hữu cơ: vừa phải

Rác vô cơ: thấp

Rác tái chế: cao

Nguồn: [6,21]

Rào cản 2: Nhận thức và ý thức người dân chưa cao. Mặc dù người dân ngày càng nhận thức rõ về ô nhiễm môi trường xung quanh mình nhưng họ lại chưa nhận thức/chưa hiểu được CTRSH mang giá trị tài nguyên nếu có sự phân loại và tái chế: đồ điện tử hỏng có thể thu hồi kim loại quý, kim loại và các vật liệu có giá trị, 40% giấy ở các nước phát triển được sản xuất từ giấy lộn. Có những người biết giá trị của CTRSH có thể thu hồi, tái chế và tái sử dụng, nhưng họ không biết làm thế nào, chuyển cho ai nên cứ vô tư vứt vào thùng rác. Một số không biết bỏ vào thùng chất hữu hay vô cơ đối với một số loại như: gỗ, giấy. Một số khác biết nhưng họ không bỏ đúng thùng đựng CTRSH theo quy định vì họ không tách các loại đó từ trong nhà của mình. Thậm chí họ bỏ CTRSH ra những nơi không đúng nơi quy định: đường giao thông, bụi cây, kênh rạch, v.v…

Rào cản 3: Chưa có mô hình thu gom và phân loại CTRSH hợp lý. Điều này được thể hiện qua việc tồn tại các cá nhân thu gom từng loại CTRSH theo chủ định: các người được gọi là dân nhặt ve chai, dân nhặt rác trên các bãi rác. Trong khi ở các khu dân cư không có không gian và số lượng thùng để chứa từng loại CTRSH, thường trong các khu dân cư chỉ có 2 thùng chứa rác ghi là chất hữu cơ và chất vô cơ nhưng không có nơi để phân loại chi tiết để có thể tái sử dụng hay tái chế. Có một số nơi có mô hình thu gom và phân loại thành công, nhưng đơn vị tiếp nhận cuối cùng không có phương tiện vận chuyển riêng. Sự thất bại của các mô hình 3R ở Hà Nội và các thành phố lớn trong thời gian qua là ví dụ điển hình.

Rào cản 4: Chưa có thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm phân loại. Nhiều CTRSH được phân loại chưa có thị trường tiêu thụ tiếp cận với hộ gia đình và xóm dân cư nên phân loại được rồi không biết bán cho ai. Trong khi ở nhiều nước có rất nhiều dạng thị trường để tiêu thụ sản phẩm đến cụm dân cư. Ví dụ ở các trường đại học Nhật Bản, các sản phẩm sinh viên không sử dụng có thể mang đến “hội chợ” hàng hóa để trao đổi; tại đó nhà tổ chức có thể bán cho các sinh viên khác mang về dùng thay cho việc phải trả tiền khi đưa ra bãi rác. Ở Nước Mỹ cũng có các cửa hàng bán đồ cũ giá rẻ cho những người cần như Goodwill. Thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm phân loại còn khó khăn hơn ở khu vực nông thôn dân số không đông và giao thông đi lại khó khăn. Các công ty môi trường không phải là nơi tiêu thụ CTRSH. Trong khi việc nhập “phế liệu” cho sản xuất ở Việt Nam có xu hương tăng lên. Theo số liệu, thông tin quản lý, theo dõi hoạt động nhập khẩu phế liệu các năm 2016 và 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), năm 2016 tổng khối lượng các loại phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 3,5 triệu tấn thì sang năm 2017 tổng khối lượng phế liệu đã tăng lên khoảng 7,9 triệu tấn [22]. Việc gia tăng nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất cũng góp phần làm gia tăng chất thải phát sinh từ lượng tạp chất đi kèm phế liệu trong quá trình sử dụng, tái chế phế liệu.

Rào cản 5. Chưa có chính sách và cơ chế phù hợp cho việc thu gom và xử lý CTRSH. Sự bất cập trong chính sách môi trường như tiền thu từ việc thu gom và xử lý CTRSH của các công ty môi trường không đủ cho việc thu gom – vận chuyển – xử lý; phần thiếu hụt đều được cấp từ ngân sách nên chôn lấp CTRSH là giải pháp rẻ tiền thường được sử dụng. Theo báo cáo năm 2014 của URENCO Hà Nội, chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển vào khoảng 600 tỷ đồng/năm trong khi tổng nguồn thu từ phí vệ sinh chỉ khoảng 30 tỷ đồng, chiếm 5% tổng số chi. Trên thực tế tại nhiều địa phương, nguồn kinh phí thu được từ phí vệ sinh môi trường chỉ đủ chi trả khoảng 20 - 25% chi phí thu gom và vận chuyển CTRSH đô thị. Bên cạnh đó, nhà nước chưa có chính sách đầu tư cho việc hình thành thị trường thu gom và sử dụng CTRSH sau phân loại, tái chế và tái sử dụng. Cơ quan quản lý môi trường chưa được thiết kế để tối đa hóa lợi ích của việc thu gom, phân loại, xử lý và tái chế mà chỉ thực hiện dựa vào nguồn bao cấp của ngân sách.

Giải pháp biến rác thải thành tài nguyên

Dựa trên nền tảng cơ sở khoa học và pháp lý cùng với những rào cản và thách thức trong quản lý CTRSH được nhận diện trong thực tiễn, nhóm tác giả khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện một hệ sinh thái giải pháp để nâng cao chuỗi giá trị CTRSH và bảo vệ môi trường như sau.

Thứ nhất là tăng cường truyền thông và giáo dục môi trường (giải pháp này hướng đến giải quyết rào cản số 2). Trong khi công tác truyền thông giúp nâng cao nhận thức thì giáo dục môi trường giúp cải thiện kiến thức môi trường cho người dân/người tham gia. Giải pháp này dựa trên cơ sở đề cao vai trò của hạt thông tin hữu ích trong nguyên lý 3D và nấc thang đầu tiên trong tháp chuyển đổi văn hóa môi trường.

Thứ hai là ươm mầm và xây dựng văn hóa môi trường (hướng đến giải quyết tất cả các rào cản trong dài hạn). Ươm mầm văn hóa môi trường tập trung đến thế hệ trẻ, trong khi xây dựng văn hóa môi trường tập trung nhiều hơn đến lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp và hộ gia đình. Xây dựng văn hóa môi trường là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự quyết tâm và thực hành kỷ luật cao của cả hệ thống chính trị.

Thứ ba là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách môi trường (hướng đến giải quyết rào cản 3, 4, 5). Đầu tiên là cần đưa giá trị môi trường vào hạch toán lợi nhuận sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp theo, nhà nước cần có cơ chế chính sách tạo động lực đúng mức để thu hút sự tham gia của các bên tham gia, đặc biệt là doanh nghiệp vào xử lý CTRSH [23]. Nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện thị trường mua bán rác thải để giúp nâng cao chuỗi giá trị CTRSH một cách bền vững.

Thứ tư là tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ (hướng đến giải quyết rào cản 1). Mặc dù khoa học và công nghệ được đánh giá là mang lại lợi ích to lớn và đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chuỗi giá trị CTRSH nhưng trên thực tế sự đầu tư vào khoa học và công nghệ ở Việt Nam còn rất khiêm tốn (khoảng 1% GDP [24]). Vì thế nhà nước cần tăng ngân sách cho nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thời gian đến [25].  

Thứ năm là tăng cường chia sẻ hợp tác giữa các tác nhân kinh tế, bên liên quan (hướng đến giải quyết rào cản 3, 4). Sự tham gia và hợp tác của nhà nước, doanh nghiệp, người dân, nhà khoa học là quan trọng, cho phép tìm ra được các giải pháp sáng tạo, nâng cao hiệu quả hiệu lực thực thi, gia tăng quy mô giải pháp. Cơ sở khoa học của giải pháp này là D thứ 2 (out of discipline) trong hệ sáng tạo 3D.

Thứ sáu là thực thi kỷ luật các cam kết môi trường. Giải pháp của mọi giải pháp là thực thi kỷ luật, thực hiện cam kết môi trường. Cơ sở khoa học của giải pháp này là D thứ 3 (disciplined process) trong hệ xử lý thông tin 3D. Điều lưu ý là phải thực hiện cam kết và thực hành kỷ luật trong một thời gian đủ dài, điều này tạo điều kiện cho văn hóa môi trường được hình thành và có các kết quả mong muốn.

Kết luận

Ô nhiễm môi trường được gây ra bởi CTRSH tại Việt Nam đang ở mức báo động đặt ra nhu cầu cấp bách trong quản lý nhằm đạt “mục tiêu kép” bảo vệ môi trường và biến rác thải thành tài nguyên phát triển kinh tế. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp tài liệu thứ cấp và phương pháp chuyên gia để đánh giá bức tranh thực trạng quản lý CTR/CTRSH tại Việt Nam. Trong 5 rào cản được nhận diện, nhóm nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh đến rào cản số 4 (chưa có thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm phân loại) và rào cản số 5 (chưa có chính sách và cơ chế phù hợp cho việc thu gom và xử lý CTRSH). Đây có thể coi là “nút thắt cổ chai” trong việc biến rác thải thành tài nguyên. Vì thế, để đạt được mục tiêu kép nêu trên, Việt Nam cần vận dụng, áp dụng hệ sinh thái các giải pháp chính bao gồm truyền thông, giáo dục, đầu tư cho khoa học công nghệ, liên kết hợp tác, ươm mầm và xây dựng văn hóa môi trường, hoàn thiện chính sách cơ chế, xây dựng thị trường rác, và thực thi kỷ luật các cam kết môi trường.

Nguồn: Kinh tế môi trường